Nghề báo vốn được coi là một nghề vất vả, áp lực cao. Ấy vậy mà thời gian qua, liên tục xảy ra tình trạng một số nhà báo bị hành hung, uy hiếp, đe dọa khi tác nghiệp, hoặc ngăn chặn việc tiếp cận thông tin. Đó chưa kể là hàng loạt những khó khăn khác vẫn luôn thường trực. Các nhà báo mong muốn cơ quan chức năng cần có nhiều biện pháp hơn để bảo vệ họ trong quá trình tác nghiệp.
Nguy hiểm rình rập
Tình trạng hành hung, cản trở phóng viên trong khi tác nghiệp đang có xu hướng tăng cả về mức độ lẫn tần suất. Hầu hết các nhà báo bị hành hung trong lúc thực hiện điều tra, chống tiêu cực.
Sự việc gần đây xảy ra vào tối 23/4/20, nhóm đối tượng 3 người là nam giới cản trở, không cho 2 nhà báo N.V.C (Thời báo VTV) và M.H.M (Báo điện tử Vnexpress) tác nghiệp. Cụ thể, trong lúc tác nghiệp tường thuật đám cháy xưởng gỗ vào tối 23/4 tại thôn Việt Yên, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội, 2 nhà báo đã bị ít nhất 3 đối tượng cản trở, lăng mạ và hành hung. Cả hai nhà báo cùng bị 2 đối tượng này tấn công khi đang tác nghiệp ở vị trí khác nhau. Nhóm người này có hành vi chửi bới, lăng mạ, đánh vào người, bóp cổ, đạp ngã…
Một số tài sản cá nhân như điện thoại bị các đối tượng giật lấy, ném hoặc xô đẩy, rơi vỡ trong quá trình bị hành hung. Được biết, hai nhà báo nhận tin báo về vụ cháy nhà xưởng xảy ra ở thôn Việt Yên, xã Ngũ Hiệp, Thanh Trì. Sau khi liên hệ thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng, hai nhà báo đã đến hiện trường tác nghiệp vụ cháy nhà xưởng theo đúng chức năng, nhiệm vụ mà tòa soạn giao.
Trước sự việc trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Thanh Trì chủ trì, phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ thông tin báo nêu.
Văn phòng UBND thành phố theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện, tổng hợp báo cáo UBND thành phố. Công an huyện Thanh Trì đã triệu tập 3 đối tượng trong các đoạn clip thu thập được tới trụ sở Công an để làm rõ. Bước đầu thông tin, các đối tượng đều là người sinh sống trên địa bàn huyện Thanh Trì. Công an đã lấy lời khai của các đối tượng.
Một vụ việc khác xảy ra tương tự vào chiều 6/6/2023, nhóm phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đang chuẩn bị triển khai máy để ghi hình việc mua bán quạt tích điện tại khu vực vỉa hè trước cửa hàng quạt điện số 19 Đông Các, khu vực Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội), thì một đối tượng đã xông ra lớn tiếng quát mắng, túm cổ áo và đạp ngã phóng viên quay phim T.T.C. Sau đó, một đối tượng khác từ cửa hàng gần đó cũng tham gia hành hung. Kể cả khi có người can ngăn và phóng viên T.T.C đã nằm gục trên lòng đường, hai đối tượng này vẫn tiếp tục hung hăng đấm đá. Thậm chí, khi phóng viên được đồng nghiệp đưa lên ô tô của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, những đối tượng này vẫn theo xe, uy hiếp.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các phóng viên đã trình báo cơ quan Công an và đưa anh T.T.C vào bệnh viện để cấp cứu, điều trị do bị đa chấn thương. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã đề nghị các cơ quan chức năng xác minh làm rõ sự việc và xử lý nghiêm hành vi côn đồ, coi thường pháp luật của các đối tượng; đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ nhà báo khi đang tác nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Đây chỉ là hai trong số nhiều vụ đe dọa, hành hung nhà báo diễn ra gần đây được báo chí đăng tải công khai. Còn rất nhiều vụ đe dọa, cản trở nhà báo tác nghiệp chưa được kịp thời phát hiện, xử lý, nhiều nhà báo và gia đình vẫn từng ngày, từng giờ sống, làm việc trong sự lo lắng, thấp thỏm.
Muôn vàn khó khăn
Hiện nay, báo chí đứng trước nhiều thách thức trong việc cạnh tranh với truyền thông xã hội, thiếu cơ chế “đặt hàng” báo chí, vi phạm bản quyền... Cùng với đó, báo chí đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi số chậm, nhà báo, phóng viên cũng trực tiếp gặp khó khăn từ những khó khăn chung của lĩnh vực báo chí. Trong bối cảnh doanh nghiệp tìm đến quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội nhiều, báo chí sụt giảm doanh thu, các tòa soạn và nhà báo cũng “đau đầu” về bài toán kinh tế báo chí. Việc sụt giảm nguồn thu đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của những người cầm bút.
Bên cạnh đó, tình trạng nhà báo bị cơ quan Nhà nước từ chối tiếp cận thông tin vẫn là chuyện “như cơm bữa”. Bởi, theo Quy chế người phát ngôn, một cơ quan chỉ có một đầu mối là người phát ngôn hoặc lãnh đạo cơ quan, việc này lại thành rào cản đối với các cơ quan báo chí và lại là phương tiện hữu hiệu trong trường hợp các đơn vị muốn “né” trách nhiệm cung cấp thông tin. Hệ quả là báo chí không cung cấp được thông tin một cách kịp thời về các vấn đề mà người dân quan tâm. Với cơ quan báo chí và cá nhân nhà báo, không thực hiện được nhiệm vụ cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho người dân. Mặc dù các quy định công khai thông tin được đưa vào Luật Báo chí, nhưng trên thực tế, vẫn còn những khoảng trống trong việc thực hiện các quy định, khiến nhà báo, phóng viên vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin tác nghiệp.
Do một số trường hợp, cơ quan Nhà nước còn lúng túng, né tránh, kéo dài, từ chối phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, nhà báo buộc phải bằng nhiều cách khác nhau để thực hiện thành công bài điều tra, đặc biệt là các vụ việc tham ô tham nhũng. Do đó, sự vất vả, khó khăn của nhà báo càng tăng lên bội phần.
Cần nhiều giải pháp
Luật Báo chí sửa đổi (có hiệu lực từ 1/1/2017) và Luật Tiếp cận thông tin (có hiệu lực từ 1/7/2018) là hành lang pháp lý an toàn, chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà báo khi thực thi nhiệm vụ.
Trong đó, khoản 12, Ðiều 9, Luật Báo chí quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm là: “Ðe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Cùng với đó, tại Nghị định 119 năm 2020 về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản đã tăng mức phạt ở hầu hết các hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí để phù hợp thực tế, tính chất mức độ vi phạm.
Luật Báo chí quy định những quyền tác nghiệp cơ bản của nhà báo như sau: Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Việc các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước từ chối cung cấp thông tin cho báo chí vì lý do nào đó là vi phạm Luật Báo chí, quy chế người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Báo chí và Luật Tiếp cận thông tin.
Đề xuất giải pháp hạn chế việc nhà báo bị hành hung, cản trở, PGS. TS Nguyễn Văn Dững, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nêu ý kiến: “Nên có chiến lược và giải pháp phát triển nguồn lực báo chí điều tra chống tham nhũng, tiêu cực, kể cả trong đào tạo, tập huấn, kiến thức kỹ năng. Xây dựng câu lạc bộ báo chí điều tra, có các luật sư thường xuyên cung cấp kiến thức cho họ và phương pháp trong quá trình điều tra, tác nghiệp tránh rủi ro. Nên lập quỹ điều tra chống tham nhũng, đặc biệt hỗ trợ cho nhà báo gặp tai nạn nghề nghiệp. Hội Nhà báo Việt Nam cần ráo riết yêu cầu mỗi tòa soạn cần có quy ước đạo đức mỗi tòa soạn. Bởi vì, chỉ có tòa soạn mới kiểm soát tốt nhất quan hệ của nhà báo trong quá trình tác nghiệp”.
Để phù hợp với tình hình hiện nay, mỗi nhà báo phải trang bị kiến thức và kỹ năng tác nghiệp thật sự mang tính chuyên nghiệp cao. Ngoài ra, cần xem xét và xử lý nghiêm minh các vụ việc hành hung, trù dập nhà báo. Đương nhiên, nhà báo cũng sẽ và chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung bài viết của mình theo luật định.