Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phng Quốc hội đã nhấn mạnh nội dung trên trong buổi họp báo thng tin về kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội kha XIV v đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra chiều 9/6.
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia đánh giá nhìn chung cuộc bầu cử đã diễn ra thành công tốt đẹp, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân từ giai đoạn chuẩn bị cho đến ngày diễn ra cuộc bầu cử với số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu đạt tỷ lệ cao (99,35%).
Ông Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi của báo chí tại cuộc họp báo diễn ra chiều 9/6
Liên quan đến trường hợp phải bầu cử lại do có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở một đơn vị bầu cử tại tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định nội dung vi phạm đã được xác định rõ.
Việc gom phiếu đi bầu thay là hành vi vi phạm rất nghiêm trọng, vì vậy Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã quyết định hủy kết quả bầu cử và cho phép Kiên Giang tổ chức bầu cử lại. Đơn vị bầu cử này đã tổ chức bầu cử lại vào ngày 5/6 vừa qua. Đối tượng gây ra vụ việc này sẽ bị xử lý theo thẩm quyền của các cơ quan pháp luật và quy định của Bộ Luật Hình sự năm 20.
Về việc tại một số địa phương xảy ra việc bầu thiếu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp liệu có ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân trong thời gian tới hay không, ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ việc bầu thiếu đã xảy ra ở các nhiệm kỳ trước, đây là việc hết sức bình thường. Nhiệm kỳ này, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thiếu 8/4.000 đại biểu; Hội đồng nhân dân cấp huyện thiếu 120/25.179 đại biểu; Hội đồng nhân dân cấp xã thiếu 26/291.273 đại biểu. Con số này là rất nhỏ, không làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Hội đồng nhân dân các địa phương. Đối với những địa phương có tỷ lệ bầu thiếu 2/3, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã quyết định cho bầu thêm.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích thêm việc bầu thiếu một số đại biểu các cấp là hết sức bình thường. Người dân ở các xã hiểu rõ những người ứng cử, bởi sống trong cùng một cộng đồng dân cư, người dân rất hiểu đại biểu đó có năng lực, phẩm chất, đạo đức như thế nào... vì vậy việc lựa chọn của cử tri là rất sát.
Liên quan đến việc số lượng đại biểu Quốc hội ngoài Đảng trúng cử giảm, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia lý giải: Theo danh sách trúng cử, số ĐBQH ngoài Đảng giảm 50% so với nhiệm kỳ Khóa XIII, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, lúc ứng cử có 97 người, chiếm tỷ lệ 11%, sau khi bầu xong chúng ta có 21 người, chiếm tỷ lệ 4,2%, thấp hơn so với dự kiến, nhưng đây là quyền của cử tri, lựa chọn và bầu ra người đại diện cho mình.
Trao đổi về việc có năm địa phương bầu thiếu đại biểu Quốc hội nhưng chỉ có Cần Thơ tổ chức bầu cử thêm, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết theo luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, khi đơn vị bầu cử bầu thiếu số lượng, Ban bầu cử địa phương đó sẽ gửi đơn đề nghị về Hội đồng Bầu cử Quốc gia, sau đó, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ xem xét việc có nên bầu thêm hay không. Lần này chỉ có Cần Thơ gửi văn bản đề nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét cho bầu thêm, còn bốn tỉnh còn lại không có văn bản đề nghị.
Đồng thời ông Phúc cũng cho biết thêm sau khi công bố danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội, trong năm ngày, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ nhận đơn thư khiếu nại (nếu có), và sẽ xem xét các đơn thư này trong 30 ngày.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng nhấn mạnh, Hội đồng Bầu cử Quốc gia hoạt động theo thiết chế được Hiến pháp công nhận. Thành công của cuộc bầu cử lần này đã thể hiện vai trò quan trọng của Hội đồng Bầu cử Quốc gia trong việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và chỉ đạo hướng dẫn bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Ví dụ ở các nhiệm kỳ trước, việc xác nhận tư cách người trúng cử đại biểu Quốc hội sẽ được Quốc hội tiến hành tại kỳ họp thứ nhất theo đề nghị của Ủy ban Ban thẩm tra tư cách người trúng cử đại biểu Quốc hội do Quốc hội thành lập, khi đó các đại biểu mới chính thức trở thành đại biểu Quốc hội.
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã trao thẩm quyền xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội cho Hội đồng Bầu cử quốc gia. Theo đó, sau 30 ngày công bố danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội mà không xảy ra khiếu nại, tố cáo hay vấn đề khác, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ công nhận tư cách của các đại biểu Quốc hội.
Cũng liên quan đến vấn đề xử lý đơn thư khiếu nại, trả lời câu hỏi về việc vừa qua có đơn thư một số công dân gửi lên Hội đồng bầu cử phản ánh có tình trạng bầu thay, bầu hộ, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết: Đã tiến hành kiểm tra thấy rằng có một số ý kiến phản ánh nặc danh; một số trường hợp bầu hộ đã được xác minh, những trường hợp này là gia đình có người đi làm ăn xa và không hiểu biết nên đã bầu thay, bầu hộ. Ủy ban bầu cử địa phương cũng đã chấn chỉnh ngay. Xét thấy đây là những trường hợp vi phạm do không hiểu biết và không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử nên xem xét có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, cũng có nơi không có bầu thay nhưng có sai phạm nên đã quyết định hủy kết quả đó đi để bầu lại.
Đối với ý kiến cho rằng, sau hiệp thương vòng 3 có ứng cử viên bị loại mặc dù được nơi cư trú, công tác tín nhiệm 100%, gây hiệu ứng không tốt, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, Hiệp thương lần 3 ở tầm rộng hơn đã biểu quyết không đủ điều kiện nên ứng cử viên này không trong danh sách giới thiệu bầu cử. Đây cũng là điều đáng tiếc và cần rút kinh nghiệm những lần sau để đảm bảo sự đồng thuận chung.
Với gần 100 ứng cử viên là Ủy biên Ban chấp hành Trung ương Đảng trúng cử, ông Hiển cho biết, tất cả cơ cấu thành phần khi dự kiến đều đảm bảo đầy đủ giai tầng trong xã hội. Phần lớn Ủy viên Trung ương trúng cử lần này đều nằm trong các Bộ, ngành, nằm trong danh sách dự kiến cơ cấu khi hiệp thương. Còn như lo ngại của nhiều người về số đại biểu tái cử thấp (160 đại biểu), đạt tỷ lệ 30% sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Quốc hội, ông Hiển khẳng định, dù có thấp hơn khóa trước (Khóa XIII là 33-35%), nhưng không có gì đáng lo ngại, vì số đại biểu tái cử lần này vẫn đảm bảo nòng cốt cho hoạt động của Quốc hội. Còn 2/3 số đại biểu mới trúng cử thì đa số là những người có kinh nghiệm, nhiều người đã từng làm ở các cơ quan dân cử địa phương nên không có gì đáng lo ngại.