Từ đầu năm tới nay, Việt Nam có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD chiếm 66,5%
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt hơn 69 tỷ USD, tăng hơn 5% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 10 tháng, con số này đạt gần 648 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ, với xuất khẩu tăng % và nhập khẩu tăng gần 17%.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 35,6 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng, xuất khẩu đạt 335,6 tỷ USD, tăng % so với cùng kỳ.
Tổng cục Thống kê đánh giá đây là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nền kinh tế hàng đầu châu Á, như Trung Quốc tăng 4,3%, Hàn Quốc tăng 9,6% và Thái Lan tăng 3,9% (số liệu trong 9 tháng đầu năm).
Đáng chú ý, trong 10 tháng qua, 31 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm gần 93% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD có tới 5 mặt hàng tăng cao, hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt giá trị xuất khẩu lớn nhất, 58,7 tỷ USD, tăng 26,1%.
Về thị trường, hàng hoá xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng ,2%; xuất khẩu sang EU tăng 16,4%.
Ở chiều ngược lại, có 42 mặt hàng nhập khẩu vượt 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó 4 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 48,3%.
Dự báo cho năm 2025, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhận định thị trường thế giới đang dần ổn định, lạm phát tại các thị trường lớn giảm, kéo theo sự phục hồi của nhu cầu và sức mua.
Tình hình sản xuất trong nước cũng được dự báo ổn định, nguồn hàng dồi dào và thu hút FDI tiếp tục đạt kết quả tích cực. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) ngày càng phát huy hiệu quả, giúp gia tăng kim ngạch thương mại với các thị trường có FTA và các FTA mới được triển khai.
Với những dự báo này, ông cho rằng, xuất nhập khẩu sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt từ nay tới quý I/2025, tăng trưởng đều ở các nhóm hàng và thị trường.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo những thách thức lớn từ các "hàng rào kỹ thuật" mới như tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, môi trường, lao động và nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại...
Do đó, ông cho rằng doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, thích nghi với các quy định mới; đồng thời, triển khai các mô hình kinh doanh tiên tiến như kinh tế tuần hoàn và kinh tế số, cũng như tăng cường chia sẻ kinh nghiệm để ứng phó với các xu hướng mới.