Xét xử lưu động là hình thức tuyên truyền trực quan, thiết thực, không những đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật mà còn giúp người dân hiểu rõ các hành vi phạm tội, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.
Trong các kênh phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, các phiên tòa xét xử lưu động được đánh giá là mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Vì vậy, thời gian qua, TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An luôn quan tâm tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động.
Cuối tháng 6/20, tại trụ sở UBND xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, TAND tỉnh Nghệ An tổ chức xét xử lưu động 2 vụ án hình sự sơ thẩm với 5 bị cáo phạm tội “Mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy” và “Mua bán người”.
Đặc biệt, phiên tòa lưu động 2 vụ án này được xét xử trực tuyến tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn. Ngày diễn ra phiên tòa đã có rất đông người dân ở xã Châu Quang đến theo dõi.
Theo dõi phiên tòa từ đầu đến cuối, bà Trần Thị Hiên, xóm Quang Thịnh, xã Châu Quang chia sẻ: "Dù bận việc nhà, nhưng khi nghe thông báo có vụ xét xử lưu động ở xã, tôi đã sắp xếp thời gian đến xem. Đông đảo bà con chúng tôi ít có dịp nào được chứng kiến trực tiếp các phiên tòa như thế.
Đặc biệt qua theo dõi phiên tòa xét xử bị cáo Vũ Văn Đảng, đối tượng đã có nhiều tiền án về tội "Mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy" nhưng vẫn tiếp tục tái phạm, bị kết án tử hình, chúng tôi thấy pháp luật thật nghiêm minh. Nhiều người nhận ra hậu quả của việc phạm luật, vướng vào ma túy, từ đó rút ra bài học cho chính bản thân mình, giáo dục con em trong gia đình tránh xa tệ nạn này”.
Cùng với việc thực hiện tốt công tác xét xử tại Hội trường xét xử Tòa án, thời gian qua, TAND huyện Quỳ Hợp đã tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại cơ sở những vụ án liên quan đến các loại tội phạm có xu hướng gia tăng, được dư luận xã hội quan tâm.
Mới đây, trung tuần tháng 6/20, TAND huyện Quỳ Hợp cũng đã đưa ra xét xử lưu động 5 vụ án với các bị cáo gồm: Vi Văn Anh (SN 1996) trú tại xã Châu Thành (Quỳ Hợp); Lê Văn Ái (SN 1993) trú tại xã Châu Quang (Quỳ Hợp); Lương Đức Chuẩn (SN 2002) trú tại xã Châu Thái (Quỳ Hợp) đều về tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý” và các bị cáo Vi Văn Thỏa (SN 2001) trú tại xã Nhôn Mai (Tương Dương); Hà Văn Mận (SN 1996) trú tại xã Châu Thành (Quỳ Hợp) và đồng phạm Quang Văn Tuấn (SN 1995) trú tại xã Diễn Lãm (Quỳ Châu) đều về tội “Mua bán trái phép chất ma tuý”.
Mặc dù không gian tổ chức không phải là trụ sở Tòa án, hội trường xét xử, nhưng tính trang nghiêm, quy trình xét xử tại phiên tòa vẫn được đảm bảo. Các phiên tòa được mở xét xử tại trung tâm xã Châu Lộc trước sự chứng kiến của đông đảo người dân địa phương.
Nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục, răn đe, phòng ngừa, đấu tranh các loại tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, các vụ án được TAND huyện đưa ra xét xử lưu động thường là án liên quan đến ma túy, trộm cắp tài sản, chống người thi hành công vụ và một số vụ án khác.
Có thể thấy, việc xét xử lưu động là một trong những hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được người dân dễ tiếp thu và mang tính thực tiễn cao.
Hình thức xét xử lưu động là điều kiện thuận lợi để những người tham dự phiên tòa tiếp cận với kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ nhận thức về pháp luật, tạo niềm tin của người dân vào đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, trang bị cho người dân kiến thức pháp luật cần thiết để tránh xa những hành vi vi phạm pháp luật; giáo dục con cháu chấp hành pháp luật đồng thời, xây dựng bản lĩnh đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật.
Thực tế cho thấy, phần lớn các phiên tòa xử tại trụ sở Tòa án thường vắng người, ngoài những người tham gia tố tụng được Tòa án triệu tập chỉ có thêm một vài người nhà bị cáo, thậm chí có những phiên tòa chỉ có một mình bị cáo.
Ngược lại, những phiên tòa lưu động khi được đưa về tận xã xét xử sẽ tạo điều kiện để đông đảo người dân trong xã và khu vực lân cận đến theo dõi, nhiều nơi phải xử ở ngoài trời để mọi người đều được theo dõi phiên tòa. Các phiên tòa xét xử lưu động trực tiếp đã chuyển tải được các quy định của pháp luật đến với người dân.
Xét xử lưu động cũng là môi trường thực tiễn để những người tiến hành tố tụng nâng cao kỹ năng chuyên môn cũng như thực thi nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật theo chức năng nhiệm vụ của mình. Đồng thời, việc giáo dục thông qua giao tiếp, giữ kỷ luật phiên tòa và cao nhất là tuyên bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Chánh án TAND huyện Quỳ Hợp Đào Văn Đạt cho biết: Việc mở các phiên tòa xét xử lưu động sẽ chú trọng lựa chọn các vụ án hình sự có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, các loại tội phạm đang có xu hướng gia tăng, được dư luận xã hội quan tâm.
Để phiên tòa xét xử lưu động đạt hiệu quả, TAND huyện Quỳ Hợp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Công an, Viện kiểm sát nghiên cứu đưa ra xét xử các vụ án có tính chất nổi cộm, thu hút dư luận.
Công tác đảm bảo an toàn, an ninh cho phiên tòa cũng đã được lực lượng chức năng chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. TAND huyện giao nhiệm vụ cho thẩm phán phụ trách vụ án nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án liên quan.
Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết, như: Hội trường xét xử; thông báo, vận động người dân đến theo dõi phiên tòa nhằm giáo dục, nâng cao ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật.
Thực hiện công tác xét xử lưu động gắn với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương nhằm đấu tranh phòng, chống tội phạm, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nhất là những vùng chưa có điều kiện tiếp cận pháp luật đầy đủ.
Thời gian tới, TAND tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Quỳ Hợp nói riêng tiếp tục tổ chức các phiên tòa lưu động và áp dụng công nghệ thông tin để mở các phiên tòa xét xử trực tuyến, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương về điều kiện cần thiết, để phiên tòa xét xử lưu động được diễn ra đạt hiệu quả cao.