Ga Hà Nội (Ga Hàng Cỏ trước kia) là chứng nhân cho những trang sử của dân tộc. Suốt chiều dài xây dựng và phát triển đất nước, ga đã chứng kiến biết bao câu chuyện, những nỗi niềm, những giọt nước mắt, đau thương của chiến tranh. Nhưng cũng tại đó, là nơi gieo mầm cho sự thay đổi tốt đẹp và lớn mạnh hơn của cả đất nước. Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, ga Hà Nội vẫn tồn tại như một biểu tượng của thành phố, dù cổ xưa nhưng chưa bao giờ là cũ kỹ.
Ga Hà Nội (Ga Hàng Cỏ trước kia) là chứng nhân cho những trang sử của dân tộc. Suốt chiều dài xây dựng và phát triển đất nước, ga đã chứng kiến biết bao câu chuyện, những nỗi niềm, những giọt nước mắt, đau thương của chiến tranh. Nhưng cũng tại đó, là nơi gieo mầm cho sự thay đổi tốt đẹp và lớn mạnh hơn của cả đất nước. Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, ga Hà Nội vẫn tồn tại như một biểu tượng của thành phố, dù cổ xưa nhưng chưa bao giờ là cũ kỹ.
Ở độ tuổi 32, lần đầu tiên được trải nghiệm cảm giác đi tàu tại Ga Hà Nội. Cảm giác bồi hồi, lo lắng của tôi được giọng kể chuyện trầm lắng của bà làm dịu lại. Trong ký ức của bà, những chuyến tàu với đủ thứ âm thanh, mùi vị từ quê lên Thủ đô luôn ẩn giấu nhiều chuyện đời, chuyện người thú vị. Và hơn hết, bà bảo: Bà lúc nào cũng muốn “chạm” vào Hà Nội từ cái sân ga ngày nào...
Bà kể: Ga Hàng Cỏ nằm trên đường Lê Duẩn ngày nay. Đây nguyên là mảnh đất dùng để làm chợ cỏ. Cỏ từ các nơi tập kết về thành những đụn, những đống thơm ngan ngát. Cỏ tràn ngập phố. Cỏ chạy từ những triền đê sông Hồng vào cấp cho lính ngự vệ trong kinh thành nuôi ngựa, nuôi voi. Tên Ga Hàng Cỏ cũng được hình thành từ lẽ đó.
Cái tên, như cách người bản xứ Đông Dương tìm lối thoát khỏi vỏ của thời kỳ thực dân, tự kiếm lấy cái hồn cốt dân tộc trong một hình hài vốn được đã định vị sẵn. Kể cả đến khi cái tên Ga Hà Nội được định hình chính danh trên mặt hành chính, thì những người ở thế hệ trước như bố mẹ, ông bà vẫn quen gọi theo tên cũ kỹ ấy.
Không chỉ riêng bà tôi mà với nhiều người, Ga Hàng Cỏ là của chung, nơi cô công nhân, anh bộ đội… vội vã chen nhau vào mua tấm vé rồi thảnh thơi uống chén trà, ăn cây kẹo lạc chờ tàu tới. Đó là không gian chật ních hơi người và len đầy những âm thanh, mùi vị sống động của cả thời bao cấp khó khăn.
Là anh em song sinh với cầu Long Biên, nhưng Ga Hàng Cỏ lại ít được biết đến như một chứng nhân lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Ga Hàng Cỏ - nhà ga cổ xưa nhất Việt Nam hơn 120 năm qua đã chứng kiến biết bao cuộc máu lửa bi hùng, những thăng trầm cũng như tinh thần chiến đấu quả cảm của những công nhân hỏa xa để giữ vững đầu mối giao thông huyết mạch, đem lại sự bình yên trên sân ga ngày hôm nay...
Năm 1902, Ga Hàng Cỏ được khánh thành và đưa vào khai thác cùng với cầu Long Biên. Người Pháp xây dựng công trình này nhằm kiến thiết cơ sở hạ tầng ở Đông Dương, phục vụ ý đồ khai thác thuộc địa. Một nhà ga xe lửa hiện đại với những con tàu chạy trên đường sắt lần đầu tiên đã hiện diện ở Hà Nội.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, Ga Hàng Cỏ đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc cũng như quá trình phát triển của ngành đường sắt Việt Nam.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, công nhân nhà ga đã đấu tranh vận chuyển vũ khí, đạn dược, quân lính đi đàn áp các nơi. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ga Hàng Cỏ đã đón tiễn và lập hàng nghìn đoàn tàu chở trên 20 triệu lượt hành khách, xếp dỡ trên 10 triệu tấn hàng hóa, chủ yếu là vũ khí, khí tài và bộ đội cho tiền tuyến, góp công sức vào chiến công chung cùng quân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đặc biệt là cuộc chiến đấu anh dũng của người dân nơi đây trong 12 ngày đêm bị cày nát bởi bom B52 tháng 12 năm 1972.
Vết sẹo chiến tranh giờ vẫn còn phảng phất ở những phố ga, xóm đường tàu quanh sân ga lịch sử. Người Khâm Thiên gốc, không ai bảo ai vẫn lấy ngày 21/11 Âm lịch làm ngày giỗ chung. Và cách đó không xa, Hàng Cỏ, vẫn âm thầm kể lại cho hậu thế những câu chuyện đau thương của quá khứ.
Bên cạnh nỗi đau thương ấy, cái sân ga với hơn 100 năm tuổi đời còn lưu giữ thêm vạn vạn tiếng hò reo của hàng ngàn thanh niên "Nam tiến" theo tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng. Những cuộc chia ly trên sân ga hoá thành lời hò hẹn non sông thống nhất mà mãi mấy chục năm sau mới hoá thành hiện thực.
Nữ nhà thơ Lê Khánh Mai từng rưng rưng với ký ức “Xanh thắm” trên chính sân ga ấy trong những tháng ngày lịch sử:
“Thời chúng tôi sống
ga Hàng Cỏ, không còn ai bán cỏ
tràn ngập sân ga quân phục màu xanh
xanh thắm những chuyến tàu chở đoàn quân ra trận
xanh thắm sức vóc tuổi thanh xuân lồng lộng
vươn những cánh tay vẫy chào như sóng cỏ giữa trời xanh
…
Chúng tôi đã đi qua một thời gian khổ
Đã có một ngày sân ga Hàng Cỏ
Tràn ngập màu xanh, những người lính trở về
(Ga Hàng Cỏ thời chúng tôi sống)
Lịch sử hào hùng của Ga Hàng Cỏ xưa đã được Ga Hà Nội tiếp tục kế thừa và phát huy trong thời kỳ đổi mới. Là "dòng chảy” gắn liền quá khứ với hiện tại và tương lai bằng lịch sử hơn 1 thế kỷ xây dựng, trưởng thành và phát triển. Sau khi miền Nam giải phóng, ngành đường sắt đã khẩn trương khôi phục lại các tuyến đường sắt, đặc biệt là tuyến đường sắt Thống Nhất nối liền Thủ đô Hà Nội với Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 31/12/1976, sau nhiều năm gián đoạn, hai đoàn tàu Thống Nhất cùng xuất phát từ hai Ga Hàng Cỏ và Sài Gòn đã khai thông tuyến đường sắt Bắc-Nam trong niềm xúc động, phấn khởi của đồng bào cả nước. Năm 1975, Ga Hàng Cỏ được đổi tên thành Ga Hà Nội, cùng với việc xây dựng Ga Giáp Bát để vận chuyển hàng hóa, Ga Hà Nội trở thành ga vận chuyển hành khách lớn nhất cả nước.
Trong ký ức của những người con Hà Nội, nhà ga này luôn gắn liền với những hoài niệm rất đỗi thiêng liêng, mỗi người lại mang trong mình câu chuyện rất riêng với nơi đây. Vui, buồn, thương nhớ… mọi thứ hoà quyện với tình yêu đất nước, quê hương, niềm tự hào dân tộc đã tạo nên những mảng kí ức không thể quên. Chúng như một cách để người dân Thủ đô tri ân một thời vàng son của ga và cũng để hoài niệm về nơi nuôi sống giấc mơ tuổi trẻ của mình.
Một trong những nhân chứng sống của 12 ngày đêm Mỹ đưa không quân tấn công Hà Nội cuối năm 1972 là ông Khuất Văn Tiến (SN 1954), Tổ trưởng Tổ dân phố số 6 (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Ngày 21/12/1972, ông Tiến nhớ mãi cái không khí giáp Noel năm ấy. Có tin người Mỹ ngừng ném bom, bà con lục đục khăn gói, hàng quán tranh thủ buôn bán. Phố đường tàu và Ga Hàng Cỏ trở nên ồn ào, náo nhiệt hơn hẳn so với mấy ngày bị “quần” vì bom, đạn. Ngày định mệnh đó, dù không buôn bán nhưng ông Tiến đã phải chạy đôn đáo khắp nơi, vì lần này phố Khâm Thiên và ga bị B52 ném bom.
“Thời điểm đó tôi đang là một Trung sĩ Công an. Khi đang làm công tác cứu hộ tại số 1, Khâm Thiên thì nhận được thông tin quân địch sẽ huy động lần chiếc B-52, 36 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá các mục tiêu trọng yếu của ta tại Hà Nội và một số khu vực tại Bắc Giang, Hải Phòng ngay trong đêm. Nhà ga, sân bay, cầu đường cũng là những mục tiêu ưu tiên ném bom.
Những quả bom điều khiển bằng laser đã trút xuống nhà ga và các phố lân cận như Lý Thường Kiệt, Trần Quý Cáp, Nguyễn Khuyến. Các khu lao động cũng phải hứng những trận mưa bom. Hậu quả làm toà nhà 3 tầng chính giữa nhà ga bị đánh sập hoàn toàn.
Chính ông Tiến là người đã nhặt chiếc đồng hồ - là điểm nhấn của nhà ga lớn vào bậc nhất nhì xứ Đông Dương ngày đó với mặt tròn và hàng số La Mã to. Cầm chiếc đồng hồ, ông Tiến nhoẻn miệng cười và xúc động vì nghĩ: "May quá không có người nào chết, không chiến sĩ nào bị hy sinh.
Còn khu nhà sập cũng có thể xây lại. Một trong những thứ giá trị nhất của ga thì vẫn còn nguyên vẹn, lành lặn là được rồi. Cộng thêm tiếng hô vang của bộ đội, người dân hai bên đường đã làm bầu không khí bớt đau thương “chiến thắng kẻ thù, chiến thắng, chiến thắng….” ông Tiến bồi hồi nhớ lại.
“Ngay sau những trận bom B52, Hà Nội huy động mọi phương tiện, tổ chức sơ tán cho hơn 500.000 người dân trong tổng số hơn 600.000 dân nội thành. Những dòng người tấp nập ngược xuôi. Kẻ đi tàu, người đi bộ… ai ai cũng phảng phất những nét băn khoăn, trăn trở. Đất nước bao giờ mới chấm dứt chiến tranh, bao giờ mới được quay trở về? Nhưng tất cả vẫn một lòng vì Tổ quốc, vì kháng chiến nên trong các đoàn người vẫn luôn rộn ràng, hừng hực khí thế”, ông Tiến chia sẻ.
Chuyên gia Giao thông , TS. Nguyễn Xuân Thuỷ cũng lần đầu tiên chia sẻ câu chuyện của mình về Ga Hàng Cỏ. “Ga Hàng Cỏ từ khi được xây dựng và trong suốt 120 năm tồn tại, phát triển thì đã, đang và sẽ luôn đóng vai trò là trung tâm đầu mối giao thông vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, trong giai đoạn kháng chiến, nơi đây luôn là một trong những mục tiêu bắn phá quan trọng của quân địch.
Trong trận ném bom 12 ngày đêm, tôi cũng có mặt tại Hà Nội. Có một điều, tôi luôn cảm thấy tự hào và cảm thấy rất linh thiêng là câu chuyện về tấm ảnh Bác Hồ. Khi Ga Hà Nội bị ném bom và bị sập hoàn toàn khối nhà 3 tầng ở giữa.
Điều kỳ lạ, gạch đá nát vụn nhưng ảnh Bác đã không bị vùi lấp mà văng cách đó mấy chục mét. Trong quá trình cứu hộ, cứu nạn tôi đã nhìn thấy tấm ảnh và cảm thấy vô cùng xúc động. Theo tôi, đó là một điển tích thể hiện ý nghĩa vô cùng sâu xa, thiêng liêng về sự hiện diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những lúc đất nước lâm nguy. Nó còn thể hiện sự quyết tâm, chiến đấu anh dũng của người dân Thủ đô trong những ngày tháng cam go, ác liệt.”
Còn trong “Hồi ký Xứ Đông Dương” của mình, cha đẻ của Ga Hàng Cỏ, Paul Doumer, trăn trở: “Trong tình trạng trước đây, chẳng có động lực nào để những người dân phải lao động nhiều hơn mức cần thiết cho nhu cầu của riêng họ. Tại sao họ phải phát triển canh tác trong khi sản phẩm dư thừa sẽ không có nơi tiêu thụ?
Với đường sắt, họ không còn lý do nào để hạn chế việc sản xuất trên mảnh đất màu mỡ của mình hay chỉ tiêu thụ tại chỗ. Đường sắt… trở thành động lực tạo ra sự thịnh vượng thông qua những lợi thế mà nó đem lại bằng việc vận chuyển những tác nhân tạo nên sự thịnh vượng ấy”.
Với bà tôi, dù tính quãng đường từ Từ Liêm ngày đó ra Lê Duẩn cũng không phải quá xa. Nhưng khoảng cách lúc đó là vì "mưa bom, bão đạn, những con đường đất lầy lội nối từ thôn ra các cung đường lớn". Chúng khiến cho mỗi lần được đi lên Ga như một hành trình chẳng khác nào từ quê ra tỉnh. Trong ký ức đã cũ kỹ của bà, Ga Hàng Cỏ thời ấy thực sự thịnh vượng theo đúng nghĩa đen của nó. Người xe ồn ào. Người từ tứ phía của đất Tràng An nườm nượp vào ra. Sân ga sáng choang như giấc mơ xa vời về một lần được một chuyến đi trên chiếc tàu sắt kia.
Còn với những người trực tiếp trải nghiệm chuyến tàu để về quê Nho Quan, Ninh Bình như ông Khuất Văn Tiến thì lại là câu chuyện cười ra nước mắt: “Tết năm 1975, sau khi giải phóng tôi được nghỉ phép 5 ngày để về quê. Vì đã rất lâu mới được về quê, nên tôi hí hửng mượn áo trắng của chiến sĩ trẻ tuổi ở đơn vị để về quê cho thật oai. Bước ra Ga với phong thái như đi duyệt binh, vị trí của tôi lại được ngồi ngay toa số 1. Tôi oai phong đặt chiếc túi và hí hửng để cảm nhận và khắc ghi rõ cảm giác lần đầu tiên được ngồi xe lửa. Về đến nhà trời đã tối mịt, bố mẹ cũng chỉ kịp thắp ngọn đèn dầu cho tôi thay áo, rửa mặt để đi nghỉ cho đỡ mệt. Thế là kế hoạch “áo gấm về làng” của tôi gần như thất bại.
Ấy thế mà, đến sáng hôm nay khi nhìn lại chiếc áo mới, tôi thầm cám ơn chuyến tàu đáp lúc nửa đêm. Vì đập vào mắt tôi lúc đó là chiếc áo trắng loang lổ từng mảng màu khói, màu đen, màu đục đục. Và may mà trời tối nên bố mẹ, người làng không nhìn thấy, chứ không mọi người lại tưởng tôi đảo ngũ hay vừa quần nhau với địch rồi mới về. Đứng ngẩn một lúc lâu tôi mới sực nhớ ra. Thì ra vì tàu chạy bằng than và hơi nước nên bao cái “tinh tuý” là mình vinh dự lãnh cả. Nhìn chiếc áo đi mượn bị lem nhem mà tâm trạng vừa buồn, vừa vui lẫn lộn”.
Nói về ga tàu này, nhà thơ Tản Đà đã từng viết:
“Kẻ ra Hải Phòng, kẻ đi Vinh
Kẻ ngược Lào Kay, kẻ lên Lạng
Chuyến ấy qua xong, chuyến khác về
Sớm sớm, trưa, chiều, đưa, đón rước
Bao nhiêu nhanh chóng bấy nhiêu tiền
Đã tiện cho dân lại lợi nước
Nghĩ xem một đường hỏa xa
Thực người đời nay sướng hơn trước”.
Nội dung: Tuấn Dũng - Tuyết Nhung.
Hình ảnh: Tuấn Dũng, TCT ĐSVN.
Đồ họa: Tuấn Dũng.