Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền tự do báo chí như l một bộ phận rất quan trọng của quyền con người. Báo chí l diễn đn để nhân dân thể hiện ý chí v nguyện vọng của mình, l thước đo tinh thần dân chủ c được của một xã hội
Đấu tranh cho quyền con người
Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, với tư cách một nhà cách mạng, đồng thời là một nhà báo, Hồ Chí Minh đã trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh chống sự vi phạm tự do báo chí của chủ nghĩa thực dân và xác lập vai trò, vị trí của báo chí cách mạng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Hồ Chí Minh không chỉ nhận thấy vai trò của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc mà Người còn thấy quyền tự do báo chí chính là một bộ phận rất quan trọng của quyền con người.
Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Người rất chú ý và quan tâm đến hoạt động báo chí và quyền tự do báo chí, vừa coi đó là một “vũ khí” và phương tiện trong quá trình đấu tranh cách mạng, đồng thời Người còn coi đó như là một cuộc đấu tranh cho quyền con người. Hồ Chí Minh đã mạnh mẽ tố cáo chế độ thực dân Pháp ngăn cấm quyền tự do báo chí: “Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận… chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt và tối tăm vì chúng tôi không có quyền tự do học tập”. Trong tác phẩm Đông Dương, Người viết: “Sự thật là người Đông Dương không có một phương tiện hành động và học tập nào hết. Báo chí, hội họp, lập hội, đi lại đều bị cấm… Việc có những báo hoặc tạp chí mang tư tưởng tiến bộ một chút hoặc có một tờ báo của giai cấp công nhân Pháp là một tội nặng”. Trong một bài báo khác, bài “Báo chí”, Người viết: “Giữa thế kỷ XX này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo. Các bạn có thể tưởng tượng được như thế không? Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi”.
Hồ Chủ tịch tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam, tháng 9/1962
Báo chí lúc này là do chính quyền Pháp ở Đông Dương độc quyền, còn báo tiếng Việt phải do Toàn quyền Pháp cho phép và bản thảo phải trình duyệt lên Toàn quyền trước khi in và cấm ngặt không cho đăng tải những bài có liên quan đến chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán tình trạng mất tự do của báo chí dưới chế độ thực dân Pháp nhưng đồng thời cũng nêu lên những ý tưởng quan trọng về chức năng của báo chí. Báo chí dưới chế độ cũ phải thực hiện đúng chức năng phê phán, phê phán chế độ chính trị tàn bạo và khuynh hướng nô dịch hóa của bọn thực dân, phê phán trên bình diện rộng lớn nhiều vấn đề kinh tế và từ đấy vạch trần những hành vi chính trị của giai cấp thống trị, bọn quan lại da trắng và những kẻ đồng mưu.
Như vậy, vấn đề tự do báo chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Đồng quan điểm với Mác - Ăngghen và Lênin về báo chí và tự do báo chí, Người cho rằng tự do báo chí là quyền lợi tinh thần to lớn của một dân tộc, một đất nước. Bởi vì báo chí là hoạt động tinh thần quan trọng của một xã hội. Đó chính là diễn đàn để nhân dân thể hiện ý chí và nguyện vọng của mình, là thước đo tinh thần dân chủ có được của một xã hội, là gương mặt rõ nét về một trình độ văn hóa và khoa học.
Báo chí phục vụ nhân dân
Quan điểm của Hồ Chí Minh về báo chí và tự do báo chí còn là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Khi nói về đối tượng phục vụ báo chí ở các nước thuộc địa, Người nói: “Vì chính sách ngu dân như các bạn đã biết, nên độc giả chỉ có một dúm người rất hạn chế. Mỗi số phát hành không bao giờ có quá một hay hai nghìn bản, ấy thế mà bán không hết”. Rõ ràng là báo chí xuất bản trong xã hội tư bản không bao giờ nhằm hướng tới quần chúng lao động, cho nên nó có tự do như thế nào thì cũng chỉ trong phạm vi hạn hẹp và đối với đa số thì lại không có tự do.
Cũng giống như Lênin, Hồ Chí Minh khẳng định nhiệm vụ của cách mạng vô sản là phải xây dựng hệ thống báo chí phục vụ đại đa số nhân dân lao động. Ngay từ những năm hai mươi của thế kỷ XX, Người đã đưa bản yêu sách đến Hội nghị Vécxây đòi chính phủ Pháp trả lại quyền tự do báo chí và tự do tư tưởng cho nhân dân Việt Nam. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh về báo chí nhằm đảm bảo quyền tự do ngôn luận của nhân dân trên báo chí: tất cả báo chí đều được hưởng quyền tự do ngôn luận, không phải kiểm duyệt trước khi in. Người nói: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng”, báo chí là tiếng nói của Đảng, là diễn đàn của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hồ Chí Minh còn nói: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới”. Với tư cách là đối tượng phục vụ của báo chí cách mạng, nhân dân lao động không chỉ là người tiếp nhận các thông tin mà báo chí đem lại mà còn là người trực tiếp tham gia sáng tạo các tác phẩm báo chí. Sự đóng góp của quần chúng nhân dân trong hoạt động báo chí làm cho báo chí thực sự trở thành diễn đàn để nhân dân bày tỏ nguyện vọng, tâm tư của mình với Đảng, chế độ.
Tự do báo chí theo Hồ Chí Minh không phải là tự do tuỳ tiện, tự do vô hạn độ mà báo chí được quyền tự do trong khuôn khổ mà Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cho phép. Sắc lệnh về chế độ báo chí của Người một mặt khẳng định đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, mặt khác, quy định báo chí phải tuân thủ pháp luật để đảm bảo quyền tự do ngôn luận được sử dụng một cách đúng đắn. Nhà nước đã thừa nhận các quyền tự do dân chủ cho mọi công dân trong Hiến pháp nhưng không cho phép lợi dụng các quyền đó để xâm phạm lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ mối quan hệ của tự do gắn với phạm vi pháp luật, với trách nhiệm và nghĩa vụ của các công dân trong xã hội. Người nói: “Tự do tư tưởng - Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do”.
Nhân tố quan trọng để phát triển con người toàn diện
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, mục tiêu cao cả của báo chí cách mạng là phục vụ nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
Điều này được khẳng định khi Hồ Chí Minh coi báo chí là bộ phận khăng khít trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân, của dân tộc và của Đảng. Báo chí là bộ phận của công tác tư tưởng, luôn gắn liền với hoạt động của Đảng, phục vụ mục tiêu của cách mạng. Báo chí là diễn đàn rộng rãi, dân chủ của nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân. Có mục đích chiến đấu rõ ràng, báo chí cần thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ của báo chí vô sản. Hồ Chí Minh chỉ rõ: mục đích của báo chí là “cốt làm cho dân ta biết, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng tự do”.
Báo chí góp phần nâng cao dân trí nhằm hướng tới phát triển con người toàn diện. Hồ Chí Minh cho rằng báo chí cách mạng có chức năng giáo dục, giúp cho dân chúng “mở mắt, mở tai”, hiểu biết đúng, sai, chính, tà… Báo chí cần đem chủ trương của đoàn thể, của Chính phủ để giải thích cho dân, để cho mọi người cùng hiểu, cùng đồng tâm hiệp lực làm cho được, đem kinh nghiệm hay việc làm tốt mà phổ biến cho dân chúng noi theo. Theo Người, báo chí phải góp phần nâng cao trình độ hiểu biết, giúp cho người đọc bổ sung vốn kiến thức về lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam và thế giới, giúp cho người dân có kiến thức mới xây dựng nếp sống mới để xây dựng đất nước thành quốc gia có nền văn hóa cao và đời sống tươi vui, hạnh phúc. Và như vậy, báo chí là một nhân tố quan trọng để phát triển con người toàn diện.
Trong những năm qua, báo chí đã làm tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, vừa là diễn đàn của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, quan điểm của Hồ Chí Minh về tư do báo chí là cơ sở lý luận để Đảng ta nhận thức rõ vị trí và tầm quan trọng của việc xây dựng nền báo chí cách mạng trong công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng XHCN; một nền báo chí dân chủ, trung thực, khoa học và hiện đại vì sự tiến bộ và phát triển của xã hội; một nền báo chí hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ, hướng tới sự phát triển con người toàn diện.