Những năm cuối của thập niên 1970, mặc dù đất nước có nhiều khó khăn về kinh tế do thiên tai, chiến tranh ở biên giới phía Bắc và phía Tây Nam của Tổ quốc, song các Tòa án nhân dân đã cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các ngành các cấp phát huy những nhân tố tích cực, khắc phục khó khăn giành nhiều thắng lợi to lớn.
Tòa án các cấp đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp trong nội bộ nhân dân, các việc về hôn nhân và gia đình, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, tăng cường sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân trong phạm vi cả nước.
Cũng thời gian đó, liên tiếp xảy ra hai vụ bắt cóc con của Nghệ sĩ Kim Cương và con bác sĩ Nguyễn Lã Hỷ cũng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Bọn cướp đòi gia đình nạn nhân chuộc con với giá hàng chục, hàng trăm lượng vàng. Một số tổ chức chính trị phản động tung tin đã thực hiện các vụ bắt cóc này, khiến người dân hoang mang, lo lắng. Sau một thời gian tích cực truy xét, Công an đã tóm gọn các băng nhóm gây ra các vụ bắt cóc tống tiền nguy hiểm, truy tố trước pháp luật.
Cuối năm 1979, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa công khai xét xử băng nhóm cướp của, giết người, bắt cóc tống tiền, đã tuyên án tử hình tên cầm đầu băng cướp Nguyễn Thanh Tân và đồng phạm Nguyễn Văn Đức; các tên đồng phạm khác lãnh những mức án thích đáng. Phiên tòa của Tòa án đã làm rõ tính chất của vụ án (án hình sự, không phải là mục đích chính trị như tổ chức phản động tung tin mạo nhận để gây thanh thế).
Bên cạnh việc kịp thời đưa ra xét xử các vụ án liên quan đến an ninh, trật tự xã hội với những bản án nghiêm khắc đúng pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân các cấp đã kịp thời đưa ra xét xử nhiều vụ án phản cách mạng do các đối tượng trong nước câu kết với các tổ chức phản động ở ngoài nước, âm mưu phá hoại chế độ ta.
Giai đoạn này, các thế lực thù địch và bọn phản động ráo riết tiến hành “Chiến tranh phá hoại nhiều mặt”. Điển hình là hoạt động của tổ chức gián điệp, phản động mang tên “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Đây là vụ án gián điệp với quy mô lớn do lực lượng phản động ở nước ngoài cấu kết với phần tử phá hoại trong nước lớn nhất từ trước tới nay ở nước ta.
Từ ngày 14 đến 18/12/1984, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm vụ án Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Túy và đồng bọn phạm các tội “Phản quốc” và “Gián điệp”; Hội đồng xét xử đã tuyên nhiều bị cáo với mức án tử hình và chung thân. Bản án đã góp phần làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch nhằm gây mất ổn định chính trị, mưu toan lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Từ đây, cũng đã mở ra các hướng tấn công, bóc gỡ triệt phá, trừng trị nhiều tổ chức phản động và các đầu mối gián điệp cài lại ở trong nước hòng phá hoại chế độ.
Tháng 12/1987, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử "Vụ án Hoàng Cơ Minh cùng đồng bọn" với tội danh "Âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân", nguyên Chuẩn tướng, Phó đô đốc phụ tá hành quân, Tư lệnh vùng 2 Duyên hải của chính quyền Sài Gòn cũ, sau khi di tản sang Mỹ năm 1975, Hoàng Cơ Minh cùng một số tay chân đã tổ chức ra cái gọi là “Mặt trận Quốc gia giải phóng Việt Nam” và sau đó tiếp tục thành lập “Việt Nam canh tân cách mạng Đảng” (gọi tắt là Việt Tân).
Từ năm 1982-1983, Hoàng Cơ Minh đã bí mật chuyển về Việt Nam “Báo kháng chiến” và các loại tài liệu kích động chống đối chính phủ nhằm khuếch trương lực lượng ở nước ngoài, chuẩn bị cho các cuộc xâm nhập về nước thực hiện giai đoạn 3 trong kế hoạch của chúng. Tiếp theo đó, từ tháng 5/1985 đến 12/1986, Hoàng Cơ Minh phát động hai cuộc hành quân có tên gọi “Đông Tiến I” và “Đông Tiến II”, xuất phát từ các căn cứ ở biên giới Thái Lan vào đất Lào, Campuchia để về Việt Nam. Cả hai cuộc xâm nhập này đều bị lực lượng An ninh Việt Nam nắm được và phối hợp với lực lượng vũ trang Lào truy quét. Trong trận đánh cách biên giới Việt Nam 50 km, Hoàng Cơ Minh bị tiêu diệt cùng đám loạn quân.
Tháng 12/1987, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử "Vụ án Hoàng Cơ Minh cùng đồng bọn" với tội danh âm mưu và tổ chức lật đổ chính quyền và tuyên phạt: 01 án tử hình, 01 án chung thân, bị cáo bị tuyên án từ 3 đến 19 năm tù. Tại phiên tòa này, dù đã chết trước đó, Hoàng Cơ Minh vẫn bị Tòa án tuyên phạt tử hình vì tội "Âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân".
Các bản án nghiêm minh nêu trên đã vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá chế độ, phá hoại cuộc sống mới ở Nam Bộ của các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước; xóa sổ tổ chức Đảng Việt Tân phản động; củng cố lòng tin của nhân dân cả nước đối với chính quyền và chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
(Còn tiếp)
Thực hiện: Lâm Thanh - Nhật Minh - Thanh Trà