Ngày 25/12, Hội đồng nghiệm thu công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ Tòa án nhân dân tối cao tổ chức đánh giá và nghiệm thu đề tài “Xâm hại tình dục trẻ em – Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa”.
TS. Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực TANDTC làm Chủ tịch Hội đồng.
Thành viên Hội đồng gồm: ThS. Nguyễn Biên Thùy, Thẩm phán TANDTC; TS. Nguyễn Văn Dũng, Thẩm phán TANDTC; Ths. Nguyễn Đình Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra I; TS. Nguyễn Văn Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học; Ths. Vũ Quang Huy, Phó Chánh tòa Tòa Hình sự TAND thành phố Hà Nội; Ths. Nguyễn Thị Thanh Hương, Thẩm tra viên chính, Phó Trưởng phòng Pháp chế và Quản lý khoa học.
Đề tài do PGS.TS. Dương Tuyết Miên, Giảng viên Học viện Tòa án làm Chủ nhiệm; TS. Lê Hữu Du, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Tòa án làm Phó Chủ nhiệm.
Tại buổi nghiệm thu, đại diện nhóm tác giả đã báo cáo vắn tắt trước Hội đồng về tính cấp thiết của đề tài, làm rõ hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn "Xâm hại tình dục trẻ em – Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa" là cần thiết, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.
Sau khi nghe báo cáo tóm tắt đề tài, các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đã cho đánh giá phản biện và góp ý nhằm hoàn thiện đề tài. Nhiều ý kiến nhận xét đề tài được chuẩn bị và nghiên cứu công phu, thể hiện trách nhiệm của nhóm tác giải rất chuyên nghiệp trong công tác nghiên cứu khoa học. Kết quả nghiên cứu, kết luận mà đề tài đưa ra có giá trị thực tiễn, có ý nghĩa trong công tác phòng ngừa tội phạm.
Theo đánh giá, trong những năm gần đây, trong thời đại của internet và công nghệ số bùng nổ, xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng vô cùng phức tạp, gây lo lắng đối với toàn thể xã hội. Xâm hại tình dục trẻ em (người dưới 16 tuổi) là hành vi đặc biệt nguy hiểm bởi lẽ các em ở độ tuổi còn nhỏ, nên tâm sinh lý phát triển chưa hoàn thiện, nhận thức còn non nớt, do vậy, đây là nhóm dễ bị tổn thương nhất và cần được bảo vệ đặc biệt.
Thực tế cho thấy hệ lụy của loại tội này gây ra cho các em là rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống hiện tại mà còn ảnh hưởng đến tương lai của các em. Trong giai đoạn 2013 -2023, trên địa bàn cả nước đã xét xử hình sự sơ thẩm 19.4 vụ với 20.659 bị cáo về các tội xâm phạm tình dục nói chung trong đó số vụ bị xét xử về các tội xâm hại tình dục trẻ em là 16.918 vụ chiếm 88,3% và số bị cáo bị xét xử về các tội này là 18.136 người, chiếm 88,7%. Như vậy, số vụ và bị cáo bị xét xử về các tội xâm hại tình dục trẻ em chiếm tỉ lệ rất cao trong tổng số các vụ, bị cáo bị xét xử về các tội xâm phạm tình dục nói chung.
Mặc dù có nhiều công trình nghiên cứu về các tội xâm hại tình dục trẻ em, tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào tiếp cận dưới góc độ liên ngành theo hướng tội phạm học ứng dụng làm sáng tỏ có tính chất toàn diện, có hệ thống “bức tranh” về các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam trong thời gian ổn định, tương đối dài - giai đoạn từ 2013 đến năm 2023 trên phạm vi toàn quốc, cũng như chưa làm sáng tỏ được các nguyên nhân làm phát sinh tội phạm một cách toàn diện, chưa đề xuất được các giải pháp phòng ngừa dựa trên cơ sở kết quả khảo sát về nguyên nhân của tội phạm… Do vậy, việc nghiên cứu tổng thể, toàn diện về nhóm tội xâm hại tình dục trẻ em dưới góc độ tội phạm học theo hướng tiếp cận liên ngành, tìm ra các nguyên nhân làm phát sinh loại tội này, từ đó đề xuất các giải pháp phòng ngừa tội phạm là vô cùng cần thiết.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là trên cơ sở nghiên cứu về tình hình các tội xâm hại tình dục trẻ em, tìm hiểu nguyên nhân của tội phạm, từ đó đề xuất các giải pháp hiệu quả, có tính khả thi cao trong việc phòng ngừa các tội xâm hại tình dục trẻ em trên phạm vi cả nước, nhằm kìm chế, làm giảm dần các tội phạm này trong thời gian tới, từ đó góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội của nước ta.
Đề tài được nghiên cứu dưới góc độ Tội phạm học về vấn đề các tội xâm hại tình dục trẻ em (người dưới 16 tuổi). Địa bàn nghiên cứu là trên phạm vi toàn quốc với quãng thời gian nghiên cứu là giai đoạn 2013 - 2023.
Hội đồng đánh giá, đây là công trình nghiên cứu công phu, thể hiện quá trình làm việc nghiêm túc, nỗ lực của nhóm tác giả. Đề tài có những điểm mới và ưu điểm. Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài đã tóm lược trung thực kết quả nghiên cứu; trình bày mạch lạc và làm rõ được các vấn đề nghiên cứu và kết quả nghiên cứu. Hệ thống chuyên đề của dề tài với 9 chuyên đề cụ thể đã trình bày một cách có hệ thống các nội dung; các chuyên đề sắp xếp thứ tự theo logics chặt chẽ, thể hiện sự nhất quán đi từ lý luận đến thực tiễn.
Hội đồng nghiệm thu công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ Tòa án nhân dân tối cao đã nghiệm thu và đánh giá kết quả xuất sắc đề tài “Xâm hại tình dục trẻ em – Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa” của nhóm tác giả.