Cơ quan chức năng đã phát đi nhiều thông báo về việc thời gian vừa qua xuất hiện tình trạng rao bán tiền giả trên một số mạng xã hội, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người dân cần cảnh giác, khi phát hiện hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất.
Lừa đảo bán tiền giả trên mạng xã hội
Thời gian gần đây, nhiều đối tượng đăng tải các thông tin mua bán tiền giả trên mạng xã hội (Zalo, Facebook…) nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những người hám lợi.
Sau khi người mua liên hệ, các đối tượng sẽ đề nghị người mua thanh toán trước toàn bộ hoặc một phần tiền đặt cọc bằng phương thức thanh toán chuyển khoản ngân hàng hoặc nạp thẻ điện thoại. Sau khi người mua chuyển tiền, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền đã chuyển và khóa tài khoản mạng xã hội, cắt đứt liên lạc.
Để hạn chế tình trạng này, lực lượng Công an đã rà soát, đấu tranh quyết liệt với đối tượng đăng tin rao bán tiền giả hoặc các vi phạm khác có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Về phía Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật về công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng, đối với hành vi vi phạm về bảo vệ tiền Việt Nam.
Khoản 2 Điều 5 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 20 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định: “Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm”.
Vì vậy, lực lượng chức năng khuyến cáo trường hợp phát hiện các hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, người dân cần tố giác, báo tin về tội phạm theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Thế nào là tiền giả?
Khoản 2 Điều 2 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Chính phủ đưa ra khái niệm tiền giả như sau: "Tiền giả là những loại tiền được làm giống như tiền Việt Nam nhưng không phải Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức in, đúc, phát hành".
Trong khi đó, khái niệm tiền giả tại điểm 3 Mục I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có nội hàm rộng hơn, cụ thể tiền giả bao gồm:
"Tiền Việt Nam đồng giả và ngoại tệ giả; ngân phiếu giả, công trái giả bao gồm ngân phiếu, công trái giả ngân phiếu, công trái của Việt Nam hoặc của nước ngoài phát hành, nhưng có giá trị thanh toán tại Việt Nam".
Khái niệm tiền giả gần đây được quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 28/2013/TT-NHNN ngày 05/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước và gần như trùng với khái niệm tiền giả được quy định tại Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/06/2003.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 3 Thông tư số 28/2013/TT-NHNN còn quy định "Tiền giả loại mới là loại tiền giả chưa được Ngân hàng Nhà nước (hoặc Bộ Công an) thông báo bằng văn bản".
Như vậy, đây chính là các văn bản pháp luật quan trọng đưa ra khái niệm tiền giả và các văn bản còn hiệu lực pháp luật là cơ sở để cơ quan tố tụng áp dụng nhằm xử lý các hành vi "làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”.
Chế tài xử lý hành vi "làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”
Theo Luật sư Trịnh Thị Tuấn (Công ty Luật Năm Châu) phân tích: Người dân cần cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội. Đặc biệt là khi phát hiện hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng.
Người phạm tội ngoài phải chịu trách nhiệm hình sự ra thì còn có thể chịu mức xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng cho đến 100.000.000 đồng hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản theo Điều 207 Bộ luật Hình sự 20, sửa đổi bổ sung.
Căn cứ theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 20, tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả tùy thuộc theo từng trường hợp có thể bị xử lý như sau:
Người chuẩn bị phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả. Chuẩn bị phạm tội nghĩa là người phạm tội có thể đang trong giai đoạn chuẩn bị như tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện cần thiết để thực hiện tội phạm.
Cụ thể trong trường hợp này, người chuẩn bị phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả đang tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tội phạm như mua sắm trang thiết bị để làm ra tiền giả, chứ chưa có xuất hiện tiền giả trong thực tế.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 20, người chuẩn bị phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.
Người có hành vi làm tiền giả, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Theo quy định này, người làm ra tiền giả, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả chỉ cần đã có hành vi thực hiện các công việc trên, chưa xác định mức độ thiệt hại hay giá trị tiền giả là bao nhiêu đã bị xử lý vi phạm về hành vi này.
Ngoài ra, pháp luật không quy định độ tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả mà "người nào", tức là bất cứ ai có năng lực hành vi và đến một độ tuổi nhất định thực hiện việc làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả đều có thể là chủ thể của tội phạm này.
Người phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm. Việc tăng hình phạt có thể cho thấy mức độ nghiêm trọng của việc làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả đã cao hơn so với trường hợp đầu tiên.
Phạm tội trong trường hơp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên thì người làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.