Ngày 25/4, TAND huyện Thạch Thất, TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự về việc “tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chia thừa kế theo quy định của pháp luật”.
Tranh chấp đất khai hoang
Nguyên đơn trong vụ án là bà Đ.T.V, trú tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội; còn bị đơn là ông Đ.V.H, em chồng bà V..
Nội dung khởi kiện thể hiện: năm 1985, hai vợ chồng bà V. khai hoang một mảnh đất ở địa phương để xây dựng nhà cửa và phát triển kinh tế. Năm 1994, Nhà nước có chủ trương kê khai quyền sử dụng đất, bà V. đã kê khai gửi chính quyền địa phương.
Theo kết quả đo đạc, toàn bộ diện tích đất vợ chồng bà V khi đó đang sử dụng thuộc thửa đất số 6, khoảnh 5 tại xóm Trại Mới, xã Tiến Xuân, (nay thuộc thửa đất số 53, bản đồ năm 2014 có diện tích là 9.706,8m2 ).
Năm 2000, chồng bà V mất, một năm sau đó, bà V chuyển nhượng toàn bộ thửa đất trên cho ông N.V.Kh ở hoàng Mai, Hà Nội với giá 70.000.000 đồng. Khi mua bán chuyển nhượng có tới UBND xã Tiến Xuân làm thủ tục và được xác nhận vào Hợp đồng chuyển nhượng đất.
Tuy nhiên, sau khi nhận chuyển nhượng, ông Kh chưa có nhu cầu sử dụng nên tiếp tục cho gia đình bà V canh tác trên thửa đất.
Theo trình bày của nguyên đơn, năm 2004, ông Đ.V.H, đi bộ đội về tự ý ra canh tác và xây nhà trên đất để ở. Khi bà V đòi lại đất thì ông H cho rằng đó là đất của bố mẹ ông H cho ông.
Vì vậy, bà V. khởi kiện yêu cầu Tòa án công nhận thửa đất số 53 thuộc quyển sử dụng hợp pháp của bà, buộc ông H phải trả lại đất; chấp nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà và ông N.V.Kh và thực hiện phân chia di sản thừa kế theo đúng quy định của pháp luật.
Trong khi đó, bị đơn cho biết, nguồn gốc thửa đất số 53, diện tích gần 10.000m2 là của bố mẹ ông cho ông sử dụng mà không phải đất của vợ chồng bà V khai hoang.
Ông H cho rằng, khoảng năm 1988, bố mẹ ông cho vợ chồng bà V ở tạm một thời gian. Năm 2000, ông đi bộ đội về thì được bố mẹ cho sử dụng, vợ chồng ông đã xây nhà ở và các công trình trên đất và thực hiện các nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với Nhà nước.
Ông H khẳng định, việc bà V mua bán đất với ông Kh, ông và những người trong gia đình đều không biết. Bị đơn cung cấp giấy cho đất năm 1996 chứng minh việc bố mẹ ông cho ông diện tích đất trên, có ông Đ.V.T (anh trai cả ông H) lúc đó là Trưởng thôn xác nhận.
Nguyên đơn có dấu hiệu kê khai không khách quan?
Tại phiên tòa, nguyên đơn giữ nguyên các nội dung khởi kiện, còn phía bị đơn khẳng định từ năm 1985 đến nay, bà V không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, không có tài sản trên đất nhưng năm 2001 UBND xã Tiến Xuân vẫn xác nhận cho hợp đồng chuyển nhượng giữa bà V và ông Kh là vi phạm khoản 1 Điều 30 Luật đất đai 1993.
Bị đơn cho biết, năm 2000, thời điểm ông xuất ngũ về địa phương đã được bố mẹ giao quản lý, sử dụng toàn bộ thửa đất và sử dụng trước khi bà V bán đất cho người khác. “Nguồn gốc đất là của bố mẹ tôi. Việc bố mẹ tôi khai hoang trên mảnh đất này, có nhiều người dân, nhất là những người cao tuổi đều biết. Những người này họ đã ký vào văn bản xác nhận gửi Tòa án”, ông H nói.
Tranh luận tại tòa, luật sư Lại Huy Phát (Văn phòng Luật sư Huy Phát – Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn cho biết, căn cứ vào hồ sơ vụ án cùng lời khai của nhân chứng là những người dân gốc tại thôn Trại Mới khẳng định, từ năm từ năm 1990 vợ chồng bà V không còn ở thửa đất đang tranh chấp hiện nay.
Đặc biệt, bà V có tên trong bản đồ địa chính xã Tiến Xuân năm 1994 nhưng không có tên trong sổ mục kê, có dấu hiệu kê khai không khách quan. Điều này được chứng minh tại tại Công văn số 304/CV-CAH ngày 08/05/2023 Công an huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình trả lời TAND huyện Thạch Thất có nội dung: “Công an huyện Lương Sơn đã tiến hành kiểm tra, rà soát, đối chiếu các thông tin trên trong tàng thư hộ khẩu của đơn vị. Kết quả tại tàng thư hộ khẩu của huyện Lương Sơn không có lưu giữ bất cứ tài liệu và thông tin gì về hộ khẩu đối với các thành viên trong hộ bà Đ.T.V địa chỉ: thôn Trại Mới, xã Tiến Xuân, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình nay là huyện Thạch Thất, TP Hà Nội”.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1, Điều 100 Luật đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất có tên trong Sổ địa chính và các giấy tờ khác được coi là có giấy tờ hợp pháp nếu giấy tờ đó được xác lập trước ngày /10/1993. Điều 18, Nghị định số 43/2014NĐ/CP ngày /5/2014 của Chính phủ và Điều 2 Nghị định 01/2017NĐ-CP ngày 6/1/2017 sửa đổi Điều 18 Nghị định số 43/2014NĐ/CP hướng dẫn khoản 1 Điều 100 Luật đất đai cũng không quy định bản đồ địa chính lập sau ngày /10/1993 là giấy tờ về đất theo quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật đất đai. Vì vậy, việc hộ bà V có tên trong bản đồ địa chính năm 1994 không được coi là trường hợp có giấy tờ về đất theo quy định tại khoản tại khoản 1 Điều 100 Luật đất đai.
“Ngoài lời khai của các đương sự, không ai cung cấp được các giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật đất đai. Mặt khác, thửa đất tranh chấp là đất khai hoang và thực tế, vợ chồng ông H đang quản lý, sử dụng thửa đất này từ năm 2000 đến nay, đã xây dựng nhiều công trình trên đất và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đất hàng năm”, Luật sư Phát cho hay.
Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX không chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn; tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà V. và ông N.V.Kh.
Sau khi xem xét đầy đủ các tài liệu, ý kiến trình bày của các đương sự, tại phiên tòa, Hội đồng xét xử quyết định chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Đ.T.V đối với ông Đ.V,H. Công nhận quyền sử dụng đất tại thửa đất số 53, diện tích 9706,8m2, bản đồ lập 2014 thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bà V.
Chia di sản thừa kế phần đất của chồng bà V. đã chết theo quy định của pháp luật, trong đó ông Đ.V.H được quyền sử dụng 202,2m2 đất tại thửa đất số 53.
Ghi nhận sự tự nguyện của bà V và ông Kh thanh toán trả vợ chồng ông H công sức quản lý, trông nom, tôn tạo đất và tài sản trên đất bằng quyền sử dụng đất có diện tích là 1800m2.