Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57).
Tuy nhiên, để Nghị quyết 57 đi vào cuộc sống, cần tháo gỡ về mặt thể chế, được coi là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận, giáo dục đại học là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của quốc gia.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57, đặt ra mục tiêu lấy chuyển đổi số, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là 3 mũi nhọn đột phá đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên tới. Trong đó phát triển công nghệ cao, khoa học công nghệ là gốc, giá trị cốt lõi.
Để thực hiện thành công mục tiêu này, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng, nhà khoa học, cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu có vai trò then chốt. Nếu các trường đại học không vào cuộc, không đổi mới quyết liệt thì giáo dục đại học không thay đổi và cất cánh. Và như vậy, khoa học công nghệ, đất nước cũng không thể phát triển như kỳ vọng mà Nghị quyết 57 đã đề ra.
Do đó, giáo dục đại học Việt Nam cần chuyển mình, xây dựng Chiến lược phát triển phù hợp với xu thế thời đại. Đồng thời, phải đề ra những mục tiêu và giải pháp hiệu quả để thực hiện thành công Nghị quyết 57. Phấn đấu đến 2030, chúng ta phải là một trong 3 nước top đầu ASEAN về công bố quốc tế và có những trường đại học lọt top 100 thế giới.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức viện dẫn, thống kê 5 nước có mức đầu tư cho khoa học công nghệ mạnh nhất thế giới (năm 20) cho thấy, đứng đầu là Hoa Kỳ (3,54% GDP tương đương 982 tỷ USD); sau đó Trung Quốc (2,72% GDP, 510 tỷ USD); Nhật Bản (3,36% GDP, 144,6 tỷ USD); Hàn Quốc (5,3% GDP, 90,6 tỷ USD), Pháp (2,23% GDP, 62,5 tỷ USD).
Những số liệu này lần nữa khẳng định, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo được ra đời từ trí tuệ nhà khoa học, các trường đại học, viện nghiên cứu; đồng thời khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của các trường đại học.
Đây cũng là bài học để chúng ta nhanh chóng hiện thực hóa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Muốn vậy, cần đầu tư nhanh, tốt nhất, tới tầm và xứng tầm của Nhà nước, sự quyết liệt của các trường đại học, đồng hành của doanh nghiệp và thôi thúc đổi mới vươn lên từ mỗi nhà khoa học. Điều đó cho thấy, Nghị quyết 57 ra đời thời điểm này đúng, trúng và có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển đất nước.
“Các công nghệ cao, cùng với chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là chìa khóa, “chiếc đũa thần” cho sự tăng trưởng đột phá và vươn mình của dân tộc lên tầm cao mới. Các trường đại học, viện nghiên cứu, nhà khoa học giữ vai trò then chốt và cần bắt tay vào cuộc ngay từ năm mới 2025”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.
Để triển khai Nghị quyết 57 vào thực tiễn, ông Nguyễn Anh Trí (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nhấn mạnh, cần một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Điều này cần thiết, cần làm ngay. Theo đó, cần có cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, đấu thầu tài chính và thử nghiệm có kiểm soát nhằm thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hoạt động khoa học, công nghệ trong doanh nghiệp, công nghệ chiến lược.
Trên thế giới, nhờ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, biến kết quả thành loại hàng hóa đặc biệt của trí tuệ đã tạo ra của cải vật chất cho xã hội, mang lại lợi ích cho nhân dân, cộng đồng; từ đó cải thiện đời sống cho các nhà khoa học. Ở nước ta, một số kết quả nghiên cứu khoa học được thương mại hóa nhưng còn ít.
“Kết quả nghiên cứu khoa học đưa vào thực tiễn cũng ít; phần nhỏ, thậm chí chỉ ở trong ngăn kéo cho đến lạc hậu với thời cuộc và mục nát theo thời gian”, ông Nguyễn Anh Trí nêu thực trạng.
Đề cập đến chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Đại biểu Quốc hội Nghệ An) nhìn nhận, đây là vấn đề cấp bách, bởi để phát triển khoa học, công nghệ mới thì nhân sự được xem như vấn đề cơ bản nhất.
Chẳng hạn, với ngành công nghệ thông tin, theo nghiên cứu của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, trong năm 2025 chúng ta thiếu 0.000 đến 200.000 nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt các lĩnh vực như: AI, Big data hoặc lập trình viên và bảo mật an ninh mạng. Để có đủ số lượng này, chúng ta phải có các chuyên gia quốc tế dày kinh nghiệm đào tạo nhân sự trong nước và những nhân sự người nước ngoài đến Việt Nam làm việc.
Vì vậy, ông Hoàng Minh Hiếu đề xuất, cần có chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu có thể tuyển dụng chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài cũng như chuyên gia quốc tế tham gia đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài Việt Nam ở trong nước thông qua các chính sách.
“Chẳng hạn, hỗ trợ về thị thực, miễn giảm thuế và các chính sách khác để họ có thể tham gia làm việc và đào tạo nhân lực một cách ổn định, lâu dài tại Việt Nam. Những chính sách này cần kịp thời, bởi các nước trong khu vực đều có chính sách cạnh tranh trong thu hút nhân lực chất lượng cao”, ông Hoàng Minh Hiếu trăn trở.
Dẫn thực tế, đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An cho hay, Thái Lan đã ban hành chính sách “visa vàng” trong năm 20. Indonesia cũng dự kiến ban hành chính sách này trong năm 2025.
Tại Việt Nam, đây là một trong những giải pháp được đề cập trong Đề án phát triển kinh tế nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 8% được Chính phủ trình Quốc hội. Vì vậy, cần nghiên cứu thực hiện ngay trong năm 2025 để kịp thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phấn đấu để Việt Nam trở thành điểm đến của các tri thức công nghệ tiên tiến.
Các nghị quyết của Đảng đều khẳng định, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ là đầu tư cho sự phát triển của đất nước.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần có những chính sách chi tiết, cụ thể để hướng dẫn cho bộ, ngành và địa phương. Mệnh đề của Nghị quyết 57 là lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; trong đó chuyển đổi số quốc gia là lĩnh vực mang tính thời sự nhất vì liên quan đến nhiều lĩnh vực như: Số hóa, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Do đó, cần bổ sung đầy đủ các chính sách nhằm sớm đưa Nghị quyết 57 vào cuộc sống.
Khi thảo luận ở tổ tại Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, không chỉ là cơ chế đặc thù, chúng ta cần bổ sung cơ chế đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, “điểm nghẽn” trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Muốn vậy, cần cơ chế đặc biệt cho phát triển kết cấu hạ tầng, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... Theo Thủ tướng, hạ tầng của chúng ta còn yếu, trong khi nguồn lực lại có nhu cầu lớn. Vì vậy, cần có cơ chế để huy động nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp, người dân... để phát triển hạ tầng.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế đặc biệt cho quản lý. Chẳng hạn như đầu tư công nhưng quản lý tư. Có thể đầu tư hạ tầng khoa học công nghệ của Nhà nước, nhưng giao cho tư nhân quản lý. Ngoài ra, cần cơ chế đặc biệt cho các nhà khoa học, công trình khoa học để có thể thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Cụ thể, là các thủ tục, phân cấp, phân quyền cho tỉnh, thành, bộ ngành; xóa bỏ cơ chế xin - cho; giảm thủ tục hành chính; quản lý hiệu quả tổng thể.
Nhấn mạnh cơ chế thu hút nguồn nhân lực, Thủ tướng gợi mở, không chỉ thu hút người làm ở khu vực ngoài vào làm việc trong khu vực Nhà nước, mà cần thu hút để phát triển doanh nghiệp tư nhân, thu hút nguồn nhân lực từ bên ngoài về Việt Nam để góp phần thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phải tạo cơ chế thu hút bằng chính sách thuế, phí, lệ phí, nhà cửa, đất đai, visa, hợp đồng lao động...
Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 193/2025/QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 193). Nghị quyết quy định về thành lập, điều hành doanh nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Nghị quyết 193 cũng quy định một số chính sách như: Cấp kinh phí nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo cơ chế quỹ; khoán chi trong thực hiện nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; quyền sở hữu, quản lý, sử dụng đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trang bị để thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ; thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ưu đãi thuế cho doanh nghiệp và cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ...
Về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Nghị quyết 193 quy định: Tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự khi gây ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước khi đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan trong quá trình triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Nghị quyết cũng quy định, tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước trong quá trình triển khai đã thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, quy trình và nội dung nghiên cứu đã được thuyết minh nhưng không đi đến kết quả như dự kiến thì không phải hoàn trả lại kinh phí đã sử dụng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, không thể để tình trạng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài vào Việt Nam nhưng lại phải chờ visa. Khi đã có cơ chế đặc biệt, phải thiết kế được công cụ để quản lý, không để xảy ra vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đây là những vấn đề cần quán triệt rõ.