Ngày 7/4, tin từ Công an huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị vừa khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đây là nhóm đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo.
Theo tài liệu điều tra, trước đó, Công an huyện Lộc Hà phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Bộ Công an thi hành Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, khám xét khẩn cấp và triệu tập 11 đối tượng có liên quan gồm: Nguyễn Quốc Bảo (31 tuổi, trú xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An); Phạm Ngọc Phong (31 tuổi, trú phường Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội); Phạm Minh Quỳnh (28 tuổi, trú xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế); Cấn Minh Phương (30 tuổi, trú tại xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội) và 7 đối tượng khác ở các tỉnh Hà Nam, Nghệ An, Thanh Hóa.
Cơ quan chức năng cũng thu giữ 2 xe ôtô, 2 máy tính bàn, 1 máy tính bảng, điện thoại di động cảm ứng, 7 điện thoại Nokia (là thiết bị gọi điện lừa đảo), 200 triệu đồng tiền mặt và các phương tiện, thiết bị khác liên quan đến hành vi phạm tội.
Trước đó, vào khoảng tháng 9/2022, Nguyễn Quốc Bảo quen một người trên mạng xã hội. Người này hướng dẫn cho Bảo việc lừa đảo bằng cách giả danh nhân viên ngân hàng nâng hạn mức thẻ tín dụng và giới thiệu Cấn Minh Phương để hỗ trợ cho Bảo.
Sau đó, Bảo trao đổi với Phạm Ngọc Phong để tìm người lập trình trang web giả mạo ngân hàng VP Bank. Phong tiếp tục “đặt hàng” Phạm Minh Quỳnh (lập trình viên tự do) để lập trình trang web giả mạo ngân hàng VP Bank.
Khoảng đầu tháng 10/2022, Quỳnh bán trang web cho Phong với giá 10 triệu đồng và hướng dẫn Phong cách quản lý, sử dụng. Sau đó, Bảo thuê một căn nhà Hà Nội để thực hiện hành vi lừa đảo.
Theo phân công của Bảo, Phương đi thuê người để đào tạo cách gọi điện thoại giả danh nhân viên ngân hàng và thuê các đối tượng để thực hiện việc gọi điện lừa đảo, dưới dạng số tổng đài như 068.833.259; 02877.786.689; 062.913.258,... theo kịch bản có sẵn do Bảo cung cấp.
Đồng thời, Bảo mua thông tin cá nhân của khách hàng sử dụng thẻ tín dụng ngân hàng VP Bank trên mạng xã hội và cung cấp cho các đối tượng trong nhóm của mình để thực hiện kế hoạch lừa đảo.
Khi gặp những người có nhu cầu nâng hạn mức, Bảo sử dụng các tài khoản Zalo “ảo” kết bạn với người bị hại giới thiệu là nhân viên ngân hàng VP Bank gửi các đường link giả mạo: https://thetindung-vpb-online.com; https://cardsvpb.com/. (Đây là các đường link có giao diện giả mạo trang web của ngân hàng VPBank) rồi hướng dẫn người bị hại nhập các thông tin cá nhân vào.
Khi bị hại nhập các thông tin này trên trang web thì các thông tin sẽ tự động gửi về Bot Telegram có tên là “Tiền về” được đấu nối tự động qua API với trang web do đối tượng Phạm Ngọc Phong quản lý.
Sau đó, Phạm Ngọc Phong đặt hàng mua thẻ game, điện thoại di động, Macbook,…trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như TIKI, TopZone,...
Để thực hiện giao dịch ngân hàng VP Bank sẽ tự động gửi mã OTP giao dịch về số điện thoại của người bị hại. Nguyễn Quốc Bảo sẽ tiếp tục sử dụng tài khoản Zalo “ảo” để yêu cầu bị hại nhập mã OTP vào trên trang web giả mạo để hoàn thành việc chiếm đoạt tiền trong thẻ.
Sau đó, Bảo chặn tài khoản Zalo và cắt liên lạc với người bị hại.
Phong là người bán các thẻ game cho đối tượng Trần Thị Nhung sang tiền VNĐ và bán các sản phẩm (điện thoại, Macbook,...) cho những ai có nhu cầu.
Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, quá trình đấu tranh với các đối tượng đã thừa nhận, hành vi, thủ đoạn của mình. Đến nay, đã xác định được khoảng gần 700 người bị hại với số tiền chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.
Hiện Công an huyện Lộc Hà đang tiếp tục phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao - Bộ Công an đấu tranh mở rộng vụ án.