Văn hóa - Du lịch

Ý nghĩa nghi thức hoa hồng cài áo trong ngày lễ Vu lan

Thục Anh (T/H) /08/2023 - 10:05

Lễ Vu Lan báo hiếu là một trong những ngày lễ lớn của người theo đạo Phật, là ngày tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu cha mẹ và tổ tiên. Qua hàng ngàn năm với ý nghĩa đầy nhân văn, Lễ Vu Lan đã lan rộng ra, không chỉ là ngày lễ của các Phật tử mà trở thành ngày lễ báo hiếu của tất cả người dân Việt Nam.

Những ngày tháng 7 Âm lịch là khoảng thời gian để mỗi người cháu con thể hiện lòng hiếu nghĩa với các bậc sinh thành, dưỡng dục mình trong mùa Vu lan báo hiếu. Nghi thức bông hồng cài áo trong lễ Vu lan là một nghi thức không thể thiếu, mang ý nghĩa rất đặc biệt.

Xuất phát từ truyền thuyết về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ, Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ và tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Ðồng thời, giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của văn hoá Phật giáo đó là “Từ, bi, hỷ, xả”, “vô ngã, vị tha”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”...

Trong dịp Lễ Vu Lan, người dân và bà con Phật tử ngoài việc lên chùa cài hoa hồng, tụng kinh cầu siêu, cúng dường trai tăng… còn thiết mâm lễ cúng cho những vong hồn chưa được siêu thoát (còn gọi là lễ xá tội vong nhân).

le-vu-lan-la-mot-ngay-dai-le-cua-phat-giao-va-nay-da-tro-thanh-ngay-le-cua-nguoi-dan-viet-nam.jpg
Lễ Vu Lan là một ngày đại lễ của Phật Giáo và nay đã trở thành ngày lễ của người dân Việt Nam.

Bông hoa hồng là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành. Với ý nghĩa đó, nhiều người Việt mình đến ngày Vu lan đều cài một bông hoa màu hồng lên áo.

Nghi thức “bông hồng cài áo” chính là để tưởng nhớ những người mẹ đã tạ thế và đồng thời tôn vinh những người mẹ còn lại trên thế gian này. Trong nghi thức buổi lễ, các Phật tử với hai giỏ hoa hồng bên người, một giỏ màu đỏ và một giỏ là màu trắng, sẽ được cài lên áo của những người đến chùa tham dự lễ.

Bông hồng màu đỏ cho những ai may mắn còn cha mẹ trên đời, bông hồng màu hồng cho những người còn mẹ hoặc cha và bông hồng trắng cho những người kém may mắn khi không còn cha và mẹ trên đời. Riêng hoa hồng màu vàng được phật tử cài lên ngực cho chư tăng khi tham dự lễ Vu Lan, tượng trưng cho sự tiếp nối, mừng ngày hoan hỷ sau ba tháng an cư.

Trong ngày lễ Vu Lan, những người con có thể tặng món quà nhỏ cho cha mẹ mình. Những người đã mất cha mẹ thì hãy làm điều lành để có năng lượng chia sẻ đến cha mẹ hoặc lên chùa tụng kinh, niệm Phật cầu siêu cho cha mẹ. Ngay tại gia đình, người dân cũng nên trang hoàng, sửa soạn bàn thờ tổ tiên sao cho ấm cúng với hương hoa, nên ăn chay, niệm Phật.

Không chỉ cúng dường cho đức Phật, chư tăng, người dân cũng nên bố thí cho người nghèo để tạo công đức, chia sẻ năng lượng cho cha mẹ mình nơi chín suối. Khi mình bố thí, cúng dường coi như đã xóa bỏ bản ngã tham sân si. Làm từ thiện không phải cho người khác mà cũng cho chính mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý nghĩa nghi thức hoa hồng ci áo trong ngy lễ Vu lan