Theo Tổng cục Thống kê, giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt tăng khi nhu cầu tăng cao vào mùa du lịch là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 7 tháng tăng 3,12% so với tháng trước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2023 tăng 0,45% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 7 tăng 1,13% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,06%. Bình quân 7 tháng năm 2023, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê cho biết, giá lương thực, thực phẩm và giá điện sinh hoạt tăng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 7/2023 tăng 0,45% so với tháng trước.
Trong mức tăng 0,45% của CPI tháng 7/2023 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Cụ thể, 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,84%. Trong đó, dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 2,86%; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 0,37%; đồ dùng cá nhân tăng 0,14%; dịch vụ về hiếu hỉ tăng 0,12%.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,63% (làm CPI chung tăng 0,21 điểm phần trăm). Trong đó: Lương thực tăng 0,31% (làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm); thực phẩm tăng 0,79% (làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm); ăn uống ngoài gia đình tăng 0,39% (tác động làm CPI tăng 0,03 điểm phần trăm) do nhu cầu tăng cao theo mùa du lịch.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,51% do thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện, nước của người dân tăng lên và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Quyết định 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 04/5/2023; giá dầu hỏa tăng 3,44% so với tháng trước do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá ngày 03/7/2023, 11/7/2023 và 21/7/2023; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,29%.
Ở chiều ngược lại, giá gas giảm 4,66%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,19% chủ yếu do giá thép giảm theo nhu cầu xuống thấp của thị trường.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,22% do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng giải khát tăng lên trong mùa hè. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,19% chủ yếu do giá dịch vụ du lịch trong nước tăng 0,58%; du lịch nước ngoài tăng 0,49% và khách sạn, nhà khách tăng 0,14% khi nhu cầu du lịch tăng cao vào dịp hè....
Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,18% do nhu cầu mua sắm vào mùa hè tăng. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,% tập trung chủ yếu ở các mặt hàng như: Giá máy xay sinh tố, ép hoa quả tăng 0,53%; máy điều hòa nhiệt độ tăng 0,41%; lò vi sóng, lò nướng, bếp từ tăng 0,35%; hàng thủy tinh, đồ sành sứ tăng 0,22%...
Nhóm giao thông tăng 0,11% do đang mùa cao điểm du lịch nên giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 5,5%; giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,53%. Ở chiều ngược lại, do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 03/7/2023, 11/7/2023 và 21/7/2023 nên chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 0,11%.
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05% chủ yếu do nhóm thuốc giảm đau; thuốc hạ sốt; thuốc chống viêm không steroid và thuốc điều trị gout; xương tăng do nhu cầu của người tiêu dùng tăng. Nhóm giáo dục tăng 0,03% do một số địa phương tăng học phí mầm non.
Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,12% do điện thoại di động và cố định thế hệ cũ giảm.
Lạm phát cơ bản tháng 7/2023 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 4,11% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,65% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,12%).
Số liệu cũng cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số CPI các tháng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm dần. Trong đó, CPI tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%, đến tháng 6 mức tăng chỉ còn 2%, sang tháng 7 tiếp tục tăng ở mức thấp 2,06%.
Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới làm cho chỉ số giá nhóm giao thông so với cùng kỳ năm trước liên tục giảm, từ mức giảm 0,18% trong tháng 2/2023 đã giảm mạnh 9,29% trong tháng 7/2023.