Các hoạt động thăm d, khai thác dầu khí ngoi khơi của Việt Nam hiện đang từng bước chuyển đổi, vừa gp phần bảo vệ mi trường, vừa cụ thể ha cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Chuyển đổi năng lượng sử dụng
Với phương châm “ Bảo vệ môi trường gắn với văn hóa dầu khí”, những năm qua, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cùng các đơn vị thành viên đã triển khai đồng bộ và toàn diện các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường. Tất cả các dự án dầu khí ngoài khơi đều tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế về môi trường; thực hiện đầy đủ công tác lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Bảo vệ môi trường gắn với văn hoá dầu khí
Hầu hết các dự án thuộc đối tượng phải xin xác nhận công trình bảo vệ môi trường trước khi đi vào vận hành chính thức đều được thực hiện đúng yêu cầu.
Đặc biệt, hoạt động thăm dò khai thác dầu khí được xác định gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo xu hướng phát triển chung của thế giới, các đơn vị khai thác dầu khí đã quan tâm đến các giải pháp bền vững. Cụ thể như: Phát triển điện gió ngoài khơi tại khu vực thăm dò khai thác để thay thế cho các nguồn điện sử dụng nguyên liệu DO và khí; giảm phát thải CO2 bằng cách áp dụng các kỹ thuật CCS và CCUS, sử dụng CO2 để gia tăng hệ số thu hồi dầu khí; sản xuất hydrogen xanh và phối trộn với khí thiên nhiên…
Các hoạt động này sẽ góp phần vào cam kết của Chính phủ tại COP26 đặt ra mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia trung hòa Carbon cao vào năm 2050.
Kiểm soát chặt chẽ nguồn thải
Đối với công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, các nguồn thải đều được các đơn vị thăm dò, khai thác thu gom, xử lý và giám sát chất lượng, tuân thủ quy định, tiêu chuẩn/quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế.
Cụ thể, hàm lượng dầu trong nước thải ra môi trường biển ngoài khơi cách xa 12 hải lý luôn nhỏ hơn 40 mg/l theo quy định tại QCVN 35:2010/BTNMT. Tại đầu ra của hệ thống xử lý nước khai thác có lắp đặt thiết bị đo hàm lượng dầu liên tục (online monitor), khi hàm lượng dầu lớn hơn giới hạn, hệ thống sẽ tự động đưa nước khai thác quay trở lại cyclone để xử lý lại.
Đối với các loại nước thải khác (nước rửa sàn, nước mưa…) được thu gom và xử lý bằng thiết bị tách dầu trong nước để đảm bảo hàm lượng dầu trong nước thải ra môi trường biển nhỏ hơn hoặc bằng mg/l theo quy định của Marpol.
Đồng thời, tại các giàn khoan đều được trang bị thiết bị xử lý mùn khoan như sàng rung, máy quay ly tâm, máy sấy khô để đảm bảo xử lý hàm lượng dầu bám dính trong mùn khoan nhỏ hơn 9,5 trọng lượng khi thải xuống biển, tuân thủ QCVN 36:2010/BTNMT.
Các chất thải rắn nguy hại gồm cặn dầu, cặn dung dịch gốc tổng hợp, bùn nhiễm dầu, nước nhiễm dầu, hóa chất gốc dầu, giẻ nhiễm dầu, acquy, pin thải… được thu gom phân loại vào các thùng có dán nhãn riêng sau đó được vận chuyển về bờ để xử lý.
Có thể nói, công tác bảo vệ môi trường trong công nghiệp dầu khí đã có bước tiến đáng kể; các nhà thầu dầu khí đã thực hiện nghiêm túc các cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn một số nội dung quy định của pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trong các hoạt động dầu khí ngoài khơi chưa hoàn toàn phù hợp, gây không ít khó khăn, lúng túng khi áp dụng. Các công ty dầu khí rất mong cơ quan quản lý nhà nước sớm có những hướng dẫn cụ thể làm rõ các vướng mắc nói trên, tạo điều kiện cho ngành dầu khí nói chung và các công ty thăm dò khai thác dầu khí nói riêng thực hiện tốt nghĩa vụ bảo vệ môi trường.