Sau một thời gian thử nghiệm, Bảo tng Mỹ thuật Việt Nam chính thức ra mắt cng nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour (tiếng Việt v tiếng Anh), được tích hợp trên website của Bảo tng (vnfam.vn).
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các bảo tàng và di tích vẫn phải tạm dừng đón khách tham quan thì công nghệ chính là cầu nối hữu hiệu nhất để các di tích và bảo tàng có thể tiếp cận với công chúng.
Ngày 28/8/2021, sau một thời gian thử nghiệm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour (tiếng Việt và tiếng Anh), được tích hợp trên website của Bảo tàng (vnfam.vn).
Ngay ở trong ngôi nhà an toàn của mình, cùng với chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối Internet, click vào đường link https://3d.vnfam.vn/vi (bản tiếng Việt) hoặc https://3d.vnfam.vn/en (bản tiếng Anh), và thực hiện theo chỉ dẫn là công chúng ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có thể tự do khám phá không gian trưng bày thường xuyên của Bảo tàng, chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật và nghe lời giới thiệu chung về các chủ đề trưng bày.
Bên cạnh đó, 100 hiện vật tiêu biểu được giới thiệu trong ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA cũng được liên kết với trưng bày trực tuyến 3D Tour, được gắn biểu tượng nổi bật giúp du khách dễ dàng nhận ra.
Đặc biệt, video với độ phân giải cao giới thiệu hai Bảo vật quốc gia được đầu tư kỹ lưỡng về hình ảnh và câu chuyện sẽ giúp du khách được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp và cảm nhận giá trị lịch sử, nghệ thuật của những kiệt tác này.
Việc tham quan trực tuyến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam qua 3D Tour hoàn toàn miễn phí. Đây là nỗ lực và kết quả của quá trình nghiên cứu, phát triển ý tưởng và triển khai thực hiện của các cán bộ Bảo tàng, cùng sự chung tay giúp sức của các đồng nghiệp và bạn bè trong nước và quốc tế, với mong muốn truyền cảm hứng, lan toả tình yêu với nghệ thuật và di sản, và đưa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đến gần hơn với công chúng.
Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản mỹ thuật nói riêng cũng là bước cụ thể hóa chủ trương của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc triển khai các hoạt động theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Sau khi thử nghiệm tham quan Bảo tàng qua 3D Tour, TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam đánh giá: “Thật thú vị khi trải nghiệm video clip mới của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Bình phong sơn mài của Danh hoạ Nguyễn Gia Trí. Sự ra đời của bức tranh, chủ để, giá trị mỹ thuật, lịch sử và cả giá trị di sản văn hoá phi vật thể cùa nghề sơn mài hiện đang phát triển ở Việt Nam, được tóm lược diễn giải một cách sinh động kết hợp với kỹ thuật quay và giọng đọc truyền cảm. Tôi thích cách giới thiệu các hiện vật bảo tàng nói chung và các kiệt tác nghệ thuật nói riêng kiểu thế này. Vừa là giải trí vừa có cơ hội học hỏi nhiều điều bổ ích”.
Còn ThS. Nguyễn Đức Tăng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa nhận xét: “Trưng bày ảo VR360 của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho công chúng tận mắt nhìn thấy rõ bộ sưu tập hiện vật tranh, tượng đồ sộ và rất có giá trị của Việt Nam. Đặc biệt, các video giới thiệu về một số Bảo vật quốc gia, có độ phân giải cao được chuẩn bị kỹ càng, tạo ấn tượng rất mạnh mẽ, thôi thúc người xem mong muốn được đến chiêm ngưỡng và trải nghiệm trực tiếp với các hiện vật. Có thể nói, thông qua công nghệ VR360, Bảo tàng đã làm rất tốt nhiệm vụ giới thiệu, quảng bá và tạo cảm hứng về giá trị văn hóa - nghệ thuật của sưu tập hiện vật đến công chúng”.
Mô hình 3DTour của Bảo tàng Mỹ thuật Việt nam cũng nhận được nhiều đánh giá tích cực của công chúng quốc tế. GS. Susan Bayly, Đại học Cambridge (Anh), sau khi trải nghiệm đã nhận xét: “Đây thực sự là một bước tiến trong chặng đường phát triển của Bảo tàng, một sự đóng góp to lớn đối với công tác bảo tồn và quảng bá tới công chúng những bộ sưu tập nghệ thuật tuyệt vời của Bảo tàng. Toàn bộ việc trải nghiệm hoàn toàn miễn phí, tạo điều kiện tối đa để du khách có thể an tâm, tự do trải nghiệm”.
James Hicks, Chuyên gia thiết kế trưng bày bảo tàng, New York (Mỹ) viết: “Đây là sự đóng góp tuyệt vời đối với ngành di sản thế giới, nhưng quan trọng hơn là đối với công chúng Việt Nam, đặc biệt trong thời điểm khó khăn hiện nay khi mọi người đều đang giãn cách và chỉ được ở nhà. Công nghệ tham quan trực tuyến giúp cho tất cả chúng ta có thể khám phá Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, và quan trọng là chiêm ngưỡng các hiện vật trong chính không gian trưng bày của Bảo tàng”.