Trong phần nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án với các bị cáo, đại diện VKS cho rằng vụ án Sài Gòn Đại Ninh là điển hình sai phạm trong thanh tra, có sự câu kết giữa các bị cáo có chức vụ và doanh nghiệp.
Sáng nay (17/1), phiên tòa xét xử bị cáo Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận cùng các bị cáo khác trong vụ án “Đưa hối lộ", “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” bước sang ngày làm việc thứ 2.
Nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án với các bị cáo đại diện VKS cho rằng, những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh, tạo việc làm, phát triển kinh tế. Đồng thời, cũng có những chính sách chấm dứt hoạt động của những dự án có sai phạm về đầu tư.
Quá trình thực hiện Dự án Đại Ninh, Công ty Sài Gòn Đại Ninh có nhiều vi phạm về đất đai đã được nêu trong cáo trạng, như: không nộp tiền sử dụng đất và tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên, môi trường rừng; quá trình quản lý, sử dụng đất, để người dân tái lấn chiếm, vi phạm quy định của Luật Đất đai; Vi phạm trật tự xây dựng; vi phạm tiến độ dự án, không theo đúng cam kết.
Vụ án là điển hình sai phạm trong thanh tra, có sự câu kết giữa các bị cáo có chức vụ và doanh nghiệp.
Các bị cáo là những người có trình độ, có nhận thức xã hội có học hàm học vị cao, nên có đầy đủ nhận thức về hành vi của mình. Tuy nhiên, họ đã thực hiện hành vi vụ lợi. Do đó, cần có mức án nghiêm khắc đảm bảo tính răn đe nhưng cũng cần phân hóa vai trò của từng bị cáo theo hướng nghiêm trị các bị cáo chủ mưu, chỉ đạo, hưởng lợi, khoan hồng các bị cáo có hành vi không đáng kể, chịu sự chỉ đạo cấp trên.
Tại phiên tòa, các bị cáo đều khai báo thành khẩn, tích cực nộp số tiền hưởng lợi hoặc số tiền thu lợi bất chính. Vì vậy, VKS đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo.
Số tiền 2.700 tỉ đồng bị cáo Nguyễn Cao Trí nhận khi bán dự án là khoản thu lời bất chính. Trong đó có phần trách nhiệm của bên nhận chuyển nhượng dự án khi chưa đảm bảo cơ sở pháp lý. Do đó cần tịch thu sung công quỹ. Bị cáo Nguyễn Cao Trí đã nộp 2 tỉ đồng, cần tiếp tục truy thu số tiền còn lại.
Trong vụ án này, do xác định có vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành Kết luận 929 kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của Dự án Đại Ninh đúng quy định của pháp luật.
Sau khi thỏa thuận mua lại Dự án Đại Ninh, bị cáo Nguyễn Cao Trí dùng tiền và sử dụng các mối quan hệ để tác động các bị can thuộc VPCP, TTCP và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng.
Do đó, các bị cáo thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước nêu trên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thực hiện hành vi trái công vụ, nhiệm vụ giúp ông Trí thay đổi Kết luận thanh tra số 929 từ chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của Dự án thành không thu hồi, cho giãn tiến độ và tiếp tục thực hiện Dự án, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh) mức án từ 3 - 4 năm tù về tội “Đưa hối lộ”.
Với các bị cáo phạm tội “Nhận hối lộ”, VKS đề nghị xử phạt bị cáo Trần Đức Quận (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng) từ 5 - 6 năm tù; Trần Văn Hiệp (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng) từ 7 - 8 năm tù; Lê Quốc Khanh (cựu Phó cục trưởng Cục II, TTCP) từ 4 - 5 năm tù; Hoàng Văn Xuân (cựu Thanh tra viên chính Cục II, TTCP) từ 3 - 4 năm tù; Nguyễn Nho Định (cựu Thanh tra viên Cục II, TTCP) từ 2 - 3 năm tù; Nguyễn Ngọc Ánh (cựu Thanh tra viên chính, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng) từ 3 - 4 năm tù.
Với các bị cáo phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, VKS đề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Hồng Giang (cựu Cục trưởng Cục II, TTCP) từ - 36 tháng tù; Mai Tiến Dũng (cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP) từ - 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Trần Bích Ngọc (cựu Vụ trưởng Vụ I, VPCP) mức án bằng thời gian tạm giam.