Sáng 18/01, Tổng thư ký Quốc hội- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì cuộc họp báo về kết quả kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV.
Thông tin thêm về quy định mới của Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về việc xem xét cấp giấy chứng nhận cho những trường hợp không có giấy tờ, không vi phạm pháp luật về đất đai đến trước ngày 01/07/2014, ông Phan Đức Hiếu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, tại điều 138 của Luật Đất đai sửa đổi đã quy định: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đến trước ngày 01/07/2014.
Theo ông Hiếu, Luật chỉ quy định một số nguyên tắc cơ bản và sau đó sẽ giao cho Chính phủ quy định chi tiết “trường hợp nào, thời điểm nào, hồ sơ, giấy tờ ra sao, điều kiện cấp ra sao”. Vì “thực tiễn rất đa dạng”.
Theo ông Hiếu, ở lần chỉnh sửa này, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định rõ 3 mốc thời điểm công nhận quyền sử dụng đất với đất không giấy tờ, đang được cá nhân, hộ gia đình sử dụng ổn định.
Mốc 1, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18/12/1980, được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Mốc 2 là hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày /10/1993, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Mốc 3 là hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày /10/1993 đến trước ngày 01/07/2014, được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là không có tranh chấp thì diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Không có lý do gì để không thông qua
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Bùi Văn Cường, kỳ họp bất thường và kỳ họp thường kỳ có giá trị pháp lý như nhau. Những vấn đề đã chín, đã rõ và được sự đồng thuận thì “không có lý do gì không thông qua”.
“Nếu để lại Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đến kỳ họp thứ 7 mới thông qua sẽ làm chậm sự phát triển, đặc biệt là quản trị quốc gia liên quan đến lĩnh vực này. Khi ban hành Luật còn cần có thời gian để các cơ quan chuẩn bị các Nghị định, bảo đảm khi có hiệu lực, Luật sẽ được thực hiện ngay...", ông Cường nói.
Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Quá trình tiếp thu, chỉnh lý cũng rất thuyết phục, tỷ lệ bỏ phiếu tán thành đối với 2 dự thảo Luật "đã phản ánh rất đúng độ khó cũng như tinh thần làm việc rất kỹ lưỡng, rất thận trọng".