Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đã thể hiện tinh thần đủ nghiêm khắc để đảm bảo an toàn trước cộng đồng nhưng cũng nhân văn mở ra con đường cho các cháu nhận ra sai lầm, tự sửa chữa và tái hòa nhập cộng đồng...
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 21/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN).
Không lấy tư pháp của người lớn để xây dựng cho trẻ em
Cho ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn), tán thành với sự cần thiết ban hành luật Tư pháp NCTN.
"Tôi đánh giá rất cao dự thảo. Dự thảo đã thể hiện tinh thần đủ nghiêm khắc để đảm bảo an toàn trước cộng đồng nhưng cũng nhân văn mở ra con đường cho các cháu nhận ra sai lầm, tự sửa chữa và tái hoà nhập cộng đồng" - đại biểu Thủy nhận xét.
Đi vào vấn đề cụ thể, đại biểu tán thành với việc ban hành một đạo luật toàn diện, cụ thể về tư pháp NCTN với phạm vi bao gồm cả hình phạt và tố tụng hình sự.
Đại biểu Thuỷ bổ sung 3 lý do cần ban hành Luật Tư pháp NCTN.
Thứ nhất, xuất phát từ đặc điểm NCTN, là người chưa trưởng thành về mọi mặt. Bà Thủy cho rằng, có một tỷ lệ lớn NCTN có hoàn cảnh éo le, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi lệch chuẩn.
Dẫn việc tháng 3 vừa qua, Ủy ban Tư pháp khảo sát tại 3 trường giáo dưỡng cả nước. "Tại đây, điều làm chúng tôi day dứt nhất là hoàn cảnh gia đình các cháu. Số lượng các cháu có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như bố mẹ ly hôn, phạm tội, mồi côi... chiếm tỉ lệ rất lớn. Tại Đà Nẵng là 42%, Đồng Nai 64%, nhiều cháu 16-17 tuổi nhưng học cả tuần chưa viết nổi họ tên. Nhiều cháu vào trường hơn 9 tháng nhưng không có người thân đến thăm. Nếu không mồ côi cha mẹ, không gặp hoàn cảnh khó khăn sẽ không gặp phải sai lầm".
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, những đặc điểm đó đòi hỏi nhà nước khi thiết kế chính sách phải tính toán đầy đủ đặc điểm NCTN, cũng như cân nhắc toàn diện các nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến điều kiện phạm tội. Từ đó có chính sách phù hợp.
Thứ hai, xuất phát từ thực trạng pháp luật hiện hành, đang thiếu cách tiếp cận toàn diện, chuyên biệt về tư pháp NCTN.
"Đang có tư tưởng lấy tư pháp của người lớn để xây dựng cho trẻ em. Rồi sau đó điều chỉnh một chút, giảm nhẹ một chút. Trong khi trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Đặc biệt là trong khía cạnh tư pháp" - đại biểu Thủy phân tích.
Đại biểu nêu thêm, năm 20, khi Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự với sự ra đời của 3 biện pháp chuyển hướng bao gồm: Khiển trách, hòa giải và giáo dục tại cộng đồng để nhằm xử lý chuyển hướng và sớm kết thúc quá trình truy cứu hình sự.
Khi đó, các cơ quan tố tụng hy vọng nhiều cháu được áp dụng biện pháp nhân văn này. Tuy nhiên, qua 6 năm thì hành luật, chỉ có 35 cháu được áp dụng biện pháp chuyển hướng. Trung bình mỗi năm chỉ có 6 cháu được áp dụng biện pháp chuyển hướng.
"Chia sẻ với chúng tôi, các cán bộ tố tụng cho biết không phải các cháu không đủ điều kiện áp dụng mà bởi vì pháp luật hiện hành, trong một biện pháp chuyển hướng có quá nhiều biện pháp cụ thể, kèm theo quá nhiều điều kiện, dẫn đến các cháu và gia đình xin không áp dụng biện pháp chuyển hướng" - bà Thủy thông tin.
Thứ ba, đại biểu cho rằng, hình phạt và tố tụng hình sự là hai vấn đề chính yếu của tư pháp hình sự. Nếu ban hành Luật Tư pháp NCTN mà không điều chỉnh hai vấn đề này thì NCTN không được hưởng chính sách nhân văn từ luật này.
Vì sao phải tách án hình sự với NCTN phạm tội?
Tranh luận thêm với các đại biểu Quốc hội về tách án hình sự với NCTN phạm tội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, điều này phù hợp với các chính sách mới được quy định trong luật này.
Theo đại biểu, dự thảo Luật bổ sung quy định rút ngắn thời hạn tố tụng. Luật hiện hành đang quy định thời hạn tố tụng của người lớn bằng trẻ em. Tuy nhiên, dự thảo Luật đã đáp ứng yêu cầu công ước quốc tế về thời hạn tố tụng, trong đó quy định: "Thời hạn tố tụng của trẻ em bằng một nửa so với người lớn".
Ngoài ra, về quy định xử lý chuyển hướng, luật hiện hành không cho phép được trừ thời gian áp dụng biện pháp này vào thời gian giải quyết vụ án. Điều này áp lực và e ngại cho cán bộ giải quyết án. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật cho phép trừ thời gian áp dụng biện pháp chuyển hướng vào thời gian giải quyết vụ án.
"Trường hợp này, nếu không quy định tách vụ án với NCTN dẫn đến thời hạn giải quyết tố tụng với người lớn đã hết, nhưng hời hạn giải quyết trẻ em vẫn còn. Trong khi chưa kết thúc vụ án" - đại biểu nêu bất cập.
Trước tình thế này, dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc mới là "mọi thông tin NCTN được bảo mật trong toàn bộ quá trình giải quyết án". Nếu gộp vụ án có cả NCTN và người lớn sẽ dẫn đến việc phải thông tin đầy đủ 2 đối tượng trong cáo trạng và kết luận điều tra, bản án về diễn biến hành vi phạm tội, nhân thân của họ. Điều này dẫn đến vi phạm nguyên tắc vừa bổ sung trên.
Ngoài ra, nếu gộp vụ án có cả NCTN và người lớn, "trẻ em sẽ tiếp cận với đầy đủ mưu mô, thủ đoạn, hành vi phạm tội của người lớn phạm tội".
Điều này sẽ không vì lợi ích tốt nhất cho NCTN cũng như yêu cầu về giáo dục, đào tạo nhân sách để tái hòa nhập cộng đồng. Do vậy, đại biểu tán thành với quy định tách tách án hình sự với NCTN phạm tội nhằm đáp ứng những quy định tiến bộ, nhân văn của dự thảo Luật.