Theo phản ánh của nhiều người dân sinh sống dọc theo khu vực phố Chùa Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội), từ lâu đã diễn ra tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhiều xe máy, ô tô dừng đỗ ngay dưới lòng đường và vỉa hè của tuyến phố.
Dọc khu vực tuyến phố Chùa Hà và xung quanh tuyến phố này theo quan sát của PV Báo Công lý, tình trạng xe máy, ô tô dừng đỗ, lấn chiếm lòng đường xảy ra phổ biến.
“Các cửa hàng bày bán xe máy tràn xuống lòng đường và trên vỉa hè như một sự bình thường lâu nay. Tôi đi qua thường xuyên bị người buôn bán, kinh doanh xe máy chèo kéo rất bất tiện. Xe máy của họ bày bán trong cửa hàng không nói làm gì , mà họ lại bày hết cả ra vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông”, bà H.T.T (Cư dân sinh sống tại phường Dịch Vọng) chia sẻ.
“Quan điểm của tôi là dừng, đỗ xe máy hay ô tô đều phải đúng quy định. Đường là của chung, không phải của cá nhân, các hộ kinh doanh hay bất kì ai cũng không được phép chiếm dụng. Mấy ô tô dừng, đỗ ở đây từ lâu chiếm hết cả đường của các phương tiện khác”, anh N.T.V (Cư dân sinh sống tại đường Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.
Buôn bán trên vỉa hè lòng đường, gây ảnh hưởng và cản trở đến người dân; giao thông hay các hoạt động bình thường khác đều bị coi là hành vi lấn chiếm lòng, lề đường.
Khi chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ được Hà Nội phát động, nhiều người dân cho rằng, cùng với việc dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, Hà Nội cũng nên bỏ cấp phép đỗ xe tại hàng trăm vị trí trên các tuyến phố, để vỉa hè trở lại đúng nghĩa của nó, phục vụ cho người đi bộ, tạo mỹ quan đô thị.
Hè phố là để dành cho người đi bộ, không nên trở thành nơi đỗ ô tô. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có một loạt quy định về việc này. Cụ thể tại Khoản 3, Điều 8 quy định rõ "nghiêm cấm sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép".
Khoản 1, Điều 32 về "Người đi bộ" quy định "người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường. Trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường". Ngoài ra, Khoản 2, Điều 19 về "Dừng xe, đỗ xe trên đường phố" quy định "không được để phương tiện giao thông ở hè phố trái quy định".
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng quy định rõ: Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô "đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật; đỗ xe nơi có biển "cấm đỗ xe" hoặc biển "cấm dừng xe và đỗ xe".
Bên cạnh đó, Khoản 1, khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về mức phạt hành chính đối với các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường như sau:
-Đối với hành vi buôn bán lấn chiếm vỉa hè có thể phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức.
-Đối với hành vi lấn sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông chiếm lòng lề đường có thể phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức.
-Ngoài ra, trong quá trình buôn bán nếu đổ rác ra đường bộ không đúng nơi quy định thì cá nhân có thể bị phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng, tổ chức bị phạt từ 02 - 04 triệu đồng.
-Nếu chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố làm nơi trông, giữ xe thì bị phạt tiền như sau:
-Chiếm dụng từ 05 m2 đến dưới 10 m2: Phạt từ 04 - 06 triệu đồng đối với cá nhân, 08 - 12 triệu đồng với tổ chức.
-Chiếm dụng từ 10 m2 đến dưới 20 m2: Phạt từ 06 - 08 triệu đồng đối với cá nhân, 12 - 16 triệu đồng với tổ chức.
-Chiếm dụng từ trên 20m2: Phạt từ 10 - triệu đồng đối với cá nhân, 20 - 30 triệu đồng với tổ chức.
-Ngoài việc bị áp dụng hình thức phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả tùy vào từng hành vi cụ thể.