Văn hóa - Du lịch

Chìa khóa vàng đưa bản sắc Việt vươn xa

Phương Trang 06/05/2025 08:09

Trong kỷ nguyên hội nhập sâu rộng, công nghiệp văn hóa đã trở thành "quyền lực mềm" mới của các quốc gia. Việt Nam, với nền văn hóa đa dạng và kho tàng di sản phong phú, đứng trước thời cơ lớn để khẳng định vị thế trên bản đồ sáng tạo toàn cầu. Trong cuộc trao đổi với phóng viên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ góc nhìn về những cơ hội, thách thức và con đường để công nghiệp văn hóa Việt Nam thực sự trở thành động lực phát triển đất nước

c6c610eca20f1051491e1.jpg

Trong kỷ nguyên hội nhập sâu rộng, công nghiệp văn hóa đã trở thành "quyền lực mềm" mới của các quốc gia. Việt Nam, với nền văn hóa đa dạng và kho tàng di sản phong phú, đứng trước thời cơ lớn để khẳng định vị thế trên bản đồ sáng tạo toàn cầu. Trong cuộc trao đổi với phóng viên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ góc nhìn về những cơ hội, thách thức và con đường để công nghiệp văn hóa Việt Nam thực sự trở thành động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên số.

6808a72bc8a796fed92.jpg

Thưa ông, nhiều quốc gia đã xác định công nghiệp văn hóa là chiến lược “quyền lực mềm” quốc gia. Với Việt Nam, ông nghĩ chúng ta đang đứng ở đâu trên bản đồ văn hóa sáng tạo toàn cầu?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Trong thế kỷ 21, công nghiệp văn hóa đã trở thành một vũ khí quyền lực mềm quan trọng, định hình vị thế quốc gia không chỉ bằng kinh tế hay quân sự, mà bằng khả năng lan tỏa giá trị và cảm xúc. Việt Nam - với bề dày lịch sử và kho tàng văn hóa phong phú, đang ở thời điểm hội tụ đầy tiềm năng để bước mạnh ra thế giới.

Những năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự chuyển động tích cực: Âm nhạc, điện ảnh, thời trang, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ Việt Nam ngày càng hiện diện mạnh mẽ hơn trên thị trường quốc tế. Một thế hệ sáng tạo trẻ đang chủ động khai thác bản sắc dân tộc bằng ngôn ngữ toàn cầu, tạo nên những lớp sóng mới đầy cảm hứng.

Theo UNESCO, ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo toàn cầu đóng góp tới 6,1% GDP thế giới, tạo ra gần 30 triệu việc làm. Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp khoảng 7% GDP, với hơn 70.000 cơ sở sáng tạo đang hoạt động. Những con số ấy không chỉ nói về quy mô, mà còn hé lộ một khát vọng: khát vọng đưa bản sắc Việt Nam ra thế giới trong hành trình hội nhập.

0deffa5f1ab3a8edf1a2.jpg
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.(Ảnh: NVCC)

So với những quốc gia dẫn đầu về công nghiệp văn hoá như: làn sóng Hallyu của Hàn Quốc, điện ảnh và trò chơi điện tử của Trung Quốc, thời trang của Pháp,...chúng ta vẫn còn khoảng cách. Nhưng so với chính mình của một thập niên trước, Việt Nam đã tiến một bước dài. Con đường phía trước còn nhiều thách thức, đòi hỏi chiến lược đầu tư bài bản, cơ chế khuyến khích sáng tạo và môi trường nuôi dưỡng tài năng. Nhưng tôi tin rằng, nếu biết khai thác tinh thần Việt: cần cù, sáng tạo, kiên trì và kết nối với dòng chảy toàn cầu, Việt Nam sẽ không chỉ là người tham dự, mà sẽ là nhân vật chính trong câu chuyện của công nghiệp văn hóa thế giới.

Việt Nam đang sở hữu một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng. Nhưng liệu chúng ta đã có chiến lược đủ mạnh để quảng bá những giá trị này ra thế giới một cách có hệ thống và hiệu quả? Theo ông, đâu là những sản phẩm văn hóa mà chúng ta cần ưu tiên phát triển để trở thành biểu tượng quốc gia?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Việt Nam sở hữu một kho tàng di sản văn hóa đặc sắc, cả về vật thể lẫn phi vật thể. Tuy nhiên, việc quảng bá những giá trị đó ra thế giới vẫn còn thiếu một chiến lược tổng thể, nhất quán và có chiều sâu. Thực tế cho thấy, các hoạt động quảng bá của chúng ta phần lớn vẫn mang tính sự kiện, thiếu liên kết chặt chẽ giữa sáng tạo nội dung, xây dựng hình ảnh quốc gia và phát triển thị trường quốc tế.

Theo tôi, để nâng tầm vị thế văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới, cần thay đổi cách tiếp cận: không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu di sản, mà phải tái hiện, sáng tạo và tái định vị các giá trị đó dưới những hình thức mới, phù hợp với ngôn ngữ, thị hiếu và chuẩn mực toàn cầu. Di sản chỉ thực sự sống khi nó trở thành một phần trong đời sống hiện đại, khi câu chuyện Việt Nam được kể bằng những phương tiện sáng tạo nhất của thời đại số.

Ẩm thực, trang phục truyền thống, nghệ thuật dân gian hay điện ảnh đều có tiềm năng lớn để trở thành biểu tượng văn hóa. Nhưng thành công chỉ đến khi chúng ta biết "biến" những giá trị đó thành những sản phẩm sáng tạo đặc sắc, có khả năng cạnh tranh quốc tế, vừa giữ được hồn cốt dân tộc, vừa kết nối với cảm xúc và kỳ vọng của công chúng toàn cầu.

anh-4.jpg

Một chiến lược quảng bá hiệu quả không thể dựa vào những nỗ lực đơn lẻ, mà phải hình thành một hệ sinh thái sáng tạo thống nhất: từ đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, đầu tư cho sáng tạo nội dung, ứng dụng công nghệ số, đến xây dựng thương hiệu quốc gia bằng văn hóa. Chỉ khi đó, văn hóa Việt Nam mới thực sự trở thành nguồn lực mềm, góp phần định vị hình ảnh một Việt Nam năng động, bản sắc và hiện đại trên trường quốc tế.

Rõ ràng, để đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới, chúng ta cần không chỉ những sản phẩm đặc sắc mà còn những cách tiếp cận hiện đại. Trong bối cảnh đó, công nghệ số đang trở thành một yếu tố không thể thiếu trong hành trình sáng tạo và lan tỏa giá trị văn hóa.

4ea94f67fd844fda16953.jpg

Công nghệ và nền tảng số mở ra cơ hội lớn cho các sản phẩm văn hóa Việt tiếp cận khán giả toàn cầu. Tuy nhiên, có những lo ngại rằng việc quá phụ thuộc vào nền tảng số có thể làm thay đổi cách thức sáng tạo và tiêu thụ văn hóa truyền thống. Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa công nghiệp văn hóa và sự phát triển của công nghệ số hiện nay?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Công nghệ số đang mở ra một giai đoạn phát triển mới cho công nghiệp văn hóa Việt Nam. Thông qua internet, mạng xã hội, nền tảng streaming và các ứng dụng kỹ thuật số, sản phẩm văn hóa Việt. Từ âm nhạc, điện ảnh đến thủ công mỹ nghệ có thể tiếp cận với cộng đồng quốc tế một cách nhanh chóng, vượt qua rào cản không gian và thời gian. Công nghệ không chỉ mở rộng phạm vi tiếp cận mà còn tạo ra những phương thức biểu đạt mới, làm phong phú thêm đời sống văn hóa đương đại.

Tuy nhiên, cùng với cơ hội, công nghệ số cũng đặt ra những thách thức đáng lưu ý. Áp lực phải liên tục đổi mới, thu hút sự chú ý nhanh chóng có thể dẫn đến hiện tượng sáng tạo thiếu chiều sâu, chạy theo thị hiếu tức thời, làm xói mòn nền tảng bản sắc văn hóa dân tộc.

Do đó, mối quan hệ giữa công nghiệp văn hóa và công nghệ số cần được tiếp cận một cách tỉnh táo và chiến lược. Công nghệ cần được xem như công cụ hỗ trợ, phương tiện thúc đẩy sáng tạo và truyền tải giá trị văn hóa, chứ không phải là yếu tố chi phối hay thay thế nội dung văn hóa. Sự phát triển của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên số phải dựa trên nguyên tắc: đổi mới phương thức thể hiện nhưng bảo tồn và tôn vinh giá trị cốt lõi.

Muốn vậy, chúng ta cần xây dựng một chiến lược số hóa văn hóa thông minh: số hóa không chỉ là "chuyển tải", mà còn phải "chuyển hóa" các giá trị truyền thống theo cách sáng tạo, giàu chiều sâu, vừa giữ được tinh thần Việt Nam, vừa phù hợp với thẩm mỹ toàn cầu. Đồng thời, giáo dục công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, nâng cao "văn hóa số" để họ không chỉ tiếp thu nhanh, mà còn biết tìm kiếm, thưởng thức và tự hào với những giá trị đích thực.

anh-6.jpg

Bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa trong kỷ nguyên toàn cầu hóa là một thách thức lớn. Theo ông, công nghiệp văn hóa có thể đóng góp như thế nào để làm cầu nối giữa việc gìn giữ di sản và sáng tạo những sản phẩm văn hóa mang tính toàn cầu mà không đánh mất đi bản sắc dân tộc?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, việc bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cơ hội để Việt Nam định vị mình trên bản đồ thế giới. Bản sắc dân tộc là nền tảng để chúng ta bước ra toàn cầu với dáng hình riêng biệt. Trong hành trình ấy, công nghiệp văn hóa chính là cầu nối giữa bảo tồn giá trị truyền thống và sáng tạo những sản phẩm văn hóa hiện đại mang đậm tinh thần Việt Nam.

Công nghiệp văn hóa cho phép kể lại câu chuyện Việt Nam bằng những hình thức hấp dẫn, gần gũi hơn với công chúng toàn cầu. Một bộ phim như Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, những bản remix quan họ, hay bộ sưu tập thời trang lấy cảm hứng từ họa tiết Đông Sơn… đều cho thấy khả năng làm mới di sản trên nền tảng tôn trọng cội nguồn.

Thế giới đã có những hình mẫu thành công. Nhật Bản toàn cầu hóa anime, manga mà vẫn gìn giữ tinh thần Shinto trong từng tác phẩm. Hàn Quốc, nhờ làn sóng Hallyu, đã đưa văn hóa truyền thống ra thế giới, thu về hơn 12 tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu nội dung năm 2021. Toàn cầu hóa, như vậy, không phải là hòa tan, mà là khẳng định cá tính văn hóa trong dòng chảy chung.

Với Việt Nam, đây là thời điểm để công nghiệp văn hóa bứt phá. Các ngành văn hóa hiện đang đóng góp khoảng 3% GDP và được kỳ vọng đạt 7% vào năm 2030, tập trung vào các lĩnh vực như điện ảnh, thiết kế sáng tạo, du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn (theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Công nghiệp văn hóa không chỉ tạo ra sản phẩm, mà còn làm mới tinh thần dân tộc. Khi mỗi tác phẩm văn hóa chạm tới trái tim bạn bè năm châu, bản sắc Việt Nam sẽ hiện diện một cách sống động, tự nhiên trong dòng chảy toàn cầu hóa.

anh-7.jpg

Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn trong việc phát triển công nghiệp văn hóa. Theo ông, tầm nhìn và chiến lược dài hạn nào là cần thiết để Việt Nam thực sự biến công nghiệp văn hóa thành một động lực phát triển quốc gia trong kỷ nguyên hội nhập?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Việt Nam hôm nay đang đứng trước một ngưỡng cửa mới: cơ hội vươn mình mạnh mẽ bằng sức mạnh văn hóa trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu. Công nghiệp văn hóa không còn là một lĩnh vực phụ trợ, mà đã trở thành một động lực phát triển quốc gia, nơi tài năng, bản sắc và sáng tạo hội tụ để tạo ra giá trị kinh tế, sức mạnh mềm và niềm tự hào dân tộc.

Để biến tiềm năng thành hiện thực, chúng ta cần một tầm nhìn dài hạn và chiến lược bài bản. Trước hết, cần xác định rõ rằng văn hóa là một nguồn lực phát triển, chứ không chỉ là lĩnh vực phi kinh tế. Cần đưa công nghiệp văn hóa trở thành một ngành kinh tế trọng điểm, với những chính sách đầu tư ngang tầm các lĩnh vực chiến lược khác như công nghệ thông tin, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Khi văn hóa được nhìn nhận là một phần của sức mạnh kinh tế quốc gia, chúng ta mới có thể huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực sáng tạo.

Thứ hai, cần xây dựng một hệ sinh thái sáng tạo toàn diện. Từ giáo dục sáng tạo trong nhà trường, hỗ trợ khởi nghiệp văn hóa, phát triển hạ tầng sáng tạo (như các trung tâm thiết kế, studio sản xuất nội dung, công viên văn hóa sáng tạo…), đến các quỹ đầu tư cho dự án văn hóa. Một hệ sinh thái bền vững sẽ là nơi chắp cánh cho những tài năng mới, những ý tưởng Việt có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường toàn cầu.

Thứ ba, cần xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua văn hóa. Việt Nam cần chọn ra những biểu tượng văn hóa tiêu biểu như ẩm thực, áo dài, nhạc dân gian hiện đại, điện ảnh, thủ công mỹ nghệ – để kể câu chuyện Việt Nam ra thế giới bằng cách hấp dẫn, sống động và đậm bản sắc.

Cuối cùng, trong kỷ nguyên số, công nghệ phải là người bạn đồng hành không thể thiếu. Số hóa di sản, phát triển nội dung số, ứng dụng AI, AR, VR trong sáng tạo sản phẩm đó là những con đường để văn hóa Việt bước vào không gian số toàn cầu một cách mạnh mẽ, chủ động.

anh-8.jpg
PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Ảnh: NVCC)

Tầm nhìn dài hạn cho công nghiệp văn hóa Việt Nam phải là một tầm nhìn đầy khát vọng: không chỉ hội nhập, mà phải chủ động định hình những giá trị Việt Nam trong dòng chảy toàn cầu. Tôi tin rằng, nếu có chiến lược đúng đắn, nếu thắp sáng được tinh thần sáng tạo Việt Nam trong mỗi nghệ sĩ, doanh nhân, nhà sáng chế, thì Việt Nam sẽ không chỉ trở thành một điểm sáng trong bản đồ công nghiệp văn hóa thế giới - mà còn truyền cảm hứng cho cả những hành trình sáng tạo của nhân loại trong thế kỷ XXI.

Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Bùi Hoài Sơn đã dành thời gian chia sẻ những góc nhìn tâm huyết và chiến lược về phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập.

Tác giả: Phương Trang

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chìa kha vng đưa bản sắc Việt vươn xa