Theo Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ, Chính phủ và Quốc hội đã đầu tư cho hệ thống Toà án 500 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí tổ chức phiên tòa trực tuyến. Hiện nay đã cơ bản hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ tốt cho người dân trong công tác này
Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 37, sáng 13/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 20 của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 20…
Năm 20, công tác của hệ thống toà án tốt hơn so với mọi năm
Phát biểu giải trình, làm rõ thêm các vấn đề Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quan tâm về báo cáo công tác năm 20 của Chánh án TANDTC, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh, công tác năm 20 của hệ thống toà án “cơ bản là tốt hơn so với mọi năm”.
Đặc biệt, hình phạt các Tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh. Tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm; chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội; đã hạn chế các bản án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội.
Về kiến nghị của UBTVQH trong xét xử án hành chính, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ cho rằng, với sự quan tâm của Quốc hội và phấn đấu của hệ thống Toà án đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Theo Phó Chánh án, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, năm qua, hệ thống toà án đã thực hiện chuyên đề riêng bằng hình thức trực tuyến với các địa phương về xử lý án hành chính. Trong đó, tập trung giải đáp các vấn đề của Hội đồng thẩm phán về công tác này.
Tuy nhiên, theo Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ, khó khăn trong công tác này là ở sự phối hợp của các cơ quan hành chính với toà án.
“Đơn giản nhất là việc Chủ tịch UBND địa phương ra toà. Ví dụ như Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TPHCM mà suốt ngày ra toà thì không còn thời gian làm việc khác. Đây thực sự là vấn đề khó khăn” - Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ nêu thực tế.
Về giải pháp, Phó Chánh án đề nghị có sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đồng thời cùng chung sức trong giải quyết.
Về triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Phó Chánh án Thường trực Nguyễn Trí Tuệ cho biết, kể từ khi có Nghị quyết, các toà đang thực hiện rất tốt phiên tòa trực tuyến.
“Khó khăn của các địa phương như đại biểu quốc hội nói là nền tảng công nghệ trực tuyến chưa có. Hiện Chính phủ, Quốc hội đã đầu tư cho toà 500 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí tổ chức phiên tòa trực tuyến cho các địa phương, đến các toà cấp huyện. Hiện nay đã cơ bản hoàn thành , dự kiến cuối 20 sẽ vận hành tốt hơn nữa. Tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ tốt cho người dân trong công tác này”- Phó Chánh án Thường trực Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh.
Tăng cường đầu tư, trao thêm chế tài cho hệ thống toà án
Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dẫn báo cáo về xét xử án hành chính nêu “Công tác đối thoại trong giải quyết án được coi trọng…. kết quả thi hành án hành chính mới chỉ đạt 38,02%; số vụ án hành chính còn tồn đọng qua các năm có xu hướng ngày càng tăng, nhiều trường hợp người phải thi hành án hành chính là cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước không tự nguyện thi hành, dẫn đến Tòa án phải ra quyết định buộc thi hành án”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, “nguyên nhân năm nào cũng nhắc đến”. Do vậy, liên hệ giữa tư pháp và hành chính "nên như thế nào để hiệu quả".
Để xử lý tận gốc, cần các chế tài xử lý hiệu quả đối với trường hợp người đứng đầu cơ quan hành chính không phối hợp với cơ quan tư pháp.
“Nếu luật chưa có, phải tăng cường. Có nghĩa là chế tài với người đứng đầu cơ quan hành chính không phối hợp như không dự Toà, không cung cấp thông tin, không tự giác thi hành án… buộc Toà phải quyết định thi hành án. Chế tài phải nghiêm minh” - Phó Chủ tịch Trần Quang Phương nêu quan điểm.
Đặc biệt, về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về xét xử trực tuyến, ông Phương đề nghị xem việc nhiều Toà địa phương chưa có điều kiện đầu tư, "sau 1 năm đề nghị đánh giá lại quá trình xét xử này".
Trước đó, báo cáo nêu “Nhiều Tòa án địa phương chưa được đầu tư đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn”.
Phó Chủ tịch Trần Quang Phương đề nghị làm rõ, hiện nay có bao nhiêu Toà đã bố trí được? Bao nhiêu chưa bố trí đủ? Từ đó có giải pháp bố trí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí để thực hiện nghị quyết của Quốc hội về công tác tổ chức phiên tòa trực tuyến.