Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên cả nước, ngành Y tế Đắk Nông đã có những bước tiến quan trọng, trong đó việc áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân đang được triển khai hiệu quả.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý
Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, mạng lưới khám, chữa bệnh (KCB) trên địa bàn tỉnh hiện bao gồm 1 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 7 trung tâm y tế (TTYT) cấp huyện, và 71 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Về chuyên môn kỹ thuật, các cơ sở y tế cấp huyện và bệnh viện tỉnh đã thực hiện được từ 60-80% danh mục kỹ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế. Đặc biệt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã áp dụng thành công một số kỹ thuật chuyên môn cao, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân.
Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), toàn bộ các bệnh viện và TTYT trên địa bàn tỉnh đều có cán bộ chuyên trách về CNTT. Đội ngũ này, phần lớn đã được trang bị chứng chỉ cơ bản về tin học văn phòng. Hiện tại, 100% bệnh viện và TTYT trong tỉnh đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện để phục vụ công tác KCB và hỗ trợ thanh toán bảo hiểm y tế, tạo nền tảng quan trọng cho quá trình chuyển đổi số trong ngành y tế.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Đắk Nông dự kiến trong thời gian đến sẽ triển khai hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử (EMR). Qua tìm hiểu được biết, nếu áp dụng hệ thống EMR, mọi thông tin đều được lưu trữ và truy cập chỉ trong vài giây. Hệ thống EMR sẽ mang lại giá trị lớn trong việc theo dõi liên tục và toàn diện sức khỏe của bệnh nhân. Từ lịch sử khám chữa bệnh, kết quả xét nghiệm đến các phác đồ điều trị đã áp dụng, tất cả đều được cập nhật và quản lý một cách khoa học. Điều này không chỉ hỗ trợ bác sĩ trong việc cá nhân hóa phương án điều trị mà còn tạo sự tin tưởng và hài lòng nơi bệnh nhân.
Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả điều trị, ngành Y tế Đắk Nông cũng chú trọng đến công tác phòng bệnh thông qua các phần mềm quản lý sức khỏe cộng đồng. Những ứng dụng này giúp theo dõi tình trạng sức khỏe của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ tổn thương như người già, trẻ em và phụ nữ mang thai. Cụ thể như chương trình quản lý tiêm chủng điện tử đã được triển khai rộng rãi tại các trung tâm y tế cơ sở. Chỉ cần vài thao tác trên ứng dụng, nhân viên y tế có thể cập nhật danh sách trẻ em cần tiêm chủng và nhắc lịch cho phụ huynh. Điều này giúp giảm tỷ lệ bỏ sót mũi tiêm và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Giảm tải cho tuyến trên từ việc KCB từ xa
Tại Đắk Nông, mô hình “bệnh viện vệ tinh” được xem là một trong những bước đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi số y tế, mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Đây là giải pháp kết nối giữa các bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, ứng dụng công nghệ hiện đại trong KCB, đồng thời mang đến cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao cho người dân, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Nổi bật trong mô hình này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông với vai trò là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân Dân 1 tại TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận nhiều kỹ thuật chuyên sâu và công nghệ y học hiện đại. Nhờ đó, năng lực cung cấp dịch vụ y tế tại bệnh viện không ngừng được cải thiện. Các bác sĩ không chỉ được đào tạo bài bản thông qua các khóa chuyển giao kỹ thuật mà còn học hỏi trực tiếp từ các chuyên gia đầu ngành, giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân tại chỗ.
Ông Trần Duy Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông chia sẻ: “Mô hình “bệnh viện vệ tinh” đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao năng lực y tế tại địa phương. Thông qua đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, chúng tôi không chỉ sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư mà còn mở rộng khả năng ứng dụng CNTT vào quản lý và KCB. Bệnh viện không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại chỗ mà còn có thể nhận tư vấn từ xa từ các chuyên gia hàng đầu, mang đến sự thuận tiện tối đa cho bệnh nhân”.
Một trong những điểm sáng nổi bật trong việc chuyển đổi số là hệ thống tư vấn KCB từ xa dựa trên nền tảng CNTT. Với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, các bác sĩ tại các cơ sở y tế tuyến dưới có thể kết nối trực tiếp với đội ngũ chuyên gia y tế giàu kinh nghiệm tại các bệnh viện tuyến trên để nhận sự hỗ trợ chuyên môn trong những trường hợp khẩn cấp hoặc phức tạp. Điều này không chỉ rút ngắn thời gian xử lý các ca bệnh khó mà còn mở ra cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương cho người dân.
Một lợi ích lớn của hệ thống này là giúp bệnh nhân, đặc biệt là những người ở vùng sâu, vùng xa, không cần phải di chuyển lên các bệnh viện tuyến trung ương hoặc các thành phố lớn. Nhờ đó, họ tiết kiệm được chi phí đi lại, ăn ở, đồng thời giảm áp lực tài chính vốn đã là gánh nặng với nhiều hộ gia đình. Hơn nữa, việc khám chữa bệnh tại chỗ với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại không chỉ đảm bảo chất lượng điều trị mà còn nâng cao niềm tin của người dân đối với hệ thống y tế địa phương.
Hệ thống này không chỉ giới hạn ở cấp tỉnh mà còn mở rộng đến các cơ sở y tế tuyến huyện, xã, mang lại nhiều lợi ích vượt trội. Thông qua các buổi tư vấn trực tuyến, hỗ trợ chuyên môn định kỳ và đột xuất, đội ngũ y tế tại các TTYT và trạm y tế địa phương có cơ hội tiếp cận và học hỏi từ các chuyên gia đầu ngành. Điều này góp phần nâng cao tay nghề cho các y bác sĩ, đặc biệt trong việc chẩn đoán và điều trị những ca bệnh đòi hỏi chuyên môn cao. Đồng thời, công nghệ này cũng tạo điều kiện để các đơn vị y tế tuyến dưới ứng dụng hiệu quả các công cụ quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế hiện đại, tối ưu hóa nguồn lực sẵn có.
Ngoài ra, sự kết nối thông suốt giữa các tuyến y tế còn giúp tăng cường khả năng phản ứng nhanh trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh hoặc tai nạn. Hệ thống y tế từ xa không chỉ hỗ trợ điều trị bệnh nhân kịp thời mà còn đóng vai trò như một công cụ đào tạo và nâng cao năng lực y tế tại các địa phương, từng bước thu hẹp khoảng cách về chất lượng y tế giữa các vùng miền.
Nhìn chung, mô hình tư vấn KCB từ xa không chỉ là giải pháp ứng dụng CNTT trong y tế mà còn là cầu nối quan trọng giữa các tuyến y tế, góp phần hiện đại hóa hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về dịch vụ y tế an toàn, hiệu quả và tiện lợi.
Theo Sở Y tế Đắk Nông, để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và đảm bảo người dân trên toàn tỉnh được tiếp cận với các kỹ thuật hiện đại, Sở đã xây dựng Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 20-2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án này đã được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 8/20, đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình hiện đại hóa y tế của tỉnh.
Bà Võ Thị Ái Liễu, Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông khẳng định rằng đề án KCB từ xa là giải pháp cấp thiết và phù hợp trong bối cảnh ngành Y tế đang chuyển mình mạnh mẽ theo xu hướng số hóa. Bà nhấn mạnh: “Đề án không chỉ đáp ứng yêu cầu của Chính phủ và Bộ Y tế về chuyển đổi số mà còn phù hợp với thực tiễn công tác KCB tại địa phương. Chúng tôi hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tăng cường năng lực chuyên môn cho y tế tuyến cơ sở, đồng thời tạo điều kiện công bằng để người dân ở vùng sâu, vùng xa và khu vực dân tộc thiểu số tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao”.
Với việc áp dụng mô hình KCB từ xa, các bệnh viện tuyến trên cũng được giảm tải áp lực, trong khi các cơ sở y tế tuyến dưới có cơ hội nâng cao năng lực chuyên môn, từ đó cải thiện hiệu quả hoạt động toàn ngành. Đây không chỉ là một bước tiến quan trọng trong hành trình chuyển đổi số mà còn là cam kết mạnh mẽ của ngành Y tế Đắk Nông trong việc mang lại dịch vụ y tế hiện đại và hiệu quả cho mọi người dân.
Chuyển đổi số trong ngành y tế tại Đắk Nông đã mang lại những kết quả tích cực, từ việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đến cải thiện hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển hơn nữa, cần sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị y tế. Bằng quyết tâm và sự chung tay của toàn xã hội, chuyển đổi số sẽ trở thành đòn bẫy mạnh mẽ giúp nâng cao chất lượng sống của người dân.