Sau khi Sở Cng thương TP.HCM đã lên tiếng khẳng định hình thức hoạt động của ứng dụng hon tiền 80% c tên IBG chưa c giấy phép, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về độ rủi ro để các nh đầu tư thận trọng khi... “xuống tiền”.
Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện mô hình hoạt động của các website, ứng dụng thương mại điện tử thực hiện “tiêu dùng hoàn tiền” hay “mua sắm hoàn tiền”. Theo đó, người tiêu dùng được hoàn lại từ 80% đến 100% khi mua sắm thông qua thẻ ngân hàng, ví điện tử, hoặc qua ứng dụng mua hàng.
Điển hình của “hiện tượng” này, là ứng dụng MyAladdinz với những lời quảng cáo sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả người mua và người bán. Tuy nhiên, khi cài đặt ứng dụng và mua hàng, người mua mới vỡ lẽ, họ vẫn phải trả toàn bộ 100% tiền, việc hoàn tiền chỉ thể hiện ở tích điểm trên ứng dụng.
Trước những thông tin quảng cáo rầm rộ, vừa qua, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an đã đưa ra cảnh báo khẳng định App MyAladdinz hoạt động mang nhiều dấu hiệu huy động vốn trái phép và trả thưởng theo mô hình đa cấp thông qua mạng internet.
Tương tự, ngay thời điểm app MyAladdinz bị Bộ Công an đưa ra cảnh báo lừa đảo, app IBG (được quảng cáo thuộc Công ty IBG Việt Nam, được bảo lãnh bởi Tập đoàn OnesGroup) xuất hiện. Cũng tương tự như app MyAladinz vừa bị Bộ Công an cảnh báo, ứng dụng IBG hoàn lại 80% giá trị sản phẩm qua “điểm thưởng” IBG.
Các chiêu thức hoàn tiền "khủng" hút khách của ứng dụng IBG (ảnh internet)
Sau khi đưa ra thị trường, ứng dụng đã tạo nên “cơn sốt” làm giàu, nhanh chóng thu hút với hàng nghìn người tham gia. Trước sự bùng nổ của ứng dụng IBG qua tìm hiểu và nhìn nhận dưới góc độ của nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế Đinh Tiên Hoàng - CEO Công ty You Digital Việt Nam cho biết: “Trên app IBG, rất nhiều mặt hàng được rao bán. Ví dụ một cái bánh trung thu được rao bán với giá 25 IBG. Vậy làm sao để có được IBG? Người dùng sẽ phải tích luỹ điểm hoặc sử dụng USDT để mua IBG".
Tuy nhiên, IBG Việt Nam cho biết không có chính sách bán IBG, mà chỉ là "trao đổi". Theo đó, công ty cũng không nhận tiền VNĐ hay USD mà chỉ giao dịch bằng tiền điện tử là USDT. Nếu muốn "trao đổi" IBG, người dùng phải qua một sàn quốc tế, dùng USD để đổi qua USDT, sau đó đem USDT đổi IBG.
IBG đưa ra các cấp độ đầu tư đối với từng tài khoản và khoản lợi nhuận được hoàn trả (ảnh internet)
Ông Hoàng cho biết, trong các giao dịch của app IBG, doanh nghiệp này khuyến khích người dùng nâng cấp tài khoản theo cấp độ từ Slive (bạc) đến Diamond (kim cương) để nhận các đặc quyền tăng gấp 5 lần giá trị tài sản của gói đầu tư tham gia.
“Chiêu bài nhân 5 số điểm được hiểu là nếu người dùng có 1.000 IBG, tài khoản của họ sẽ được tặng thêm 5.000 điểm. IBG càng nhiều, điểm thưởng càng 'khủng'. Do đó, không ít người vì muốn có điểm thưởng mà sẵn sàng dùng USD đi đổi USDT để quay về app mua IBG.
Tuy nhiên, khách hàng nếu không tỉnh táo sẽ quên việc tiền mình dùng để mua là tiền thật, còn IBG chỉ là dạng tiền ảo, chỉ có thể sử dụng trong hệ sinh thái IBG, không thể đổi ra tiền thật. Còn lúc này, app IBG đã nắm giữ USDT thì họ có thể đổi ra USD bất cứ lúc nào", ông Hoàng phân tích.
Trụ sở của IBG Việt Nam
Theo ông Hoàng, việc huy động tiền, giao dịch ngoại tệ hay các đồng tiền khác tại thị trường Việt Nam đều sai với quy định giao dịch trao đổi tiền tệ tại Việt Nam. USDT hiện cũng không được pháp luật thừa nhận trong giao dịch.
Thực tế, loại hình ứng dụng mua sắm này hoạt động rất tinh vi với mục đích huy động vốn theo dạng Ponzy và theo hình thức đa cấp: Người giới thiệu trực tiếp có thể được hoa hồng 5-10%, hoa hồng gián tiếp 2-5% và kèm phần trăm nhận được giao dịch từ 0,4% - 0,8%.
"Khi đầu tư vào app IBG, khách hàng sẽ gặp nhiều rủi ro. Bởi về mặt pháp lý, cách hoạt động này không được pháp luật Việt Nam cho phép. Các công ty lập ra mô hình này không rõ ràng, không kiểm chứng được năng lực tài chính nên việc phá sản hay biến mất dễ dàng xảy ra, lúc đó thì nhà đầu tư mất trắng”, ông Hoàng khuyến cáo.
Về mức lợi nhuận 80%, ông Hoàng khẳng định là điều không thể, phi lý và phản kinh tế. Sở dĩ số điểm được thưởng “khủng” là bởi IBG muốn níu chân người dùng trong hệ sinh thái. Người dùng sẽ mất hơn một năm sử dụng app để nhận tối đa số điểm.
Mô hình tháp tăng trưởng và hoàn tiền của IBG
Trong khi đó, dưới góc độ pháp lý, trả lời một số cơ quan báo chí, Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích những “góc khuất” của ứng dụng này.
Theo luật sư Cường, tương tự như app MyAladdinz vừa bị Bộ Công an ra cảnh báo lừa đảo, app IBG lợi dụng các hoạt động thương mại điện tử (chưa được cấp phép) để huy động vốn và tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Hệ thống IBG chủ yếu lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi và hoa hồng cho người tham gia trước theo mô hình đa cấp kinh điển Ponzy. Thông qua “chiêu bài” tích điểm vào hệ thống, song việc quy ngược lại từ các “điểm” này thành tiền mặt thì rất khó.
Hệ thống sẽ sụp đổ khi số tiền người tham gia sau không đủ trả lãi hoặc không có người tham gia mới. Tuy nhiên, lúc này những "con át chủ bài" đã thu đủ tiền và sẽ nhanh chóng... “mất hút”.
Mục tiêu chiến lược của ứng dụng IBG đề ra
Theo luật sư, tương tự app MyAladdinz, app IBG đưa ra điều khỏan: “Điểm thì được thưởng rất nhiều, rất khủng. Nhưng người tiêu dùng chỉ được sử dụng 0.2 % số điểm để quy ra IBG. Từ IBG cũng phải rất nhiều bước mới có cơ may đổi được ra tiền. Theo đó, người tiêu dùng muốn đổi ra tiền chỉ có thể bán cho nhà đầu tư khác trong hệ thống, và hầu như không thể thanh khoản được ra ngoài hệ thống.
Như vậy, người tham gia sẽ gặp rất nhiều rủi ro khi tham gia đầu tư vào gói huy động vốn theo mô hình đa cấp trái phép của ứng dụng này”- luật sư Trần Minh Cường nói.
Cũng theo luật sư Cường, Điều 217a Bộ luật Hình sự đã quy định rất rõ về tội Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp, có thể bị xử lý hình sự với mức phạt từ 5 tỷ đồng đến 5 năm tù giam.
Trường hợp phạm tội có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý theo Điều 174 Bộ luật Hình sự. Phạm tội có yếu tố sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thì bị xử lý theo Điều 290 Bộ luật Hình sự.
Những lời quảng bá giới thiệu về IBG Việt Nam (ảnh internet)
Trong khi đó, trao đổi trên một số kênh truyền thông, ông Nguyễn Thanh Bình, TGĐ Tập đoàn OnesGroup đơn vị đang là chủ sở hữu của IBG Việt Nam cho biết: “Với thị trường tiềm năng ở Việt Nam, tôi tin rằng IBG sẽ nhanh chóng kết nối trở thành một hệ sinh thái không chỉ lớn mạnh ở trong nước mà còn mở rộng hệ thống sang nhiều khu vực”. Đồng thời, vị doanh nhân này còn cho biết đang phát triển hệ thống văn phòng khắp các tỉnh thành và kết nối 5.000 doanh nghiệp trong hệ sinh thái IBG tại Việt Nam. Trong tương lai phát triển app IBG ở 200 quốc gia khác nhau trên thế giới.