Chính trị

Đại biểu đề nghị thu phí cơ sở hạ tầng khi nhà có mặt tiền nhờ mở đường

Nguyên Bình 30/08/2023 16:29

Sáng 30/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tập trung thảo luận về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Các ý kiến tập trung thảo luận các quy định liên quan đến thu hồi đất.

Một trong những nội dung còn có ý kiến khác nhau là vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, quy định tại dự thảo Luật liệt kê các trường hợp Nhà nước thu hồi đất là cứng nhắc, chưa phản ánh đầy đủ, chưa khắc phục được căn cơ các vấn đề bất cập.

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng có ưu điểm bảo đảm sự rõ ràng, dễ theo dõi, dễ áp dụng.

Tuy nhiên, việc liệt kê quá cụ thể, chi tiết các dự án, công trình thu hồi đất có nhược điểm khó bảo đảm bao quát, đầy đủ. Trong quá trình thảo luận, có ý kiến cho rằng, cách tiếp cận theo hướng liệt kê các trường hợp như hiện nay chưa làm rõ được sự cần thiết của các dự án, công trình này theo tinh thần của Điều 54 Hiến pháp.

300820230925-thien-nhan.jpg
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nhắc đến sử dụng đất thì phải xuất phát từ lợi ích quốc gia, địa phương, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích của người dân, vì vậy, cần phải làm rõ hơn ba lợi ích này. Cùng với đó, cần xác định thuộc tính của đất. Theo đại biểu, thuộc tính của đất gồm có vị trí và diện tích. Có vị trí đất phù hợp với làm giao thông, có vị trí gần với sông, với biển…, mỗi vị trí này đều có những lợi thế khác nhau.

Theo đó, đất có vị trí nhất định, diện tích nhất định thì cần phải làm gì có lợi nhất cho đất nước, địa phương, đó là lợi ích quốc gia. Chẳng hạn, nếu vị trí đất đó làm đường giao thông là tốt nhất thì phải thu hồi đất để làm giao thông. Đất để làm dự án có ý nghĩa nhất với quốc gia, địa phương thì nhà nước thu hồi vì lợi ích của đất nước, địa phương.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (Đoàn ĐBQH Đồng Nai) cũng cho rằng, vấn đề này liên quan chặt chẽ đến dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Đây không phải vấn đề mới và được tranh luận rất quyết liệt tại hội trường.

Theo đại biểu, giải trình, tiếp thu về vấn đề này, UBTVQH đã có Báo cáo số 104 ngày 1/1/2022, trong đó, nêu rõ quan điểm không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở làm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để tránh xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, thất thoát ngân sách Nhà nước.

Từ đó đến nay tình hình không có chuyển biến để cần thay đổi quan điểm này. Lý do là chúng ta cần vận dụng Nghị quyết 18-NQ/TW về vấn đề này tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Từ đó, đại biểu đề nghị cần có sự phân biệt rõ giữa thu hồi đất và thỏa thuận vì tính chất hoàn toàn khác nhau, cân nhắc rất kỹ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đồng thời, cân nhắc quy định theo hướng chỉ cho phép các bên thỏa thuận để thực hiện các dự án thương mại phù hợp với mục đích sử dụng đất và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất vì quy định như Dự thảo Luật hiện chưa đảm bảo chặt chẽ.

300820231144-thanh-hoan.jpg
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) phát biểu thảo luận.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) đề nghị cần có chính sách thu phí cơ sở hạ tầng. Đây là một loại phí thu đối với chủ sử dụng đất do đất đã tăng giá trị nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng do Nhà nước thực hiện. Phí cơ sở hạ tầng được áp dụng cho cơ sở hạ tầng giao thông, các tiện ích công cộng và không gian công cộng.

Với chính sách này, chủ sử dụng đất phải trả phí cho cơ sở hạ tầng công cộng mà họ được hưởng lợi trực tiếp. Bởi lẽ, việc xây dựng cơ sở hạ tầng thường do Nhà nước thực hiện và không phải là kết quả đầu tư của tư nhân.

Ông nêu thực tế, nhiều dự án nhà ở được hưởng lợi từ việc đầu tư của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng, người mua nhà thường gián tiếp phải trả giá nhà tăng theo những tiện ích công cộng đó. Tuy nhiên, người được hưởng lợi lại không phải là nhà nước mà chỉ là các chủ đầu tư dự án.

Do vậy, đại biểu tỉnh Thanh Hóa đề nghị cần có quy định rõ để xác định khu vực mà chủ sử dụng đất được hưởng lợi từ các công trình công cộng và phải trả phí. Thực tế là các khu vực liên quan tương đối dễ xác định, như những khu đất trong ngõ trở thành nhà mặt đường lớn sau khi nhà nước đầu tư mở đường giao thông...

Theo đại biểu, số phí phải nộp có thể được tính toán dựa trên tỷ lệ chi phí đầu tư hạ tầng, hoặc trên mức tăng giá trị đất thực tế, hoặc dựa vào chính bảng giá đất do chính quyền địa phương ban hành, trên cơ sở so sánh với vị trí cũ.

Khoản phí này có thể thanh toán một lần, hoặc phải nộp trong một khoảng thời gian nhất định để có thể được chuyển nhượng, hoặc cấp phép xây dựng các tòa nhà. Số tiền thu được có thể dùng để tăng chi hỗ trợ cho những người có đất bị thu hồi và để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu đề nghị thu phí cơ sở hạ tầng khi nh c mặt tiền nhờ mở đường