Doanh nghiệp - Doanh nhân

Xông đất “cha đẻ” gạo ngon nhất thế giới

Minh Triết 11/02/20 08:00

Dòng gạo thơm ST, có tên thương mại “gạo ông Cua” do Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua cùng cộng sự nghiên cứu, lai tạo thành công đã liên tiếp đạt giải cao tại cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới - World’s Best Rice” do Tổ chức Thương mại gạo (The Rice Trader) tổ chức.

Hành trình đoạt “vương miện”

Cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” trong khuôn khổ Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu do The Rice Trader tổ chức tại Philippines vào cuối tháng 11/2023, mẫu gạo Việt Nam (gạo ST25) đã vượt qua 30 loại gạo đến từ 10 quốc gia khác, đoạt “vương miện” gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Đây là lần thứ hai gạo ST25 dành được giải thưởng này.

Do được lai tạo từ các giống lúa có mùi thơm dứa ở phía Nam với giống lúa có mùi thơm cốm ở phía Bắc nên hạt gạo ST25 có mùi đặc trưng “độc nhất vô nhị” trên thế giới. Gạo có độ đồng đều, độ bền thể gel cao, hạt dài, có màu sắc trắng, trong, không bạc bụng, cơm thơm ngon, dẻo và mềm, cơm có vị ngọt đặc trưng khác biệt so với các loại gạo khác.

Trước đó, vào năm 2017, gạo ST đã lọt vào top 3 loại gạo ngon nhất thế giới. Vào năm 2019, tại cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới”, gạo ST, ST25 lọt vào top 3 và gạo ST25 vượt qua hơn 20 loại gạo đến từ nhiều quốc gia để đứng trên bục danh dự cao nhất; đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử ngành gạo Việt Nam có giống lúa cho ra hạt gạo giành được giải “Gạo ngon nhất thế giới”.

Gạo ST 25 còn liên tiếp giành được giải cao tại các cuộc thi do các đơn vị trong nước nước tổ chức. Thành tích trên không chỉ ghi tên trong lịch sử của ngành hàng lúa gạo Việt Nam mà còn được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao khi lần đầu tiên trên thế giới có một giống lúa thần nông ngắn ngày nhưng chất lượng và năng suất vượt trội so với lúa dài ngày. Danh tiếng của gạo ST25 ngày một vang xa, thương hiệu gạo Việt cũng vì thế mà lan tỏa đến hàng trăm quốc gia trên thế giới.

st1.jpg
Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua trên cánh đồng thực nghiệm giống lúa ST

Ông Hồ Quang Cua cho hay, khi xưa Nam Kỳ đã nổi tiếng với gạo ngon, xuất khẩu đi Châu Âu từ những năm 1914. Nhưng do chiến tranh, đến thời kỳ bao cấp phải tăng sản lượng bằng các giống thần nông ngắn ngày, cao sản, khiến những chủng loại gạo lúa mùa đó dần bị mai một.

Với chuyên môn về ngành trồng trọt, ông đã thử trồng lại một số giống lúa thơm truyền thống thì thấy nó cho phẩm chất tốt, năng suất cao. Đó chính là niềm tin, nhen nhóm ý tưởng để ông bắt tay nghiên cứu lại tạo sản xuất loại giống lúa ngắn ngày, thơm, thích ứng được độ mặn cao đầu tiên tại Việt Nam.

Với ý tưởng táo bạo đó, ông Cua đã phải cất công hàng chục năm tìm kiếm vật liệu lai, bắt tay vào nghiên cứu. Đến năm 2002, nhóm nghiên cứu của ông Cua đã bắt đầu gặt hái được thành quả ban đầu với các giống lúa ST thế hệ đầu tiên lần lượt ra đời. Trong đó, giống ST3 có chất lượng có thể so ngang với gạo Khao Dawk Mali của Thái Lan, tuy nhiên giống ST3 chất lượng không ổn định.

Cuộc hành trình nghiên cứu lúa của ông Cua có được “quả ngọt” thật sự vào năm 2017 - 2019 khi giống lúa ưng ý nhất là ST, ST25 lần lượt ra đời.

“Giống lúa ST25 đã được nhóm nghiên cứu lai tạo từ năm 2008, chọn thuần năm 2014, sau đó gửi đi khảo nghiệm quốc gia và đến cuối năm 2019, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đặc cách giống lúa quốc gia.

Giống lúa ST25 đã được cấp bằng bảo hộ tác quyền năm 2020. Đến năm 2021, gạo ST25 được hải quan châu Âu thuê Viện Eurofins của Đức phân tích DNA và mới đây, gạo thơm ST25 đã được Liên minh châu Âu đưa vào danh sách gạo thơm được hưởng chính sách thuế suất 0% khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu theo hiệp định EVFTA. Gạo ST25 cũng được bảo hộ nhãn hiệu độc quyền tại các thị trường Anh, Úc, Mỹ, Trung Quốc, EU”, ông Cua vui mừng cho biết.

Làm giàu trên cánh đồng nhiễm mặn

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, thông thường cây lúa sinh trưởng được trong điều kiện độ mặn, phèn cao, thời gian sinh trưởng ngắn thì hàm dinh dưỡng thấp, amylose cao, rất cứng cơm. Tuy nhiên, đối với cây lúa ST, ST25 lại có thể phát triển ở tất cả vùng nuôi tôm nước mặn theo mô hình một vụ lúa một vụ tôm nhưng vẫn cho chất lượng gạo mềm cơm, thơm, dẻo, ngon cơm.

Cây lúa ST, ST25 có thời gian sinh trưởng ngắn dưới 100 ngày (lúa thần nông) nhưng chất lượng, năng suất và hàm lượng dinh dưỡng đều nhỉnh hơn so với các giống lúa dài ngày (lúa mùa) kể cả giống lúa Khao Dawk Mali của Thái Lan. Đây là một kỳ tích của ngành sản xuất lúa giống của Việt Nam.

Nông dân Bùi Văn To (xã Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, trước đây sau khi thu hoạch tôm, nông dân ở khu vực này chỉ có thể trồng 2 giống lúa chịu mặn là “một bụi đỏ” và F Lai. Tuy nhiên, cả 2 giống lúa này đều cho năng suất và giá bán thấp vì không ngon cơm. Từ khi giống lúa ST, ST25 ra đời thì hầu hết nông dân vùng này đều chuyển sang canh tác 2 giống lúa này vì năng suất cao, đầu ra được bao tiêu với giá cao ổn định.

“Có thể nói lúa ST, ST25 là cây lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp nông dân vùng lúa tôm bán đảo Cà Mau làm giàu trên chính quê hương của mình”, ông To vui mừng cho biết.

st2.jpg
Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua nhận giải “Gạo ngon nhất thế giới”

Lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương ven biển như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang…đều có chung nhận xét, nhiều năm qua tại vùng đất bị nhiễm mặn gặp nhiều khó khăn khi không biết phải làm gì trên vùng đất này để nông dân làm giàu. Hiện tại, qua thử nghiệm mô hình lúa – tôm với giống lúa ST, ST25 cho thấy đây là mô hình phù hợp với vùng đất này, mở ra cơ hội lớn cho bà con nông dân vùng ven biển.

Chia sẻ với PV, ông Hồ Quang Cua cho biết, hưởng ứng Đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính, với vai trò là nhà khoa học ông sẽ nỗ lực hết mình trong đảm bảo sản lượng, tính ổn định của các giống lúa chất lượng cao ST, ST25 để cung ứng cho các vùng trồng trên cả nước với diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 200.000ha; liên kết với các đơn vị sản xuất để tổ chức các vùng trồng lúa ứng dụng các chế phẩm hữu cơ, vi sinh để giảm phát thải.

Đặc biệt lúa ST, ST25 còn thích hợp trồng ở vùng đất nhiễm mặn theo mô hình lúa - rươi (vùng ven biển miền Bắc) và lúa – tôm (vùng ven biển miền Nam). Với nhiều ưu điểm vượt trội, nên trong 5 hay 10 năm tới, lúa ST, ST25 vẫn là giống lúa được nông dân yêu thích nhất, do vậy trong thời gian này chúng tôi tạm ngừng sản xuất thêm giống lúa mới mà chỉ tập trung vào nhân rộng vùng trồng 2 giống ST, ST25”, ông Hồ Quang Cua chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xng đất “cha đẻ” gạo ngon nhất thế giới