Qua nghiên cứu dự thảo về việc xét xử trực tuyến v Tờ trình số 185 của TAND đề nghị Quốc hội xem xét ban hnh “Nghị quyết về tổ chức phiên ta trực tuyến”…, ng Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP H Nội, đại biểu Quốc hội kha XV cho biết: “Ti hon ton nhất trí v đề nghị Quốc hội ban hnh Nghị quyết về tổ chức phiên ta trực tuyến”.
Theo ông Chính, thứ nhất, việc tổ chức xét xử trực tuyến là phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Hiện nay, trên thế giới, các nước phát triển như Anh, Nhật Bản, Úc… đã triển khai và thành công trong việc áp dụng mô hình xét xử trực tuyến. Gần đây tại Mỹ, Hàn Quốc đã tổ chức nhiều phiên tòa xét xử trực tuyến để tránh lây nhiễm Covid-19.
Ở Trung Quốc, mô hình Tòa án trực tuyến thành lập đầu tiên tại thành phố Hàng Châu vào tháng 8/2017, sau đó Tòa án tương tự đã được thành lập ở Bắc Kinh và Quảng Châu vào tháng 9/2018. Đến nay, các Tòa án trực tuyến ở Hàng Châu, Bắc Kinh và Quảng Châu đã tiếp nhận gần 120.000 vụ án.
Tại khu vực Đông Nam Á, đa số Tòa án các nước khu vực ASEAN đều đã tổ chức xét xử trực tuyến (chỉ còn Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar chưa thực hiện).
Qua kinh nghiệm của các nước, thể hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án mang lại rất nhiều tiện ích, như: Tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia tố tụng đến địa điểm thuận tiện nhất để tham gia phiên tòa, giảm các thủ tục và chi phí không cần thiết cho người dân, đặc biệt là những đương sự ở các khu vực xa trung tâm hay khu vực nông thôn; giảm tình trạng hoãn phiên tòa do vắng mặt người tham gia tố tụng, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án.
Giảm bớt chi phí trong hoạt động xét xử của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tạo điều kiện cho người dân trong việc theo dõi phiên tòa xét xử mà không bị giới hạn số lượng như phòng xử án thông thường, nâng cao khả năng tiếp cận công lý của nhân dân.
Đối với Việt Nam, thời gian vừa qua Viện KSNDT cũng đã tham dự phiên điều trần trực tuyến của Tòa án Singapore yêu cầu tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản trong vụ án đánh bạc liên quan đến bị cáo Phan Sào Nam với số tiền hơn 2,7 triệu USD.
Thứ hai, việc xét xử trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm chi phí, hạn chế tình trạng hoãn phiên tòa, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, nâng cao chất lượng xét xử .
Theo Chánh án TAND TP Hà Nội, sự có mặt của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa là bắt buộc theo quy định của pháp luật và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, thực tiễn công tác xét xử trong thời gian vừa qua, nhiều vụ án do người tham gia tố tụng ở xa, không có điều kiện tham dự phiên tòa, việc đi lại mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí cho đương sự. Nhiều vụ án phải hoãn vì lý do vắng mặt người tham gia tố tụng, gây khó khăn cho công tác xét xử và ảnh hưởng đến thời hạn và tiến độ giải quyết các vụ án.
Đặc biệt, trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc thực hiện việc giãn cách, cách ly xã hội theo Chỉ thị số và Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, phần lớn các phiên tòa bị hoãn.
Theo số liệu thống kê thì trong năm 2020, TAND các cấp thụ lý 602.252 vụ việc, giải quyết 544.604 vụ việc, nhưng đến năm 2021, do dịch Covid-19, các Tòa án chỉ thụ lý 537.577 vụ việc và giải quyết 436.660 vụ việc (giảm 107.944 vụ việc so với năm 2020), nên giải pháp căn cơ là chỉ có thông qua việc triển khai xét xử trực tuyến mới có thể đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, nâng cao tỷ lệ giải quyết án và chất lượng xét xử, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị hiện nay.
Thứ ba, về mặt pháp lý, hiện nay, vẫn còn một số ý kiến cho rằng việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là vi phạm nguyên tắc xét xử trực tiếp được quy định tại Điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự và các quy định khác của pháp luật.
Theo ông Nguyễn Hữu Chính, nhận thức như vậy là chưa chính xác, bởi: Phiên tòa xét xử trực tuyến là phiên tòa được tổ chức thông qua các thiết bị điện tử, liên kết với nhau qua mạng internet, cho phép người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng không nhất thiết phải có mặt tại một phòng xử án, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp được theo dõi và thể hiện quan điểm của mình về vụ án.
Thông qua các phương tiện truyền âm thanh và hình ảnh, Hội đồng xét xử trực tiếp điều hành phiên tòa; các bị cáo, bị hại, đương sự trực tiếp trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử, trình bày các tình tiết liên quan đến vụ án; được nghe và trả lời các câu hỏi của luật sư, được tranh luận và đưa ra ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Điều đó cũng có nghĩa rằng quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, đương sự và người tham gia tố tụng khác được đảm bảo như phiên tòa thông thường.
Cũng theo Chánh án Nguyễn Hữu Chính, xét xử trực tuyến hoàn toàn phù hợp nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói được quy định tại Điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự và các quy định khác của pháp luật.
Từ những lý do trên, Chánh án TAND TP Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa XV Nguyễn Hữu Chính cho rằng việc tổ chức xét xử trực tuyến là nhu cầu cấp bách hiện nay và mang tính chiến lược lâu dài, phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại, đây chính là cụ thể hóa quy định tại khoản 2 Điều 31 Hiến pháp năm 2013: “Người bị buộc tội phải được xét xử kịp thời trong thời hạn luật định”, thực hiện chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn hiện nay. Do đó, Chánh án Nguyễn Hữu Chính đã đề nghị Quốc hội xem xét và sớm ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.