Bế mạc phiên họp thứ ba của Ủy ban thường vụ Quốc hội

Ngọc Mai| 22/09/2016 :41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 8,5 ngy lm việc khẩn trương, nghiêm túc, phiên họp thứ ba của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chính thức bế mạc.

Bế mạc phiên họp thứ ba của Ủy ban thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp thứ ba của Ủy ban thường vụ Quốc hội

Ngày 22/9, tại Phòng họp Tân Trào- Nhà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành bế mạc phiên họp thứ ba dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, sau 8,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, phiên họp thứ ba của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã hoàn thành tất cả các nội dung đề ra.

Thứ nhất, Ủy ban thường vụ đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV dự kiến khai mạc vào ngày 22/10 sắp tới. Đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan thẩm tra cùng phối hợp với các cơ quan hữu quan để chuẩn bị, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện tất cả các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết, dự thảo Báo cáo để trình ra kỳ họp Quốc hội sắp tới. Ngoài ra, có 2 nội dung sẽ tiếp tục được trình ra tại phiên họp thứ 4 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Thứ hai, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 3 dự án luật gồm: Luật tín ngưỡng, tôn giá, Luật đấu giá tài sản, Luật về hội. Đề nghị Ủy ban thẩm tra các dự án luật này tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội và báo cáo với Bộ Chính trị để hoàn thiện các dự án. Trước khi trình ra Quốc hội, các dự án phải được gửi tới các Đoàn đại biểu Quốc hội trước 20 ngày để nghiên cứu.

Thứ ba, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến 10 dự án luật và 1 dự thảo Nghị quyết sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai gồm: Luật thủy lợi, Luật đường sắt (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ, Luật quản lý ngoại thương, Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Luật quy hoạch, Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Luật du lịch (sửa đổi), Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Sau khi xem xét, thảo luận, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành các dự án luật này và nhận thấy đủ điều kiện để trình ra Quốc hội thảo luận lần đầu. Do đó, đề nghị các cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ dự án luật. Riêng đối với dự án Luật quy hoạch, đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra hoàn thiện, tiếp tục trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào phiên họp thứ 4. Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ, đề nghị Tổng thư ký Quốc hội thông báo ý kiến với Chính phủ trong việc nâng cấp lên thành Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi).

Thứ tư, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (thay thế Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11). Đề nghị Ủy ban Tài chính- Ngân sách chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo và Ủy ban Pháp luật để nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp sau.

Thứ năm, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên. Đề nghị Ủy ban Tài chính- Ngân sách chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Pháp luật, Tổng thư ký Quốc hội, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết, gửi xin ý kiến các thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Thứ sáu, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở ý kiến của phiên họp, đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp thu để hoàn thiện các dự thảo Báo cáo để trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới.

Thứ bảy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định về việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán Quốc gia. Đề nghị Ủy  ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, thời gian từ nay đến kỳ họp thứ hai còn không nhiều, do đó đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan khẩn trương chuẩn bị, rà soát lại công việc. Cùng với đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng sẽ tiến hành phiên họp thứ tư dự kiến vào đầu tháng 10 để chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bế mạc phiên họp thứ ba của Ủy ban thường vụ Quốc hội