UBND tỉnh Bến Tre vừa có văn bản gửi các sở ban ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan về việc chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính.
Theo đó, UBND tỉnh nhận thấy các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã có sự quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC); niêm yết công khai khá đầy đủ, kịp thời danh mục, nội dung TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại bộ phận một cửa và trên Trang TTĐT của cơ quan, đơn vị phục vụ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp;
Thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kịp thời theo quy định; hồ sơ giải quyết TTHC trước hạn và đúng hạn đạt tỷ lệ khá cao...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số cơ quan, đơn vị còn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc, cần phải quan tâm sâu sát, chỉ đạo quyết liệt hơn và có giải pháp khắc phục triệt để nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.
Đối với các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn cần phải tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh liên quan công tác kiểm soát TTHC, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện nhiệm vụ của công chức, viên chức tại các phòng, ban, đơn vị trực thuộc đảm bảo đúng quy định.
Các sở, ban ngành tỉnh thường xuyên theo dõi tham mưu xây dựng trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định công bố danh TTHC, phê duyệt quy trình nội bộ kịp thời.
Các sở, ban ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố thiết lập đầy đủ quy trình điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh và nghiêm túc thực hiện quy trình giải quyết TTHC trên hệ thống (đảm bảo xử lý đủ bước, đúng thời gian quy định).
Niêm yết công khai đầy đủ, kịp thời, chính xác bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và tổ chức thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC theo đúng quy trình TTHC đã công bố, công khai.
Thường xuyên theo dõi, cập nhật quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức xây dựng và thực hiện đúng quy trình; đồng thời, thực hiện quy trình giải quyết TTHC (quy trình điện tử) trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh (đảm bảo tiếp nhận, xử lý đầy đủ bước, đúng thời gian quy trình đã được thiết lập.
Thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC 100% tại bộ phận một cửa các cấp theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 01/2018/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ; theo dõi việc tiếp nhận và giải quyết TTHC phi địa giới hành chính (84 TTHC); theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo đúng quy định.
Áp dụng đúng và đầy đủ các biểu mẫu trong giải quyết TTHC và sổ sách theo dõi hồ sơ phải ghi chép đầy đủ các nội dung thông tin theo quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-VPCP; thực hiện đúng công tác lưu trữ hồ sơ giải quyết TTHC đảm bảo đầy đủ thành phần theo quy định.
Đẩy mạnh thực hiện công tác rà soát quy định TTHC, kiến nghị cắt giảm các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và kịp thời xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, không được đùn đẩy, kéo dài làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh.
Có giải pháp để nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, trong đó tăng cường hướng dẫn thực hiện thanh toán trực tuyến. Đây là nhóm chỉ số “dịch vụ trực tuyến” được đánh giá, xếp loại theo thời gian thực trên Bộ Chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động kiểm soát TTHC, cách thức thực hiện dịch vụ công trực tuyến, chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, sử dụng tài khoản định danh điện tử của công dân để nộp hồ sơ trực truyến, nhằm tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, tỷ lệ thanh toán trực tuyến; đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến mọi lúc, mọi nơi và trên mọi thiết bị, phương tiện điện tử thông minh.
Quan tâm thực hiện hoàn thành số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; đồng thời, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và truyền thông chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục tập huấn cho Công chức một cửa cấp huyện, cấp xã thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, ký số, thực hiện dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh/Cổng Dịch vụ công quốc gia; hướng dẫn tổ chuyển đổi số cộng đồng cách thức thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để phối hợp tuyên truyền, hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Sở Thông tin và truyền thông theo dõi, kiểm tra khắc phục nhanh chóng, kịp thời lỗi hệ thống trong quá trình thực hiện giải quyết TTHC nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động xuyên suốt, hiệu quả.
Văn phòng UBND tỉnh phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chỉ đạo tại công văn này; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, chấn chỉnh cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chậm trễ, không đúng quy định, ảnh hưởng đến kết quả đánh giá công tác cải cách TTHC, kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh; kịp thời theo dõi, kiểm tra việc thiết lập quy trình điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh theo quyết định phê duyệt quy trình nội bộ của Chủ tịch UBND tỉnh.