Vấn đề quan tâm

Bộ Xây dựng đề xuất tổ chức "Ngày Cây xanh Việt Nam”

Nguyễn Cúc 20/05/2025 - 14:12

Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về quản lý công viên, cây xanh và mặt nước đô thị, trong đó đề xuất tổ chức “Ngày Cây xanh Việt Nam” nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò thiết yếu của cây xanh trong đời sống đô thị,

Hướng đến quản lý thống nhất và chuyên nghiệp

Dự thảo Nghị định gồm 5 chương với 48 điều, quy định chi tiết các nội dung về: quản lý công viên; quản lý cây xanh; quản lý mặt nước; quản lý, khai thác và sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư. Dự thảo đặt ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển không gian xanh đô thị, đồng thời thúc đẩy xã hội hóa và sự tham gia của người dân.

Một điểm đáng chú ý trong dự thảo là việc cho phép khai thác, kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng công viên, cây xanh theo cơ chế thị trường. Điều 35 quy định rõ ràng về ranh giới giữa chức năng quản lý nhà nước và hoạt động khai thác kinh doanh của các tổ chức, đơn vị vận hành hạ tầng xanh. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để huy động nguồn lực xã hội, đồng thời vẫn đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong khai thác tài sản công.

caynh.jpg

Đáng chú ý, tại Điều 43, dự thảo đưa ra cơ chế tài chính cụ thể nhằm đảm bảo tính bền vững trong đầu tư, quản lý và khai thác công viên, cây xanh. Các khoản thu từ việc cho thuê, chuyển nhượng quyền khai thác hoặc bảo hiểm tài sản công viên, cây xanh sẽ được quản lý, sử dụng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Điều này không chỉ tăng tính chủ động cho địa phương trong quản lý tài chính mà còn mở ra cơ hội để thu hút đầu tư vào hạ tầng xanh đô thị.

Dự thảo cũng nhấn mạnh trách nhiệm thống kê, kiểm kê đầy đủ, lập hồ sơ tài sản kết cấu hạ tầng xanh do Nhà nước đầu tư, đồng thời đảm bảo duy trì, bảo trì định kỳ theo quy định pháp luật hiện hành.

Ứng dụng công nghệ và tăng cường minh bạch

Trong bối cảnh chuyển đổi số, Điều 44 của dự thảo yêu cầu các địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, hiện đại để phục vụ quản lý công viên, cây xanh, mặt nước một cách hiệu quả. Hệ thống dữ liệu này sẽ là công cụ quan trọng để giám sát, phân tích và ra quyết định chính xác trong quản lý hạ tầng xanh. Đồng thời, người dân cũng có thể tham gia giám sát, đóng góp ý kiến qua các nền tảng số, thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm trong quản lý công.

Bên cạnh đó, các đô thị trực thuộc Trung ương được yêu cầu lập Đề án phát triển công viên, cây xanh và mặt nước, trong đó cần có giải pháp cụ thể để bảo tồn mặt nước hiện hữu, cũng như tận dụng các khu vực thường xuyên ngập úng hoặc thiếu nước để xây dựng mặt nước nhân tạo, góp phần điều tiết khí hậu và cân bằng hệ sinh thái đô thị.

Dự thảo quy định rõ các tiêu chí lựa chọn loại cây trồng nơi công cộng tại Điều 23 và 27, trong đó nhấn mạnh ưu tiên sử dụng các loài cây bản địa, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu - thổ nhưỡng của từng vùng miền, thân thiện với môi trường và không gây nguy hiểm. Đồng thời, các loài cây có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn giao thông, sức khỏe hoặc gây thiệt hại tài sản cần được hạn chế trồng hoặc phải có biện pháp quản lý chặt chẽ.

Việc cắt tỉa, chặt hạ, dịch chuyển cây xanh công cộng cũng được quy định chặt chẽ và phân cấp rõ trách nhiệm. Trong nhiều trường hợp, việc chặt hạ cây xanh sẽ phải xin phép cơ quan có thẩm quyền và thực hiện nghĩa vụ trồng bù thay thế. Nếu việc chặt hạ gây thiệt hại về người hoặc tài sản, đơn vị thực hiện sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường đầy đủ.

Một nội dung quan trọng khác là cơ chế hợp đồng dịch vụ công viên, cây xanh được cụ thể tại Điều 22 và . Các đơn vị cung ứng dịch vụ được trao quyền tự chủ rộng rãi hơn trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời phải đảm bảo thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ và tuân thủ quy trình nghiệm thu, thanh toán minh bạch. Đây là bước tiến quan trọng trong quá trình xã hội hóa dịch vụ công, hướng tới việc cung cấp dịch vụ công chất lượng cao với chi phí hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ḅ Xây dựng đề xuất t̉ chức "Ngy Cây xanh Việt Nam”