So với mọi năm, sốt xuất huyết tại Hà Nội được ghi nhận xuất hiện sớm hơn. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Hà Nội đã ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng 5,7 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, Thủ đô đã ghi nhận thêm 762 ca sốt xuất huyết mới (tăng 121 ca so với tuần trước đó). Các ca bệnh được phát hiện tại 29 quận, huyện, thị xã.
Thanh Trì là địa bàn ghi nhận nhiều ca sốt xuất huyết mới nhất với 160 ca.
Cũng trong tuần qua, có tổng cộng 59 ổ dịch sốt xuất huyết mới được phát hiện trên địa bàn quận, huyện, thị xã. Trong đó, chỉ tính riêng Hoài Đức đã ghi nhận thêm 10 ổ dịch mới.
Cộng dồn từ đầu năm, Hà Nội đã phát hiện 3.512 ca sốt xuất huyết. Con số này tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Các bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 440/579 xã, phường, thị trấn.
Hà Nội cũng đã phát hiện tổng cộng 255 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 114 ổ dịch đang hoạt động tại 25 quận, huyện, thị xã.
Một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (3 bệnh nhân), thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì (188 bệnh nhân), xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (1 bệnh nhân)…
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tập trung thành lập ngay đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, giám sát, hỗ trợ TP Hà Nội về chuyên môn kỹ thuật phòng, chống sốt xuất huyết.
Đồng thời, phân tích, đánh giá tình hình, nguyên nhân gia tăng sốt xuất huyết tại Hà Nội và chủ động tham mưu Bộ Y tế trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài.
Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hướng dẫn địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, bảo đảm phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng.
Mặt khác, tổ chức xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng/bọ gậy, xử lý ổ dịch cho cán bộ y tế dự phòng thuộc khu vực phụ trách.