Sức Khỏe

Xyanua nguy hiểm như thế nào?

Việt An 17/07/20 - 16:41

Xyanua là chất cực độc có thể gây ngộ độc qua da, ăn uống hoặc hít phải khí độc. Tuy nhiên, chất độc này có mùi đặc trưng giống hạt hạnh nhân, vị hơi đắng, người không quen khó có thể nhận biết, nhất là khi cho vào đồ uống.

Vụ việc 6 người tử vong do bị đầu độc bằng xyanua ở Thái Lan, trong đó có 4 người là công dân Việt Nam khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Hiện vụ việc đang Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại, theo sát và làm rõ nguyên nhân vụ việc, cung cấp thông tin cần thiết để phục vụ công tác điều tra.

Tại Việt Nam, ngày 5/7 vừa qua, một vụ đầu độc những người thân trong gia đình bằng chất độc xyanua xảy ra tại xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cũng gây xôn xao dư luận.

Vào cuộc điều tra, công an xác định, do mâu thuẫn sinh hoạt với các thành viên trong gia đình, Nguyễn Thị Hồng Bích (SN 1986) đã mua chất độc xyanua đầu độc khiến chồng và 2 cháu tử vong. Đến nay, Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Nguyễn Thị Hồng Bích về hành vi "Giết người".

Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chất xyanua (hay còn gọi Cyanide) là một trong những chất hóa học bị hạn chế, thậm chí nhiều quốc gia đã cấm lưu hành hoàn toàn chất này.

chat-doc-kali-xyanua.jpg
Xyanua là chất độc cực mạnh

Xyanua là hợp chất hóa học cực kỳ độc hại, nổi tiếng với khả năng gây chết người chỉ trong vài phút. Xyanua có thể tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau, bao gồm khí Hydro Xyanua, muối Xyanua như Kali Xyanua và Natri Xyanua. Chất này thường được sử dụng trong ngành công nghiệp khai thác mỏ, xi mạ và sản xuất hóa chất.

Xyanua có thể nhiễm vào cơ thể thông qua đường da, đường ăn uống hoặc đường hô hấp. Cơ chế gây ngộ độc của xyanua là gây ức chế hô hấp tế bào, gây ngưng hô hấp, ngưng tuần hoàn, tác động tới các cơ quan trọng yếu như não và tim…

Theo một số chuyên gia, chỉ cần nuốt 50mg (tương đương một hạt đậu xanh) hoặc hít phải 0,2% dạng khí xyanua có thể khiến người khỏe mạnh 50-60kg tử vong ngay lập tức. Chất độc này tác dụng rất nhanh, mạnh vào hệ hô hấp và hệ thần kinh gây nhiễm độc cấp tính. Người ăn hàm lượng thấp sẽ có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, thở gấp và không được cấp cứu kịp thời rất dễ bị trụy mạch, tử vong. Những người sống sót sau ngộ độc xyanua có thể bị tổn thương tim, não và thần kinh.

Độc chất này có mùi đặc trưng giống hạt hạnh nhân, vị hơi đắng, người không quen khó có thể nhận biết. Đặc biệt, xyanua cho vào đồ uống càng khó nhận biết hơn.

PGS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, xyanua được liệt vào danh sách những chất độc nhất trong các chất độc. Nhiễm độc xyanua khiến cơ thể không trao đổi oxy được, gây nghẹt thở. Bệnh nhân tử vong nhanh thường do suy hô hấp, co giật. Liều gây ngộ độc của xyanua phụ thuộc vào dạng muối hay khí, thời gian tiếp xúc và đường tiếp xúc.

Những dấu hiệu để nhận biết khi trúng độc xyanua đó là cảm thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, thở nhanh, nhịp tim tăng cao, cảm thấy bồn chồn và kiệt sức. Nếu người trúng độc xyanua trong vòng 2 giờ không được chữa trị kịp thời, gây nguy cơ tử vong cao.

Chuyên gia khuyến cáo, khi phát hiện ra người có những dấu hiệu trên, cần nhanh chóng đưa người nhiễm độc xyanua đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Theo thống kê, trong tự nhiên có hơn 2.000 loài thực vật chứa xyanua như măng, sắn và trong hạt của các loại quả táo, mơ, lê, mận, anh đào, đào… Đặc biệt, trong số các loại thực vật dễ gây ngộ độc xyanua nhất có sắn và măng tươi là những loại thực phẩm phổ biến trong bữa ăn của nhiều gia đình. Xyanua có đặc tính tan trong nước và bay hơi ở nhiệt độ cao nên người chế biến cần loại bỏ xyanua trong thực phẩm bằng cách gọt vỏ, ngâm nước, luộc mở vung để hóa chất này bay hơi, tuyệt đối không ăn măng sống, sắn sống.

Qua những vụ việc thương tâm đã xảy ra do bị ngộ độc xyanua, một số chuyên gia y tế kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm soát việc mua bán hóa chất độc với sự xác nhận của cả bên mua và bên bán để làm cơ sở kiểm soát hóa chất độc lưu thông trên thị trường..

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xyanua nguy hiểm như thế no?