Các cô gái Việt Nam đã hoàn tất vòng loại giải bóng đá nữ châu Á 2026 bằng ngôi đầu bảng E sau 3 trận toàn thắng, không có sự tham gia của cầu thủ nhập tịch. Nhưng các đối thủ thì khác, điều này khiến người hâm mộ đặt vấn đề bóng đá nữ có nên thay đổi chính sách?
Nâng cao chất lượng bằng yếu tố ngoại
Vòng loại giải bóng đá nữ châu Á 2026 đang diễn ra chứng kiến sự thay đổi đáng kể của một số đội bóng Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia, Philippines và Thái Lan. Đây là những đội có sử dụng nhiều cầu thủ nhập tịch.
Việc một số đội bóng trong khu vực sử dụng cầu thủ có yếu tố nước ngoài không còn là điều mới mẻ. Đội tuyển nữ Philippines là minh chứng điển hình cho sự thành công trong khai thác nguồn lực cầu thủ gốc Philippines đang sinh sống ở nước ngoài. Với đội hình nòng cốt là các cầu thủ gốc Philippines được đào tạo tại Mỹ và châu Âu, họ đã liên tiếp tạo nên dấu ấn lịch sử, đỉnh điểm là chiến thắng 1-0 trước chủ nhà New Zealand tại World Cup nữ 2023 và chức vô địch Đông Nam Á 2022 - trong đó có trận thắng đội tuyển Việt Nam 4-0.
Theo HLV Mai Đức Chung, hiện Campuchia, Lào và Malaysia đang tăng cường thu hút tài năng bóng đá từ nước ngoài, cho thấy sự cạnh tranh về thành tích của bóng đá nữ Đông Nam Á sẽ rất gay gắt. Bởi thế, xu hướng đội tuyển nữ Việt Nam bổ sung cầu thủ Việt kiều là tất yếu. Việc đội tuyển Việt Nam bị loại sớm ở vòng bảng World Cup 2023 và bộc lộ rõ hạn chế về thể lực, sức bền, tốc độ càng cho thấy sự cần thiết của việc tăng cường lực lượng từ nguồn bên ngoài. Và việc bổ sung cầu thủ gốc Việt được xem là lời giải cần thiết cho bài toán nâng tầm đội tuyển.
Nguồn lực nhiều nhưng cần chiến lược hợp lý
Theo chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú, nguồn lực cầu thủ gốc Việt đang sinh sống ở nước ngoài không phải là quá nhiều, nhưng vẫn là hướng đi cần được khai thác một cách hiệu quả. Bên cạnh nỗ lực của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, chính các CLB trong nước cũng cần tham gia mạnh mẽ hơn vào việc tìm kiếm nguồn lực cầu thủ gốc Việt đang sinh sống ở nước ngoài.
Hiện tại, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã tạo điều kiện cho các CLB Việt Nam sử dụng cầu thủ gốc Việt thi đấu tại các giải quốc nội. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng khẳng định rằng, muốn nâng tầm đội tuyển bóng đá nữ cũng như các đội tuyển bóng đá nam khác, bên cạnh mở rộng nguồn lực tuyển chọn, vẫn phải chú trọng vào hệ thống đào tạo trẻ, tạo ra các giải đấu giàu sức cạnh tranh. Trong nhiều năm qua, việc chỉ có 6 - 7 đơn vị phát triển bóng đá nữ là một hạn chế lớn đối với sự phát triển của bóng đá nữ nước nhà.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn, bóng đá Việt Nam đang kiên trì với định hướng phát triển nội lực. Muốn đội tuyển mạnh thì giải trong nước phải đủ chất lượng để nuôi dưỡng tài năng. Cùng với đó, các giải đấu giao hữu quốc tế, những chương trình quảng bá, truyền thông cho giải bóng đá nữ cũng cần được thực hiện một cách bài bản, tạo sân chơi hấp dẫn và động lực cho sự phát triển bền vững của bóng đá Việt Nam.
HLV Mai Đức Chung, người trực tiếp theo dõi và từng làm việc với các cầu thủ gốc Việt, khẳng định: “Đội tuyển nữ Việt Nam luôn chào đón các cầu thủ gốc Việt về nước cống hiến tài năng. Chúng tôi mong đón họ về nước thi đấu, khẳng định bản thân. Khi các cầu thủ này có quốc tịch Việt Nam, họ sẽ được gọi lên tuyển để kiểm chứng năng lực”.
Trong bóng đá hiện đại, tính đa dạng ngày càng trở nên quan trọng. Việc chủ động thu hút các cầu thủ gốc Việt được xem là hướng đi quan trọng để nâng cao chất lượng đội tuyển nữ Việt Nam.