Chính trị

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Xây dựng luật theo hướng có lợi nhất cho người chưa thành niên

Duy Tuấn 21/06/20 13:11

Trưa 21/6, trước khi kết thúc phiên thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Mở đầu phần giải trình, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình- Trưởng ban soạn thảo dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN) cảm ơn các góp ý của đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thiện dự án Luật.

ca11(1).jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

"Điều này thể hiện trách nhiệm của Quốc hội với trẻ em. Các đại biểu Quốc hội đã đánh giá tốt về quá trình xây dựng luật, sự cần thiết ban hành. Đặc biệt, những vấn đề đổi mới, mang tính đột phá trong dự thảo đều được các đại biểu quan tâm với mong muốn để hoàn thiện"- Chánh án nói.

Đánh giá cao việc các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu kỹ lưỡng dự thảo Luật, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ, tối đa, toàn diện các ý kiến nhằm xây dựng luật một cách tốt nhất.

Xử lý chuyển hướng đề cao sự tự nguyện của NCTN

Chánh án cho biết, việc xử lý chuyển hướng trong dự thảo Luật có nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn, đề nghị mở rộng độ tuổi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng với người từ 12-14 tuổi.

Tuy nhiên Chánh án thông tin, theo Bộ luật Hình sự hiện hành, người dưới 14 tuổi phạm tội không chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, độ tuổi được tính toán theo nguyên tắc có lợi nhất cho NCTN.

ca.jpeg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình.

Về điều kiện áp dụng, dự thảo Luật quy định điều kiện "phải tự nguyện". Mục tiêu của xử lý chuyển hướng là các cháu phải tự nguyện và thấy được thiếu sót của mình để thành tâm sửa chữa.

Theo Chánh án, điều kiện tự nguyện là bắt buộc, còn nếu các cháu đứng trước 2 lựa chọn khi đã bị tình nghi phạm tội, hoặc đồng ý chuyển hướng, hoặc đồng ý điều tra, truy tố, xét xử.

"Luật cho các cháu lựa chọn, nhưng tôi tin cả phụ huynh và các cháu đều lựa chọn biện pháp xử lý chuyển hướng. Nếu không tự nguyện sửa chữa theo cơ hội mà xã hội và luật pháp đưa ra, sẽ kích hoạt quy trình tố tụng về điều tra, truy tố, xét xử"- Chánh án nói.

Tương tự như vậy, về quy định hình phạt tiền, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, luật pháp không đặt nặng câu chuyện tiền bạc.

"Đối với các cháu có thừa kế, tài sản, việc đồng ý nộp tiền chính là việc thành tâm khắc phục hậu quả. Đây là điều chúng ta cần, chứ không nặng nề phải là 50 hay 100% số tiền khắc phục. Các cháu tự nguyện khắc phục và nộp tiền vi phạm đã thể hiện trách nhiệm sửa chữa lỗi lầm".

Xử lý nhân văn, không làm tổn thương

Về quy định cấm đến địa điểm có nguy cơ tiếp xúc với người phạm tội mới, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ sẽ cấm như thế nào? Theo khung giờ ra sao?

Chánh án cho biết, việc cấm này sẽ phụ thuộc vào vi phạm của NCTN. "Nếu các cháu hay ăn cắp ở siêu thị, sẽ cấm đến siêu thị. Nếu xâm hại tình dục trẻ em thì cấm đến nơi tập trung trẻ em. Vi phạm về ma túy sẽ cấm đến các địa điểm phức tạp về ma túy. ...điều này phụ thuộc vào hành vi của NCTN."

ca2.jpeg
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ, tối đa, toàn diện các ý kiến nhằm xây dựng luật một cách tốt nhất.

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị lấy ý kiến của người bị hại trong áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Về nội dung này, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, hiện xu thế xử lý chuyển hướng hạn chế việc tiếp xúc giữa nạn nhân và thủ phạm. Nếu tiếp xúc, nạn nhân có thể tiếp tục bị tổn thương.

Ngoài ra, trong luật cũng dành cho nạn nhân, bị hại quyền khiếu nại khi thấy xử lý chuyển hướng chưa phù hợp. Hoặc đề nghị thay đổi biện pháp cho phù hợp.

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, luật hiện hành đang giao cho 3 cơ quan điều tra, truy tố, xét xử có thẩm quyền áp dụng. Ban soạn đang thiết kế 2 phương án xin ý kiến Quốc hội.

Tuy nhiên, Chánh án thông tin, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc khuyến cáo áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng theo hướng nhẹ nhàng và không bị ra Tòa thì phân chia theo giai đoạn tố tụng. Ví dụ khi cần bồi thường, xin lỗi, chỉ cần ý kiến của cơ quan điều tra, không cần thiết phải ra Tòa và chờ vụ án kết thúc.

Ban soạn thảo cũng thống nhất ý kiến như khuyến cáo của Liên Hợp Quốc về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng ở từng giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.

Về tên gọi của dự thảo là Luật Tư pháp người chưa thành niên, Chánh án cho rằng, tên gọi này phù hợp với luật khung của Liên Hợp Quốc. Tất cả các nước có Luật Tư pháp người chưa thành niên đều lựa chọn.

Liên quan đến những ý kiến về việc tách án, Chánh án chỉ rõ, nếu không tách án sẽ vi phạm một loạt nguyên tắc nhân văn đã quy định trong dự thảo Luật. Cụ thể, các nguyên tắc gồm: thời gian tố tụng NCTN chỉ bằng 1/2 người lớn; điều tra, truy tố, xét xử trong môi trường thân thiện; cán bộ tố tụng được đào tạo...

Nhiều đại biểu băn khoăn về việc NCTN có thể phải ra Tòa lần 2 với tư cách là người làm chứng. Theo Chánh án, nhân chứng không phải lúc nào cũng ra Tòa. Ngoài ra, việc thẩm định công khai tại phiên tòa cũng được giải quyết theo hướng, "các cháu đã ra Tòa rồi và toàn bộ bản án trước đó được mặc nhiên coi là tài liệu đã được thẩm tra".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án Nguyễn Ha Bình: Xây dựng luật theo hướng c lợi nhất cho người chưa thnh niên