Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13h ngày 5/7, bão số 2 đang hoạt động trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông, với vị trí tâm bão ở khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 117,4 độ Kinh Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 9 (75–88km/h), giật cấp 11. Bão hiện di chuyển chậm theo hướng Bắc với vận tốc khoảng 5km/h.
Dự báo trong –72 giờ tới, bão tiếp tục mạnh lên và duy trì hướng di chuyển Bắc Đông Bắc. Đến 13h ngày 6/7, bão có khả năng mạnh lên cấp 10–11, giật cấp 13 và nằm trên vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông. Đến 13h ngày 7/7, tâm bão sẽ áp sát vùng biển tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), tiếp tục duy trì sức gió cấp 10, giật cấp 12. Sau đó, bão đi vào đất liền tỉnh Chiết Giang vào ngày 8/7, cường độ giảm còn cấp 8, giật cấp 12.
Từ 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão có xu hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 10–km/h và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Trên biển, vùng chịu ảnh hưởng là khu vực phía Đông Bắc Biển Đông, nơi dự kiến có mưa bão lớn, gió mạnh cấp 7–8, vùng gần tâm bão cấp 9–11, giật cấp 13. Biển động dữ dội, sóng cao từ 4–6m. Tàu thuyền hoạt động trong khu vực này có nguy cơ cao gặp phải dông lốc, gió mạnh và sóng lớn, cần đặc biệt lưu ý phòng tránh.
Trong khi đó, tại tỉnh Tuyên Quang, mưa lớn những giờ qua đang làm gia tăng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất tại nhiều khu vực.
Cụ thể, từ 5h đến 7h sáng 5/7, địa bàn tỉnh ghi nhận mưa vừa, mưa to tại một số nơi như Tân Nam 2 với lượng mưa lên tới 68,6mm, Tiên Nguyên 2 là 30,4mm. Mô hình độ ẩm đất cho thấy nhiều khu vực đã đạt hoặc vượt ngưỡng bão hòa (trên 85%).
Dự báo trong 3–6 giờ tới, khu vực tiếp tục có mưa với lượng tích lũy phổ biến từ 5–10mm, có nơi trên 20mm. Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ và sạt lở đất tại các sườn dốc, đặc biệt ở các xã như Quang Bình, Tiên Nguyên.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất tại khu vực này ở mức cấp 1.
Lũ quét và sạt lở đất có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, uy hiếp tính mạng người dân, làm tắc nghẽn giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất và phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế.
Các cơ quan chức năng tại địa phương được khuyến cáo cần khẩn trương rà soát các điểm nghẽn dòng chảy, các vị trí xung yếu để có phương án ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.