Giáo dục TP. Đà Nẵng đang đứng trước bước chuyển quan trọng, không chỉ ở những con số ấn tượng sau một năm học nỗ lực, mà còn ở quyết tâm chủ động thích ứng với mô hình chính quyền hai cấp và kỳ thi THPT lần đầu theo chương trình mới.
Trong giai đoạn chuyển động toàn diện của bộ máy hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, ngành giáo dục và đào tạo TP. Đà Nẵng đứng trước một bài toán mang tính nền tảng vừa bảo đảm tiến độ và chất lượng các nhiệm vụ giáo dục thường xuyên, vừa chủ động thích ứng với những thay đổi về tổ chức, nhân sự, hệ thống quản lý.
Cuộc làm việc mới đây của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh với Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo không chỉ là dịp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, mà còn mở ra những định hướng rõ nét cho bước đi kế tiếp của toàn ngành, trong bối cảnh nhiều yêu cầu mới đang đặt ra khẩn thiết.
Biểu dương những thành tựu nổi bật của ngành trong năm học 20-2025, đồng chí Nguyễn Đình Vĩnh khẳng định quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo thành phố là luôn ưu tiên đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giáo dục phát triển. Nhưng điều quan trọng hơn là việc ngành giáo dục không được phép thỏa mãn với những kết quả đã đạt mà cần đi tiếp một bước nữa đó là tự soi chiếu, nâng chuẩn, tăng tính tự chủ, đồng thời củng cố vững chắc từ nền tảng tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên cho đến hiệu quả quản lý theo hướng chuyển đổi số.
Trong bối cảnh hội nhập và đổi mới, việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cần được tiếp tục triển khai bằng những hành động thực chất hơn, đặc biệt là khi đất nước đang đứng trước yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh gọn hệ thống quản lý. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, yêu cầu toàn ngành cần bám sát kết luận quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm trong buổi làm việc với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đến giáo dục- một định hướng cốt lõi cho quá trình tổ chức, quản lý và vận hành hệ thống giáo dục ở giai đoạn mới.
Về những nhiệm vụ trước mắt, đồng chí Nguyễn Đình Vĩnh chỉ đạo tập trung nghiêm túc cho công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp, trong đó không chỉ bảo đảm chất lượng, an toàn mà còn giảm áp lực xã hội, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho học sinh và phụ huynh.
Yêu cầu các nhiệm vụ liên quan đến tuyển dụng, điều động, luân chuyển giáo viên phải hoàn tất trước ngày /8 để bảo đảm sự chuẩn bị đầy đủ cho năm học mới, đặc biệt trong giai đoạn chuyển tiếp về mô hình tổ chức.
Không chỉ là câu chuyện thi cử hay biên chế, yêu cầu đặt ra cho ngành giáo dục TP. Đà Nẵng lúc này còn là khả năng thích ứng đồng bộ về cơ sở vật chất, công nghệ và phương thức quản lý. Trong đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam được xem là một nhiệm vụ chiến lược.
Hai đơn vị cần cùng rà soát toàn diện về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài sản, phần mềm quản lý cũng như các quy chế vận hành để bảo đảm tính liên thông, nhất quán khi hợp nhất. Không thể có sự chênh lệch hay thiếu đồng bộ nào trong quá trình vận hành của một hệ thống giáo dục chung, nhất là khi đó là nền móng của tương lai nguồn nhân lực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi cũng có những chỉ đạo sâu sát tại buổi làm việc. Đồng chí ghi nhận nỗ lực của toàn ngành trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và chuyên môn, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo chất lượng, an toàn tuyệt đối trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là kỳ thi vừa đánh dấu bước chuyển về chương trình, vừa diễn ra trong thời điểm tổ chức bộ máy chính quyền đang tái cơ cấu, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành.
Không chỉ lo chuyện “thi cử”, ngành giáo dục còn được yêu cầu tăng cường các giải pháp phối hợp giữa nhà trường và gia đình, tạo điều kiện cho học sinh được vui chơi, phát triển thể chất và kỹ năng sống trong dịp hè. Trong đó, phong trào bơi lội và các hoạt động thể dục thể thao được chỉ đạo phát động rộng khắp, không chỉ như một sân chơi mà còn là phương thức rèn luyện nền nếp, đạo đức, tinh thần trách nhiệm.
Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy toàn ngành đang duy trì tốt sự chỉ đạo xuyên suốt từ sở đến các cơ sở giáo dục. Năm học 20-2025, Đà Nẵng có 194 trường mầm non và khoảng 800 nhóm trẻ, 99 trường tiểu học, 60 trường THCS, 34 trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên, 17 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 12 trung tâm ngoại ngữ và 26 cơ sở hoạt động giáo dục ngoại ngữ.
Đáng chú ý, 100% học sinh tiểu học tại 7/7 quận, huyện trên địa bàn thành phố đã được học 2 buổi/ngày- một trong những mục tiêu lớn của giáo dục phổ thông đã và đang được hiện thực hóa tại Đà Nẵng.
Về đầu tư hạ tầng, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND TP. Đà Nẵng triển khai hiệu quả đề án xây dựng, nâng cấp và mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025. Tính đến nay, tỉ lệ công trình đã hoàn thành đạt 43,7%, một con số thể hiện rõ sự vào cuộc quyết liệt và tính thực thi trong công tác đầu tư giáo dục. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để đáp ứng tốt nhu cầu học tập ngày càng tăng trong giai đoạn phát triển mới của thành phố.
Nhìn từ cuộc làm việc này, có thể thấy rõ, giáo dục Đà Nẵng không chỉ là ngành hưởng thụ đầu tư mà đang thể hiện vai trò chủ động trong kiến tạo và dẫn dắt thay đổi. Những yêu cầu, chỉ đạo được đặt ra không phải là áp lực mà là kim chỉ nam để ngành tiếp tục đổi mới, nâng chuẩn và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển bền vững của thành phố trong tương lai gần. Giữa những chuyển động của tổ chức bộ máy, điều quan trọng là không để học sinh bị ảnh hưởng, đồng thời duy trì, phát triển môi trường giáo dục nhân văn, chất lượng và toàn diện, xứng đáng với vị thế và kỳ vọng của một đô thị học tập hàng đầu khu vực miền Trung.