Chiều 28/12, phiên tòa xét xử 7 bị cáo trong vụ "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến công ty Việt Á và Học viện Quân y đã khép lại phần tranh luận, các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi phiên tòa bước vào phần nghị án.
Sự ân hận muộn màng của các bị cáo
Là người đầu tiên nói lời sau cùng, bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng Vụ Các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH-CN) cho rằng mục đích lớn nhất của bị cáo trong vụ việc là có được kit xét nghiệm sớm nhất để phòng chống dịch bệnh. “Bị cáo kính mong HĐXX xem xét cho bị cáo, để bị cáo được sớm trở về với gia đình và xã hội”, bị cáo Hùng nói.
Được nói lời sau cùng, Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) xin tòa giảm nhẹ hình phạt và giãi bày: “Với bản thân, bị cáo mong muốn HĐXX xem xét công trạng, bối cảnh, bản chất hành vi phạm tội; bị cáo hoàn toàn vì lợi ích chung của đất nước”.
Về phần mình, theo bị cáo Hồ Anh Sơn (cựu Phó giám đốc Viện nghiên cứu Y dược học quân sự, Học viện Quân y), hành vi của bản thân đã gây ảnh hưởng đến hình ảnh quân đội, hình ảnh của Học viện Quân y. Bị cáo Sơn nhiều lần nhấn mạnh “rất đau xót” vì đã sai phạm.
Cựu Phó giám đốc Viện nghiên cứu Y dược học quân sự (Học viện Quân y) cũng gửi lời nhắn nhủ, mong những người làm công tác nghiên cứu giữ được nhiệt huyết nghiên cứu, tiếp tục duy trì tốt công tác này.
Các bị cáo còn lại đều bày tỏ ăn năn, hối hận, mong được HĐXX phán quyết cho một mức án nhẹ để có thể sớm trở về với gia đình, xã hội.
Trong phần tranh tụng trước đó, bị cáo Hồ Anh Sơn (cựu Thượng tá Quân đội, cựu Phó Giám đốc Viện nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân Y) đặt câu hỏi cho đại diện VKS: "Nếu chúng ta trong hoàn cảnh như vậy, với chất lượng hai bộ kit test như vậy thì chọn phương án nào để không sai phạm?".
Đại diện VKS đối đáp rằng, đến nay đề tài không có sản phẩm thì cơ sở nào để đánh giá là sản phẩm của ai. Các bị cáo cho rằng, kit test của Việt Á có giá trị, nhưng là đánh giá trên cơ sở sự gian dối.
“Về việc bị cáo Sơn hỏi phải làm gì để không sai phạm, bị cáo là người quản lý, bị cáo phải tự xem xét mình có làm được không khi đề xuất Đề tài. Khi nhận lời Bộ KH&CN trong 1 tháng phải có sản phẩm thì bị cáo phải cân nhắc xem có làm được không.
Thực hiện đề tài sử dụng tiền ngân sách rất lớn mà bị cáo dù không biết có làm được không nhưng vẫn nhận. Mục đích mà các bị cáo vụ lợi ở đây rất rõ, vì nghiên cứu đề tài hay không thì vẫn lấy hơn 18 tỷ đồng tiền nghiên cứu đề tài.
Là nhà khoa học, bị cáo phải tôn trọng mình, tôn trọng sản phẩm của người khác. Không thể coi sản phẩm của người khác là của mình”, đại diện VKS nói.
Viện kiểm sát chỉ rõ hành vi gian dối của các bị cáo
Theo đại diện VKS, không thể chấp nhận quan điểm cho rằng Học viện Quân Y cần Công ty Việt Á. Bản thân bị cáo Phan Quốc Việt từng khai, nếu 1 doanh nghiệp tự đi đăng ký để được lưu hành sản phẩm sẽ mất rất nhiều thời gian. Đây là lý do vì sao mà bị cáo Phan Quốc Việt và Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng, Vụ KH&CN các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN) phải tham gia đề tài của Học viện Quân Y dù Công ty Việt Á đủ năng lực để tự sản xuất kit test.
Chính Công ty Việt Á đã tự mang sản phẩm đi đánh giá từ rất sớm, nhưng để có thể lưu hành, được cấp phép, sau đó Công ty Việt Á đã phải quay lại Học viện Quân Y để nghiệm thu giai đoạn 1 đề tài.
Đại diện VKS chỉ ra rằng, bị cáo Phan Quốc Việt đưa sản phẩm vào đề tài của Học viện Quân Y với mục đích nhanh chóng được cấp phép để thu lợi bất chính. Vì vậy không thể xem xét đề nghị của bị cáo xem xét hành vi phạm tội trong trường hợp cấp bách để giảm nhẹ tội cho bị cáo.
Theo đại diện VKS, yếu tố vụ lợi của bị cáo Sơn thể hiện rất rõ trong lời khai của chính bị cáo rằng: Bị cáo mong muốn có ngay thành tích khoa học để phòng chống dịch. Bên cạnh đó, bị cáo Sơn còn lợi dụng chức vụ quyền hạn để mua bán tăm bông, ống môi trường. Ở đây bị cáo không phải là người giúp sức mà đóng vai trò thực hiện.
Đối với quan điểm của luật sư và các bị cáo cho rằng việc quân đội xét xử đã gây thiệt thòi cho các bị cáo, đại diện VKS khẳng định, việc các cơ quan tố tụng của quân đội điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo trong vụ án này là hoàn toàn đúng với các quy định của pháp luật.
Bào chữa cho bị cáo Việt, luật sư đặt vấn đề về việc người ký văn bản ở Học viện Quân Y không bị truy tố xét xử dù theo quy định của pháp luật thì người ký văn bản phải chịu trách nhiệm. Trong vụ án này, Học viện Quân Y là đơn vị chủ quản, Công ty Việt Á không móc nối để bán kit test lại trở thành tội phạm chính.
Đối với vấn đề mà luật sư nêu ra, đại diện VKS đối đáp: Căn cứ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì giám đốc và phó giám đốc Học viện Quân Y không được báo cáo; do tin tưởng cấp dưới trong nghiên cứu, thực hiện đề tài và đấu thầu mua kit test nên chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm của cấp dưới.
Cơ quan điều tra đã tách nội dung này ra để xem xét về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với người liên quan. Căn cứ giới hạn xét xử, đại diện VKS chỉ xem xét đối với hành vi của các bị cáo bị truy tố trong cáo trạng.
Ở phần luận tội và đề nghị mức án trước đó, trong số 7 bị cáo thì Phan Quốc Việt bị đề nghị mức án cao nhất với năm tù về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; từ 10 – 11 năm tù cho hành vi “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt đề nghị là từ 25 – 26 năm tù.
Do tính chất phức tạp của vụ án nên HĐXX đã quyết định nghị án kéo dài, sẽ tiến hành tuyên án với các bị cáo vào h ngày mai (29/12).