Pháp đình

Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bị đề nghị mức án tử hình

Mạnh Hùng 17/07/2023 12:

Sau 4 ngày xét xử, sáng 17/7, phiên toà xét xử 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu” đã bước vào phần luận tội và đề nghị các mức án cụ thể với các bị cáo.

7866de64-40a7-48-b59f-1df459bef396.jpeg
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên toà

Trước đó, mở đầu phiên xử, HĐXX tuyên tạm dừng phiên tòa để các bị cáo nộp thêm chứng từ khắc phục hậu quả. Sau 2 tiếng, phiên tòa tiếp tục làm việc.

Phương thức phạm tội đặc biệt nguy hiểm

Theo bản luận tội của VKS, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo tập trung của Đảng, Chính phủ, cơ quan tư pháp, công tác phòng chống tham nhũng đã có những bước tiến mạnh mẽ, góp phần ngăn chặn đẩy lùi vi phạm, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân. Trong đó, nhiều vụ án có quy mô phức tạp đã bị phát hiện xử lý.

“Vụ án này có số bị cáo công tác tại nhiều Bộ, ngành, địa phương, phương thức phạm tội đặc biệt nguy hiểm, hơn nữa hành vi này xảy ra trong dịch Covid-19 bùng phát nên bị lên án mạnh mẽ”, VKS nêu rõ.

Từ đó, VKS khẳng định việc truy tố và đưa các bị cáo trong vụ án ra xét xử là thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, mang tính răn đe kịp thời và phòng ngừa chung.

Theo VKS, dịch Covid-19 gây ra hậu qua nặng nề về đời sống, kinh tế, sức khỏe, ảnh hưởng tới nhiều người Việt Nam ở nước ngoài. Từ đó, Chính phủ đã tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước.

Tháng 11/2020, do nhu cầu của công dân về nước tăng cao, Chính phủ đã tổ chức 10 chuyến bay combo, giao tổ công tác 5 Bộ tổ chức các chuyến bay. Các doanh nghiệp đã tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước thể hiện chủ trương nhân đạo trong công tác bảo hộ công dân, thể hiện chủ trương đúng đắn, kịp thời và có sự ủng hộ của đồng bào trong và ngoài nước.

ecd971-093e-4619-87f8-8c4a127bf8a0.jpeg
Các bị cáo đứng nghe đại diện VKS luận tội và đề nghị mức án đối với mình

Trong lúc toàn Đảng, toàn dân cùng chung tay chống dịch, thì 1 số bị cáo trong vụ án đã lợi dụng chủ trương nhân đạo tốt đẹp của Nhà nước để trục lợi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, tạo cơ chế xin cho buộc doanh nghiệp phải nâng vé máy bay, gây ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan nhà nước.

Cụ thể, trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng.

VKS xác định 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỉ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỉ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỉ đồng.

Theo VKS, các bị cáo đã có hành vi nhận tiền của doanh nghiệp, trong phần thẩm vấn có một số bị cáo lập lờ, cho rằng đó là sự “cảm ơn”. Tuy nhiên, VKS cho rằng đó là sự đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm. VKS xác định đó là hành vi nhận hối lộ bởi các bị cáo đang làm công tác nhiệm vụ của mình nhưng đã nhận số tiền đặc biệt lớn, bằng cả tài sản mà nhiều người mơ ước. Một lần nữa VKS khẳng định mạnh mẽ đó là hành vi nhận hối lộ.

729467c8-5d21-4b0e-914b-dd08a44964d5.jpeg
Đại diện VKS trong phần luận tội sáng nay

VKS nhận định các bị cáo đưa ra giá, mặc cả giá và gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp dẫn đến việc đưa tiền của nhiều doanh nghiệp.

Nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp

Theo VKS, hành vi phạm tội xảy ra ở nhiều Bộ ngành, địa phương, hành vi mang tính đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, có dấu hiệu thông đồng khai báo. 

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Quang Linh (cựu Trợ lý của nguyên Phó Thủ tướng) nhận hối lộ hơn 4,2 tỉ đồng.

Đối với hành vi sai phạm của bị cáo Tô Anh Dũng, VKS kết luận ông Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) đã nhận hối lộ tổng số tiền 21,5 tỉ đồng.

Cụ thể, Tô Anh Dũng được phân công phụ trách, chỉ đạo Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao. Cục Lãnh sự là đầu mối tiếp nhận hồ sơ từ các doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong thời gian dịch COVID-19, ký văn bản xin ý kiến 4 Bộ (Công an, Quốc phòng, Y tế, Giao thông vận tải) và ký đề xuất gửi Lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch trên.

Biết được vai trò của Tô Anh Dũng, từ tháng 5/2020 – tháng 1/2022, 13 cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tiếp cận, đặt vấn đề nhờ ông Dũng giải quyết việc cấp phép chuyến bay và được ông Dũng đồng ý. Trong quá trình thực hiện, Tô Anh Dũng đã nhiều lần nhận tiền của doanh nghiệp.

38937659-6beb-4049-a7fa-ca3dec78fa2b.jpeg
Các luật sư nghe đại diện VKS đề nghị mức án với thân chủ 

Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao) đã nhận số tiền hơn 25 tỉ đồng. Theo VKS, tại tòa, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Căn cứ vào các lời khai của các bị cáo khác cùng nhiều chứng cứ thu thập được, VKS xác định Hương Lan đã nhận tiền từ đại diện 8 doanh nghiệp để cấp phép các chuyến bay cho doanh nghiệp.

Đối với bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế), VKS xác định Kiên được Bộ Y tế giao làm Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế, lợi dụng chức vụ được giao, Kiên đã tự gây khó khăn cho các doanh nghiệp buộc họ phải chi tiền theo mức mà Kiên yêu cầu mới được Bộ Y tế cấp phép chuyến bay.

Trong vụ án này, VKS xác định Kiên là người nhận số tiền nhiều nhất, số lần nhận tiền nhiều nhất và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất. Kiên đã nhận hơn 42 tỉ đồng với 253 lần. Ngoài ra, theo VKS, khi vụ án bị khởi tố, bị cáo đã chuyển khoản trả lại cho các doanh nghiệp là hơn 12 tỉ đồng, đồng thời nhờ các doanh nghiệp khai báo là tiền vay mượn cá nhân. Vì vậy, VKS cho biết cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất.

Đối với các bị cáo khác trong nhóm tội “Nhận hối lộ”, theo VKS, căn cứ vào các lời khai cùng các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, VKS xác định họ đã có hành vi “Nhận hối lộ” như đúng cáo trạng quy kết.

Xét hành vi “Đưa hối lộ” của các bị cáo là đại diện doanh nghiệp, VKS xét thấy các bị cáo này đã nhiều lần trực tiếp đưa tiền cho những người có chức vụ, nhằm để được cấp phép chuyến bay.

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng giám đốc Bluesky) đã đưa hối lộ 76 lần, tổng số tiền hơn 100 tỉ đồng; Nguyễn Thị Tường Vy (Giám đốc Công ty ATA Việt Nam) đã đưa hối lộ 25 lần với tổng số tiền hơn 11,8 tỉ đồng…

Ngoài ra, căn cứ lời khai của các bị cáo, những người liên quan cùng các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, VKS có cơ sở để xác định có một số bị cáo là đại diện doanh nghiệp đã nhờ người liên hệ, đưa tiền cho một số người có chức vụ để xin cấp phép chuyến bay. Do vậy, VKS đủ căn cứ kết luận, trong vụ án này có 4 bị cáo đã phạm vào tội “Môi giới hối lộ”.

4e9a095a-4bca-4901-ab7e-89aa8c23d18b.jpeg
Toàn cảnh phiên tòa sáng nay

Trong đó, Bùi Huy Hoàng (cựu chuyên viên Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) đã môi giới hối lộ 6 lần với số tiền 3,3, tỉ đồng…

Cựu điều tra viên không thành khẩn khai báo

Trong vụ án này, để trốn tránh trách nhiệm hình sự, các bị cáo Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Thanh Hằng đã bàn bạc nhờ Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội) giúp đỡ, gặp mặt Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên) nhiều lần. Do tin tưởng, Hằng và Sơn đã đưa hơn 2,6 triệu USD. Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo Sơn, Hằng, Tuấn thành khẩn khai nhận hành vi.

Về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Hưng, VKS xét thấy Hưng đã nhiều lần gặp Hằng tại nhà Tuấn, khi được nhờ giúp đỡ, Hưng đã hướng dẫn Hằng tự thú và thống nhất nội dung khai báo. Việc này đã tạo sự tin tưởng cho Hằng để Hằng đưa tiền cho Tuấn rồi Tuấn đưa cho Hưng.

Ngoài ra, theo VKS, Hưng cũng tiếp tục hứa hẹn, hướng dẫn cách khai báo, đưa ra lý do không đúng thực tế, thông tin sai sự thật. Tại phiên tòa, Tuấn và Hằng đều khai nhận diễn biến sự việc như trên.

Theo VKS, Hưng không thừa nhận hành vi; tuy nhiên căn cứ kết quả điều tra, kết quả thực nghiệm, lời khai khách quan của các bị cáo thì có đủ căn cứ xác định Tuấn nhận tiền của Hằng để chuyển cho Hưng. Quá trình này, các bị cáo đã dùng sim rác hoặc ứng dụng Viber liên lạc để đảm bảo bí mật; mọi nội dung trao đổi đều thông qua Tuấn. Điều này thể hiện việc phát sinh nhiều cuộc gọi, hơn 400 cuộc gọi giữa Tuấn và Hưng…

VKS xét thấy Hưng không thành khẩn khai báo nên cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc.

Trong phần luận tội, VKS cũng cho rằng hành vi của một số bị cáo có dấu hiệu của tội “Rửa tiền” nên cần kiến nghị điều tra làm rõ.

Về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, VKS xét thấy các bị cáo thuộc nhóm tội “Nhận hối lộ” bị áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 2 lần trở lên” và “lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để phạm tội”. Tuy nhiên, hầu hết các bị cáo đều có nhân thân tốt, VKS cũng ghi nhận việc khắc phục hậu quả các các bị cáo nên VKS đề nghị HĐXX cân nhắc, xem xét khi lượng hình.

VKS xác định Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế), là người nhận số tiền nhiều nhất, số lần nhận tiền nhiều nhất và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất. Kiên đã nhận hơn 42 tỉ đồng với 253 lần. Ngoài ra, theo VKS, khi vụ án bị khởi tố, bị cáo đã chuyển khoản trả lại cho các doanh nghiệp là hơn 12 tỉ đồng, đồng thời nhờ các doanh nghiệp khai báo là tiền vay mượn cá nhân. Vì vậy, VKS cho biết cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất là tử hình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bị đề nghị mức án tử hình