Kinh tế

Cà Mau: Nông dân điêu đứng vì cua chết hàng loạt

Thành Nhớ - Phúc Khang 06/04/2023 :09

Với diện tích khoảng 20.500ha nuôi cua kết hợp trong vuông tôm, huyện Năm Căn được xem là “thủ phủ” của nghề nuôi cua ở Cà Mau. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nông dân nuôi cua trên địa bàn huyện này đang rất lo lắng, đối mặt với nhiều rủi ro bởi cua bất ngờ chết hàng loạt.

cua-cm.jpg
Cua chết hàng loạt khiến nhiều hộ nông dân lo lắng

Ngày 6/4, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Năm Căn (Cà Mau) cho biết, thời gian gần đây trên địa bàn huyện đã xảy ra tình trạng cua nuôi chết hàng loạt, mức độ thiệt hại ngày càng gia tăng.

Theo ngành nông nghiệp huyện, tình hình cua nuôi xuất hiện dấu hiệu bệnh, chết rải rác từ cuối năm 2022. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ đầu tháng 3/2023 đến nay, tình hình cua chết diễn ra ngày càng phức tạp ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện.

Ngành chuyên môn nhận định nguyên nhân ban đầu là do nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ kết hợp với nắng dẫn đến cua chết hàng loạt.

Ông Trần Công Hận (49 tuổi, ngụ huyện Năm Căn) cho biết, gia đình có gần 2ha đất nuôi cua kết hợp tôm, khoảng 1 tháng trở lại đây thì xuất hiện cua chết rất nhiều. Hiện gia đình rất mong chính quyền địa phương, các nhà chuyên môn sớm tìm ra giải pháp khắc phục để các hộ nông dân trong huyện yên tâm sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Minh (56 tuổi, ngụ huyện Năm Căn) cho hay, thời điểm này cua biển được thương lái thu mua với giá rất cao nhưng cua sau khi bắt lên lại chết, không bán được khiến người nuôi thiệt hại.

Ông Nguyễn Nghi Lễ, Trưởng Trạm khuyến nông huyện Năm Căn cho biết, huyện đang phối hợp các ngành chức năng rà soát, lấy mẫu xét nghiệm, tìm nguyên nhân, đồng thời tiếp tục chỉ đạo cán bộ kỹ thuật các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến cáo người dân áp dụng thực hiện các biện pháp phòng bệnh trên cua của ngành chuyên môn, cũng như tiếp tục thống kê, rà soát và theo dõi sát tình hình để báo cáo kịp thời.

Ngành chức năng đã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện một số biện pháp tạm thời để hạn chế thiệt hại như: Khẩn trương thu hoạch số cua còn lại; Không thả con giống mới khi chưa cải tạo vuông nuôi; Tăng cường men vi sinh, ổn định môi trường, chủ động nuôi con giống ở khu vực riêng để nối vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
C Mau: Nng dân điêu đứng vì cua chết hng loạt