Chiều 10/11, dưới sự điều hnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hnh Phiên chất vấn v trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh v Xã hội Đo Ngọc Dung.
Các đại biểu chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội gồm: Việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bảo đảm tiến độ, đúng đối tượng, hiệu quả. Công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch. Thực trạng và nguyên nhân người lao động rời thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt.
Giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch. Chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc. Việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ, thiện nguyện bảo đảm đúng chế độ, chính sách.
Các cháu mồ côi do đại dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ tốt nhất
Đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương); Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình); Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu);… chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTBXH các nội dung: Chăm lo cho hơn 2.500 trẻ em mồ côi cha mẹ vì đại dịch COVID-19; giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động ở các vùng kinh tế trọng điểm; giải pháp đơn giản hóa thủ tục để triển khai hiệu quả việc hỗ trợ người yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, khắc phục tình trạng phát nhầm, nhận nhầm; giải pháp đổi mới giáo dục nghề nghiệp;…
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, làn sóng đại dịch Covid-19, từ một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng đã trở thành một cuộc khủng hoảng xã hội và việc làm. Tình trạng thâm hụt việc làm, bất bình đẳng khiến sinh kế của người dân bị đảo lộn, giảm sút về việc làm và thu nhập.
Với tác động của đại dịch, nhất là đợt thứ 4 tới nay đã và đang gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước đến việc làm, đời sống của hàng triệu người lao động và người dân, nhất là khi dịch xâm nhập vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp nơi sử dụng đông lao động.
Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước và các địa phương đã chủ động ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Đến nay, các gói hỗ trợ, các gói an sinh xã hội của Trung ương và các địa phương ban hành và đang triển khai đã góp phần quan trọng hỗ trợ người dân chung tay vượt qua nhiều khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, tinh thần tương thân, tương ái, nghĩa cử cao đẹp, những tấm gương sáng cộng đồng đang lan tỏa thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh an, dân và xã hội đã và đang có nhiều hệ lụy do tác động đại dịch để lại. Quy mô các chính sách hỗ trợ của chúng ta còn thấp, đòi hỏi sớm có chính sách hỗ trợ với quy mô lớn hơn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng để phục hồi, phát triển thị trường lao động và các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội.
Về việc hiện có trên 2.500 cháu bị mồ côi sau đại dịch tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Hiện nay đối với chính sách chung cho các cháu đã được triển khai đồng bộ, nên thời gian qua ngoài chính sách đã có các tổ chức xã hội đã hỗ trợ các cháu tương đối đầy đủ. Phương châm của bộ trong thời gian tới là làm thế nào để các cháu có được mái ấm gia đình, trường hợp xấu nhất, các cháu không có người thân chăm sóc mới đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội.
Giải pháp về lao động việc làm, an sinh xã hội sau dịch
ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn, dịch Covid-19 đã tạo nên cuộc khủng hoảng xã hội, lao động và việc làm. Tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm xảy ra do người dân di cư về quê tránh dịch.
Bộ đã có định hướng gì để tham mưu giải quyết thực trạng thiếu hụt lao động như nêu trên? Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có kế hoạch gì để phối hợp với các bộ, ngành địa phương khắc phục hạn chế và thống nhất việc tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 một cách chu đáo và tốt nhất?
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ cũng đã có báo cáo rất đầy đủ nội dung này, trong đó đề cập sâu vào giải pháp như: giữ chân người lao động; thứ hai là thu hút người lao động quay trở lại; và giải quyết việc làm cho người lao động ở những nơi mà họ đã về mà họ không trở lại nơi cũ và cũng không tìm việc làm mới; cuối cùng là giải pháp điều tiết bổ sung trong những trường hợp đặc biệt ở những địa bàn, đối tượng, lĩnh vực cấp thiết.
Trong những giải pháp này, Bộ trưởng cho biết có mấy vấn đề quan trọng, đó là:
Chúng ta phải lo thật tốt về chính sách, về đời sống, mức lương, thu nhập. Chăm lo an sinh thật tốt, phải có một sàn an sinh tối thiểu để người lao động có thể yên tâm đó là vấn đề nhà trọ, nhà ở, vấn đề sinh hoạt, vấn đề nơi có thể gửi con, chăm sóc con cái. Cuối cùng là phải bảo đảm cho an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động đó là tiêm vaccine.
Về khắc phục những hạn chế an sinh xã hội về lâu dài, Bộ trưởng cho biết, chủ trương Nghị quyết Đại hội Đảng XIII nêu rất rõ, chúng ta phấn đấu phát triển kinh tế thì đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội; không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội để lấy phát triển kinh tế đơn thuần.
Vì vậy, hiện nay mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia được xếp đứng đầu khối ASEAN về đầu tư ngân sách cho an sinh xã hội. Chúng ta có các chính sách tương đối đồng bộ và hoàn thiện kể cả cho người có công, người yếu thế, người già, người có hoàn cảnh neo đơn, cho trẻ em và các đối tượng khác.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Thời gian tới, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tiếp tục hoàn thiện và xây dựng Đề án dự kiến đầu năm 2023 sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương về củng cố, nâng cao chất lượng an sinh hay nói cách khác là nâng cao chất lượng các chính sách xã hội của người dân Việt Nam trong thời gian tới.
Trong đó có rất nhiều vấn đề liên quan như đời sống, thu nhập cho người nghèo như thế nào, cho người yếu thế ra sao, cho người có công thế nào, về nước sạch và vệ sinh môi trường ra sao,… để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, phân hóa xã hội, để mọi người ai cũng được tham gia và ai cũng được thụ hưởng thành quả xã hội.