Ngày 27/6, theo báo cáo của Phái bộ Liên hợp quốc tại Afghanistan, hơn 1.000 dân thường Afghanistan đã thiệt mạng trong các vụ đánh bom và bạo lực khác kể từ khi các lực lượng nước ngoài rời đi và Taliban tiếp quản vào năm 2021.
Từ ngày /8/2021 đến tháng 5/2023, 1.095 thường dân đã thiệt mạng và 2.679 người bị thương. Phái bộ hỗ trợ Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) nhấn mạnh, những thách thức an ninh vẫn tồn tại ngay cả sau khi kết thúc nhiều thập kỷ chiến tranh.
Phần lớn các trường hợp tử vong là do các thiết bị nổ tự chế gây ra, bao gồm cả các vụ đánh bom liều chết ở những nơi công cộng như nhà thờ Hồi giáo, trung tâm giáo dục và chợ.
Mặc dù giao tranh vũ trang đã giảm đáng kể kể từ khi Taliban lên nắm quyền vào tháng 8/2021 và quân đội do NATO hậu thuẫn sụp đổ, những thách thức về an ninh vẫn còn, đặc biệt là từ IS.
Theo UNAMA, nhóm cực đoan này chịu trách nhiệm về phần lớn các cuộc tấn công, đồng thời lưu ý rằng mức độ nguy hiểm của các cuộc tấn công cũng leo thang mặc dù các vụ bạo lực ít xảy ra hơn.
Taliban cho biết họ tập trung vào việc bảo vệ đất nước và đã thực hiện một số cuộc tấn công chống lại các phần tử IS trong những tháng gần đây.
Theo UNAMA, hơn 1.700 người thương vong được cho là do các vụ tấn công bằng chất nổ do IS nhận trách nhiệm.
Báo cáo cho biết: “Số liệu của UNAMA không chỉ làm nổi bật sự gia tăng số lượng người thương vong do các cuộc tấn công như vậy mà còn nhấn mạnh vào mức độ chết người của các cuộc tấn công liều chết kể từ ngày /8/2021, khi số vụ tấn công ít hơn nhưng lại gây ra nhiều thương vong dân sự hơn”.
"Các lực lượng an ninh của Tiểu vương quốc Hồi giáo có nghĩa vụ đảm bảo an ninh cho công dân và có hành động kịp thời để nhổ tận gốc những nơi trú ẩn của những kẻ khủng bố", báo cáo nhấn mạnh. Đáp lại, Bộ Ngoại giao do Taliban điều hành cho biết, Afghanistan đã phải đối mặt với những thách thức an ninh trong chiến tranh, nhưng tình hình đã được cải thiện kể từ khi Chính phủ của họ, được gọi là Tiểu vương quốc Hồi giáo, tiếp quản.