Sau 3 ngày xét xử, ngày 27/5, TAND TP. HCM tuyên án đối với 26 bị cáo trong vụ buôn lậu thiết bị, máy móc đã qua sử dụng từ nước ngoài, với hơn 1.287 container hàng có tổng giá trị hơn 217 tỉ đồng.
Theo đó, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo chủ mưu Hoàng Duy Tiến (SN 1985, ngụ TP. HCM, nguyên cán bộ thuộc Đội 7, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03), Công an TP. HCM) 13 năm tù; Võ Văn Đông (SN 1967, nguyên cán bộ PC03, Công an TP. HCM) 7 năm tù về tội “Buôn lậu”.
19 đồng phạm khác nhận mức án từ 3-11 năm tù. Riêng 5 bị cáo là chủ các cơ sở kinh doanh bị phạt 1,5 tỉ đồng. Đồng thời buộc các bị cáo nộp lại số tiền thu lợi bất chính.
HĐXX nhận định, hành vi phạm tội của bị cáo Tiến đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp tổ chức việc buôn lậu số lượng hàng hóa trị giá hơn 217 tỉ đồng, phạm tội nhiều lần. Các bị cáo khác phạm tội với vai trò giúp sức.
Theo cáo trạng, Hoàng Duy Tiến quen biết với một số cá nhân là chủ cơ sở kinh doanh máy móc, thiết bị cũ (gọi tắt là chủ hàng) và biết nhóm người này có nhu cầu tìm người có khả năng nhập khẩu máy móc thiết bị cũ về tiêu thụ trong nước.
Do am hiểu các quy định về hải quan và biết được Quyết định số 18/2019/QĐ/TTg ngày 19/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt là Quyết định số 18), chấp thuận cho nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ phục vụ sản xuất, Hoàng Duy Tiến đã thỏa thuận với các chủ hàng, thông qua các doanh nghiệp do Tiến thành lập, để nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng bằng hình thức kê khai gian dối là hàng nhập khẩu nhằm mục đích đưa vào sản xuất.
Sau đó, Tiến giao hàng lại cho các chủ hàng. Chi phí các chủ hàng phải trả cho Tiến là 78 - 90 triệu đồng/container hàng tùy theo thời điểm, trong đó Tiến sẽ lo toàn bộ chi phí đóng thuế, trả tiền vận chuyển hàng về kho, chi phí trả cho công ty giám định, chi phí cho cán bộ kiểm hóa của Hải quan.
Để phục vụ cho hoạt động buôn lậu của mình, Tiến đã thuê một số đối tượng giúp Tiến trong việc làm thành lập các công ty, làm hồ sơ nhập khẩu, làm thủ tục hải quan, giao dịch thanh toán chi phí cho các hoạt động liên quan.
Theo quy định về điều kiện nhập hàng theo Quyết định 18, hàng hóa nhập có thiết bị, máy móc cũ được sản xuất không quá 10 năm. Tuy nhiên, các chủ hàng hầu hết nhập các máy móc, thiết bị cũ để sản xuất trên 10 năm (giá rẻ hơn, về Việt Nam bán có lời hơn). Do vậy, Hoàng Duy Tiến chỉ đạo các nhân viên khi làm hồ sơ hải quan nhập các container hàng về Việt Nam thì chỉnh sửa năm sản xuất của hàng hóa trên hồ sơ đều dưới 10 năm.
Đồng thời để giảm chi phí đóng thuế, Hoàng Duy Tiến chỉ đạo khai trị giá hàng nhập thấp hơn rất nhiều giá trị thật.
Do quy định doanh nghiệp được mang hàng hóa, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng về kho bảo quản chờ kết quả giám định đủ điều kiện mới cấp thủ tục thông quan, Hoàng Duy Tiến chỉ đạo nhân viên sau khi nhận hàng ở cảng đã cho vận chuyển hàng hóa giao cho các chủ hàng đã thuê Hoàng Duy Tiến nhập về và tiêu thụ ngay mà không chờ giám định.
Mặt khác, Hoàng Duy Tiến thỏa thuận với Công ty Cổ phần Giám định Đại Minh Việt cấp chứng thư giám định khống cho các container hàng với giá là 2,8- 3,2 tiệu đồng/chứng thư tùy theo thời điểm.
Ngày /5/2021, Hoàng Duy Tiến cùng các nhân viên của Tiến, sử dụng pháp nhân của 3 công ty do Tiến lập ra (Công ty Đại Lợi, Hoàng Kim, Gia Cát Thành), đăng ký mở 7 tờ khai hải quan, làm thủ tục nhập khẩu trái phép một lượng lớn hàng hóa là máy móc, thiết bị cũ trong 7 container hàng, khai báo mục đích là sử dụng sản xuất, nhưng thực tế là nhập khẩu thuê.
Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP. HCM phối hợp với Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực I tổ chức dừng thủ tục thông quan hàng hóa các container hàng trên để kiểm tra, lập biên bản ghi nhận sự việc và tạm giữ toàn bộ hàng hóa, chuyển Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM thụ lý điều tra theo thẩm quyền.
Cáo trạng xác định, Hoàng Duy Tiến là chủ mưu, từ khoảng tháng 9/2019 đến ngày /5/2021, Hoàng Duy Tiến đã sử dụng tư cách pháp nhân của 47 công ty, mở 1.3 bộ tờ khai hải quan, nhập lậu trót lọt về Việt Nam 1.287 container hàng, với tổng trị giá tài sản hàng hóa nhập lậu hơn 217 tỷ đồng.