Sự gia nhập của các sàn thương mại điện tử cùng các nhà bán hàng nước ngoài đã và đang tạo ra sức ép lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc bảo vệ thị phần và duy trì sức cạnh tranh trên chính cuộc đua tại sân nhà…
Trong báo cáo doanh thu 6 tháng đầu năm 20 do Metric thực hiện, 10 thương hiệu có doanh số cao nhất trên các sàn thương mại điện tử chủ yếu là các thương hiệu đến từ các thị trường Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, trong khi một đại diện nội địa duy nhất xuất hiện là Vinamilk với doanh thu 256,9 tỷ đồng.
Trong những năm qua, Shopee và Lazada là những cái tên liên tục dẫn đầu thị trường bán lẻ điện tử Việt Nam. Và mới đây nhất, từ cuối tháng 4/2022, ngay khi vừa xuất hiện, TikTok Shop cũng đã nhanh chóng tham gia đường đua và lọt vào top 5 các sàn thương mại điện tử Việt Nam (gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop).
Mặc dù nằm trong nhóm 5 sàn thương mại điện tử có doanh thu cao nhất, tuy nhiên, thị phần của hai sàn Tiki và Sendo không đáng kể so với các sàn thương mại nước ngoài.
Theo đó, trong báo cáo doanh thu quý II/20 của 4 sàn thương mại điện tử hàng đầu do YouNet ECI thực hiện, Shopee dẫn đầu thị trường với thị phần 71,4% tính theo tổng giao dịch (GMV). TikTok Shop chiếm 20% thị phần, Lazada chiếm 5,9% trong khi đại diện Việt Nam khá khiêm tốn với 0,7% thị phần.
“Mua bán xuyên biên giới là xu hướng tất yếu của thị trường, đặc biệt là các gian hàng chính hãng từ Trung Quốc và Hàn Quốc ngày càng được quan tâm trên các sàn bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam. Đây là thách thức mà bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực TMĐT cũng nhận thấy. Hiện nay, người tiêu dùng có thể mua hàng từ các nhà bán Trung Quốc, với thời gian rất ngắn, nhiều khi còn nhanh hơn so với đặt hàng trong nước, với mức giá hợp lý và sản phẩm nhiều tính năng hơn”, ông Nguyễn Tất Hữu, Giám đốc chiến lược Metric cho biết.
Liên quan vấn đề này, bà Lý Thu Yến, Giám đốc nghiệp vụ BEST Cross-border chia sẻ, nhu cầu bán hàng xuyên biên giới của doanh nghiệp thông qua sàn TMĐT đang bùng nổ. “Phương thức mua bán hàng xuyên biên giới thông qua TMĐT tại Việt Nam còn mới mẻ, nhưng đây là xu hướng tất yếu của thị trường và sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới”, bà Yến chia sẻ.
Còn theo ông Tín Lê, CEO AdTek, thách thức từ bên ngoài đến từ việc xuất hiện nhiều nhà bán hàng giá rẻ và thời gian giao hàng nhanh chóng. Sự gia nhập của nhiều “tay chơi” mới khiến cuộc đua kinh doanh trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết, khi các đơn vị trong nước không chỉ phải cạnh tranh về chất lượng, giá cả, mà còn về tính đa dạng và sáng tạo của sản phẩm.
Việc các nhà sản xuất mở rộng thị trường kinh doanh sang sàn TMĐT càng làm cạnh tranh khốc liệt hơn. Các sàn nước ngoài đang tích cực xây dựng kho bãi tại Việt Nam và tổ chức đào tạo bán hàng online… Do vậy, doanh nghiệp sản xuất, nhà bán hàng và phân phối Việt Nam sẽ rất khó khăn trong việc giữ vững thị phần thời gian tới.
Các chuyên gia cho rằng tiềm năng của thị trường thương mại điện tử là rất lớn, tuy nhiên để nắm được cơ hội này các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực và tăng tốc hơn nữa mới có thể giành được vị trí xứng đáng trên sân chơi thương mại điện tử - vốn được xác định là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng quy mô kinh tế số quốc gia.