Ngày 6/11, TAND tỉnh Hậu Giang mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án hình sự đối với cựu Phó Chánh Văn phòng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang và nhóm bị cáo là cựu cán bộ thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị cáo bao gồm: Huỳnh Ngọc Dũ (sinh năm 1963), cựu Phó Chánh Văn phòng Ban Quản lý các KCN tỉnh; Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1983), cựu Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm; Trần Thanh Phong (sinh năm 1985), cựu Chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành; Nguyễn Hồng Nhiệm (sinh năm 1985), Phạm Hoàng Nghĩa (sinh năm 1971), cựu cán bộ tư pháp – hộ tịch, thị trấn Mái Dầm và Nguyễn Xuân Thắng (sinh năm 1968) là Công chứng viên thuộc Văn phòng công chứng Nguyễn Xuân Thắng.
Trong vụ án này, HĐXX đã triệu tập gần 130 bị hại và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Theo cáo trạng, vào năm 2019, Huỳnh Ngọc Dũ đang công tác tại Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh nghe thông tin tại ấp Phú Bình, thị trấn Mái Dầm được quy hoạch, thu hồi đất để xây dựng các nhà máy. Thông tin trên chưa được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thực hiện, nhưng Dũ thông qua “cò đất” đến các hộ dân đưa ra thông tin cho họ biết là chỉ cần có hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân và có nhà tại ấp Phú Bình thì sẽ được Dũ mua một suất tái định cư non của người dân với giá từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng/suất.
Theo đó, để nhận được tiền, người dân phải cung cấp bản sao sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân cho Dũ. Ngoài ra, họ cũng phải ký tên vào bộ hồ sơ gồm nhiều loại giấy tờ chưa ghi phần nội dung do Dũ chuẩn bị sẵn gồm giấy ủy quyền, hợp đồng chuyển nhượng đất, đơn xin nhận tiền tái định cư, biên bản giao đất ngoài thực địa, biên nhận…
Ngoài việc mua nền tái định cư nêu trên, Dũ còn thông qua môi giới kêu người dân đứng tên để lĩnh tiền bồi thường nhà cho Dũ xây cất trái phép tại ấp Phú Bình bằng hình thức: Người dân có chứng minh và hộ khẩu trên địa bàn ấp Phú Bình ký tên vào bộ hồ sơ chưa viết nội dung tương tự như hồ sơ mua tái định cư non, Dũ trả tiền mỗi hồ sơ từ 6-10 triệu đồng.
Khi các hộ dân cung cấp thông tin họ tên, số chứng minh nhân dân cho Dũ, thì Dũ tự điền thông tin vào tờ ủy quyền đã được các hộ dân ký trên giấy trắng trước đó, sau đó đem đến UBND thị trấn Mái Dầm và đưa cho Nguyễn Văn Đức, khi đó là cán bộ tư pháp - hộ tịch tiếp nhận để chứng thực.
Vào thời điểm chứng thực, nội dung trên giấy ủy quyền là trắng nhưng UBND thị trấn Mái Dầm vẫn ký chứng thực cho các ủy quyền mà Dũ đưa đến. Sau khi có được các ủy quyền chứng thực, Dũ đem bán đất nền trên cho nhiều người nhằm chiếm đoạt tài sản.
Trong khoảng thời gian từ năm 2019 - 2021, Huỳnh Ngọc Dũ đã sử dụng hồ sơ để bán 137 nền không có thật cho 52 bị hại, qua đó chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền là 25,3 tỷ đồng.
Đối với Nguyễn Văn Đức, dù biết việc chứng thực không đúng quy định pháp luật, nhưng vì nể nang, Đức vẫn thực hiện thủ tục trình lãnh đạo thị trấn ký chứng thực tổng số 72 hồ sơ cho Dũ.
Đồng thời, khi là Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm, Đức đã trực tiếp ký chứng thực 27 hồ sơ cho Dũ, gây thiệt hại tài sản cho 44 bị hại với số tiền 20,2 tỷ đồng. Ngoài ra, vào năm 2020, Đức còn dùng các thủ đoạn gian dối để lừa để bán 77 nền tái định cư không có thật cho bị hại chiếm đoạt tổng số tiền là ,7 tỷ đồng.
Đối với Trần Thanh Phong, Phạm Hoàng Nghĩa, Nguyễn Hồng Nhiệm, Nguyễn Xuân Thắng cáo trạng xác định do thiếu trách nhiệm, nể nang trong quá trình thi hành công cụ đã gây thiệt hại cho người khác, qua đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…
Theo HĐXX, hành vi của Huỳnh Ngọc Dũ đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Nguyễn Văn Đức đủ yếu tố cấu thành các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, các bị cáo Trần Thanh Phong, Phạm Hoàng Nghĩa và Nguyễn Hồng Nhiệm đủ yếu tố cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, và Nguyễn Xuân Thắng đủ yếu tố cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 6/11-8/11/20