Sở Xây dựng Bình Thuận vừa cho biết đã tham mưu UBND tỉnh, để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc rà soát các quy hoạch “treo” kéo dài nhiều năm, gây bức xúc và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân; Qua đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới...
Theo Sở Xây dựng, ngay từ đầu năm 20, toàn ngành xây dựng đã triển khai các nhiệm vụ được giao, từ đó hoàn thành thắng lợi 28/28 đầu mục nhiệm vụ được UBND tỉnh giao trong năm. Công tác tham mưu, triển khai thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có nhiều cố gắng; Kịp thời hướng dẫn giải quyết hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, nhất là công tác quản lý quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; Tăng cường phân công, phân cấp về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý kiến trúc trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Sở Xây dựng đã cùng với các sở, ngành, địa phương rà soát, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo điều chỉnh, cập nhật, bổ sung các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kịp thời báo cáo giải trình, bổ sung Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né; Hướng dẫn thực hiện, thẩm định quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh; Chủ trì thẩm định hồ sơ dự án trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là Dự án Chung cư sông Cà Ty, đảm bảo dự án khởi công theo thời hạn đã đề ra; Cho ý kiến các nhiệm vụ và đồ án quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp huyện.
Đến nay, 14 đô thị trên địa bàn tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chung và ban hành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị; TP Phan Thiết và thị xã La Gi đã phủ kín các quy hoạch phân khu.
Sở Xây dựng cũng kịp thời tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về rà soát các quy hoạch “treo” kéo dài nhiều năm, gây bức xúc và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, qua đó đánh giá các nội dung tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới;
Tham mưu phê duyệt điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021-2030 và điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025; Tạo hành lang pháp lý quan trọng cho thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định trong thời gian tới; Tham mưu chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Giám đốc Sở Xây dựng Phan Dương Cường cho biết, toàn ngành sẽ triển khai thực hiện kịp thời các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến ngành xây dựng về quy hoạch, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thị trường bất động sản, nguồn vật liệu xây dựng;
Chủ động kiểm tra, rà soát, hướng dẫn chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan để hoàn chỉnh hồ sơ; Thẩm tra, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng và thiết kế bản vẽ thi công - dự toán theo quy định pháp luật, nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công trong công tác quản lý hoạt động của ngành.
Công tác thanh tra, kiểm tra, cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; Phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Đổi mới phương pháp làm việc được Sở quan tâm thực hiện...
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng, Bình Thuận đang có mọi cơ hội hiện hữu để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, vấn đề còn lại là phải bắt tay vào làm việc, phát huy những cơ hội này để phát triển vươn mình, bước vào thời đại mới.
Ông Phan Văn Đăng đánh giá cao và biểu dương những kết quả công tác Sở Xây dựng đạt được trong thời gian qua; Đồng thời yêu cầu Sở Xây dựng trong thời gian đến cần tập trung hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chủ yếu và các nhiệm vụ đột xuất được cấp trên giao trong năm 2025;
Tích cực tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành đảm bảo kịp thời, đồng bộ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương;
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2026-2030, đảm bảo yêu cầu làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở, tăng nguồn cung cho thị trường.
Phó Chủ tịch Thường Trực Phan Văn Đăng lưu ý thêm, Sở Xây dựng cần tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”;
Tăng cường giám sát có hiệu quả tình hình thị trường bất động sản tại địa phương để kịp thời có biện pháp, giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn tình trạng thị trường “phát triển nóng” hoặc “đóng băng”, tình trạng tung tin đồn thổi, đầu cơ thổi giá bất động sản lên cao để trục lợi, gây mất cân đối cung - cầu và đảm bảo vận hành theo cơ chế thị trường;
Tiếp đến, Sở Xây dựng cần chủ động phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương trong công tác rà soát, lập, điều chỉnh, thỏa thuận, thẩm định quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, nhất là các khu vực đô thị quan trọng, khu vực ven biển theo hướng hiện đại, văn minh, thông minh, xanh, sạch, đẹp, phát triển hài hòa, bền vững; Làm cơ sở cho các chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết, đáp ứng kịp thời tiến độ triển khai thực hiện các dự án. Cập nhật, công bố các đồ án quy hoạch được phê duyệt trên cổng thông tin điện tử của Sở;
Tích cực thanh tra, kiểm tra quản lý tốt trật tự xây dựng, không để xảy ra tình trạng xây dựng không phép, trái phép; Tăng cường kiểm tra và có giải pháp xử lý dứt điểm các khu dân cư tự phát, không để trở thành điểm nóng khu vực; Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực xây dựng, lưu ý đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản; Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đúng quy định, không để tồn đọng, kéo dài.
Đặc biệt, Sở Xây dựng cần tập trung thực hiện sắp xếp bộ máy theo Nghị quyết số 18 và chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh. Tinh thần là khi thành lập tổ chức mới, phải hoạt động hiệu quả hơn tổ chức cũ.
Bên cạnh kết quả đạt được, ngành xây dựng Bình Thuận vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Công tác tổ chức lập quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ rất thấp làm ảnh hưởng đến công tác xác định giá đất cụ thể của nhiều dự án chậm và kéo dài; Hệ thống cơ sở dữ liệu về các công trình hạ tầng và không gian ngầm đô thị trên địa bàn tỉnh chưa được các địa phương xây dựng hoàn chỉnh nên việc quản lý còn khó khăn do thiếu thông tin; Tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật trong quá trình triển khai các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng kinh doanh bất động sản vẫn còn xảy ra;
Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của cơ quan chức năng liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản chưa kịp thời, thiếu kiên quyết; Việc cập nhật cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch; Vẫn còn xảy ra tình trạng xây dựng không phép, trái phép, việc xây dựng hình thành các khu dân cư tự phát vẫn còn diễn ra nhất là các huyện giáp ranh TP Phan Thiết...