Nhiều đối tượng đã mạo danh người giao hàng (shipper) để lừa đảo người tiêu dùng và tình trạng này đang "bùng phát" khiến nhiều người hoang mang.
"Bùng phát" tình trạng shipper lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Thời gian gần đây, các vụ giả mạo shipper, mạo danh hãng chuyển phát để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gia tăng.
Ví dụ gần đây, chị T.H, sống tại chung cư Trương Định (quận Hai Bà Trưng) nhận điện thoại từ một người tự xưng là shipper giao đơn hàng với số tiền 350.000 đồng. Do có thói quen mua hàng trên mạng nên chị T.H không chần chừ bảo người này gửi hàng cho hàng xóm, rồi chuyển khoản trả... Tối đến, khi nhận gói hàng, chị T.H mới giật mình khi bên trong chỉ là những mẩu vải vụn. Chị lập tức gọi vào số điện thoại shipper thì đã bị chặn.
Cùng chung cảnh ngộ, chị K.T, làm việc ở một công ty trên địa bàn quận Đống Đa cho biết, chị đã bị lừa 2 đơn hàng liên tiếp. Khi đối tượng xưng là shipper, nói đúng địa chỉ, đơn hàng nên chị đã nhờ người xuống nhận hàng. Trong thời gian chờ người nhà xuống lấy hàng, chị đã chuyển khoản trước 420.000 đồng theo yêu cầu của shipper. Sau đó, người này lại báo vừa nhìn thấy một đơn khác của chị bị sót nên đề nghị chuyển khoản tiếp 300.000 đồng. Tình cờ, chị K.T cũng đặt đơn với số tiền tương tự nên không nghĩ ngợi gì chuyển khoản ngay. Yên tâm đã nhận hàng xong thì chị nhận được điện thoại của người nhà báo không thấy shipper nào đưa hàng, gọi lại số điện thoại thì thuê bao đã tắt máy.
Kịch bản chung của các shipper giả là thường đến vào giờ hành chính, khách không có nhà nên nói gửi hàng lại, sau đó chuyển tiền thì sập “bẫy”.
Đây chỉ là một số ví dụ bị lừa đơn hàng giá trị nhỏ, có những người bị lừa lên đến hàng chục triệu do nhận được đường link lạ do shipper gửi.
Cuối tháng 9/20, chị Trần Thị Bích, trú tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn nhận được cuộc gọi điện thoại di động từ một người đàn ông tự xưng là nhân viên shipper nói chị có đơn hàng trị giá 100 nghìn đồng và nói sẽ qua nhà giao. Chị Bích cho biết: Do trước đó tôi có đặt hàng trên mạng nên không nghi ngờ gì, đồng thời khi ấy tôi và gia đình không ai ở nhà nên tôi đã nói với shipper cứ nhét hàng qua khe cổng và gửi số tài khoản để chuyển tiền thanh toán.
Sau khi chuyển khoản thành công, đối tượng liền thông báo do nhầm lẫn nên số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên shipper, khi chuyển tiền vào đó, trung tâm sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ 3,5 triệu đồng từ tài khoản chị Bích, đồng thời gửi cho chị đường link qua trang facebook cá nhân và số điện thoại giả mạo trung tâm để chị liên hệ hủy đăng ký hội viên.
Do nghi ngờ lừa đảo nên chị đã không làm theo hướng dẫn; tuy nhiên sau đó đối tượng vẫn tiếp tục nhắn tin hướng dẫn chị hủy đăng ký theo đường link. “Vừa mất tiền, vừa bị gây phiền phức, điều đó khiến tôi rất bức xúc”, chị Bích cho hay.
Cẩn trọng trước các thông tin giao dịch khi mua hàng
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia phân tích: “Nguyên nhân khiến nhiều người dùng bị lừa đảo giả mạo shipper thời gian vừa qua là do cả nể, thương tình người giao hàng. Lợi dụng điều này, các đối tượng lừa đảo đã dẫn dắt nạn nhân qua từng bước tinh vi”.
Để phòng ngừa, ông Vũ Ngọc Sơn khuyên người dùng nên chủ động trong việc quản lý các đơn hàng của mình, cụ thể là cần biết rõ mình đặt mua gì và đơn vị nào thực hiện chuyển phát, tốt nhất là theo dõi trên các app của nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát và chỉ trao đổi với shipper qua kênh này.
Trong trường hợp bắt buộc phải liên lạc trực tiếp với shipper, chỉ nên trao đổi thông tin qua điện thoại, tuyệt đối không bấm vào link có địa chỉ không rõ ràng, không có tick xanh hay không được công bố công khai trên website của nhà cung cấp dịch vụ.
Về biện pháp định danh cuộc gọi của đội ngũ nhân viên giao hàng, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn khuyến nghị, biện pháp này nên được các doanh nghiệp chuyển phát thực hiện gắn với ứng dụng giao hàng của đơn vị. Khi đó, người dùng vừa theo dõi được đơn hàng đang di chuyển, vừa biết tên và số liên lạc của nhân viên sẽ giao hàng tới mình.
Trong cảnh báo về lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng Việt Nam, theo Cục An toàn thông tin, thủ đoạn của các đối tượng là gọi điện thoại cho người dân tự xưng là nhân viên giao hàng, thông báo có đơn cần giao và yêu cầu chuyển khoản để thanh toán tiền COD - hình thức thanh toán khi nhận hàng. Sau khi người dùng chuyển khoản thành công, đối tượng sẽ thông báo do nhầm lẫn, nên số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên shipper, khi chuyển tiền vào đó trung tâm sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ 3,5 triệu đồng từ tài khoản.
Lúc này, đối tượng gửi cho nạn nhân đường dẫn đến trang Facebook và số điện thoại giả mạo trung tâm vận chuyển để liên hệ hủy đăng ký hội viên. Khi bấm vào đường link giả mạo và nhập các thông tin cá nhân theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo, người dùng có nguy cơ bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Theo Cục An toàn thông tin, để không trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo tuyển dụng, các ứng viên cần cẩn trọng trước những thông tin không rõ nguồn gốc hoặc các cuộc gọi, tin nhắn bất thường; luôn kiểm tra thông tin về đơn vị tuyển dụng qua website, fanpage chính thống và các nguồn tin đáng tin cậy khác.