Đại hội đồng LHQ sẽ họp khẩn về tình hình Ukraine, EU siết chặt trừng phạt Nga

Nhật Minh| 28/02/2022 10:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đại Hội đồng Liên hợp quốc sẽ họp phiên đặc biệt để thảo luận về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine; Hội đồng Bảo an dự kiến họp khẩn về tình hình nhân đạo ở Ukraine; EU siết chặt trừng phạt Nga; Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đề nghị triệu tập cuộc họp bất thường về tình hình Ukraine… l những phản ứng mới nhất của các tổ chức quốc tế lớn liên quan đến vấn đề Ukraine.

Liên hợp quốc thông qua nghị quyết tổ chức phiên họp khẩn của Đại hội đồng về tình hình Ukraine

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 27/2 đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết tổ chức một phiên họp khẩn của Đại hội đồng Liên hợp quốc để thảo luận về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng Bảo an cũng sẽ có một cuộc họp khẩn để thảo luận về vấn đề khủng hoảng nhân đạo tại Ukraine.

Cuộc họp do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất sẽ có sự tham dự của nhiều quan chức lãnh đạo đại diện cho các cơ quan cứu trợ nhân đạo và tị nạn của Liên hợp quốc.

hoi-dong-bao-an-ukraine.jpg
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết tổ chức phiên họp khẩn của Đại hội đồng về tình hình Ukraine

Trước đó, trong ngày 25/2, Nga dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn thông qua nghị quyết của Hội đồng Bảo an về động thái quân sự của Nga ở Ukraine.

Việc nghị quyết về Ukraine không được thông qua tại Hội đồng Bảo an khiến các nước ủng hộ kêu gọi một cuộc bỏ phiếu nhanh chóng về một biện pháp tương tự tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Mặc dù Nga đã bỏ phiếu trống, song theo quy định của Liên hợp quốc, Moscow không có quyền phủ quyết đối với nghị quyết triệu tập phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng.

Dự kiến phiên họp sẽ diễn ra trong ngày hôm nay (28/2). Tại cuộc họp, tất cả 193 thành viên của tổ chức quốc tế lớn nhất toàn cầu này đều có cơ hội bày tỏ quan điểm đối với cuộc xung đột Nga- Ukraine hiện nay.

Pháp - một trong 5 quốc gia giữ vị trí Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an đã đề nghị Tổng Thư ký António Guterres phát biểu tại cuộc họp này.

Theo ước tính của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến hơn 120.000 người phải di tản sang các nước láng giềng trong tuần qua. Những người này thường đến Ba Lan, một số đến Moldova, Romania, Hungary và Slovakia.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Guterres đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong đó ông khẳng định tổ chức đa phương này sẽ “tăng cường viện trợ nhân đạo cho người dân Ukraine”.

Một người phát ngôn Liên hợp quốc cho hay tổ chức  này dự kiến sẽ phát động kêu gọi quyên góp viện trợ nhân đạo cho Ukraine vào ngày 1/3. Trước đó, quan chức phụ trách công tác cứu trợ của Liên hợp quốc Martin Griffiths hôm 25/2 cho rằng, cần khoảng 1 tỷ USD để tiến hành các hoạt động cứu trợ dành cho Ukraine trong vòng 3 tháng tới.

Theo ước tính của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến hơn 120.000 người phải di tản sang các nước láng giềng trong tuần qua. Họ chủ yếu di chuyển tới Ba Lan, ngoài ra còn có các điểm đến khác là Moldova, Romania, Hungary và Slovakia.

EU siết chặt trừng phạt Nga, tuyên bố tài trợ vũ khí cho Ukraine

Liên minh châu Âu (EU) ngày 27/2 tuyên bố sẽ siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, triển khai hành động cứng rắn với Belarus, đồng thời tài trợ vũ khí cho Ukraine.

Reuters dẫn thông tin từ Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết EU lần đầu tiên sẽ tài trợ cho hoạt động mua và chuyển giao vũ khí, cũng như các thiết bị khác cho Ukraine.

von-der-leyen.jpg
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen

Theo bà von der Leyen, EU sẽ đóng cửa không phận đối với các máy bay của Nga, kể cả máy bay cá nhân của các doanh nhân Nga. Bên cạnh đó, EU cũng sẽ cấm kênh truyền hình nhà nước Russia Today và hãng thông tấn Sputnik của Nga phát sóng bên trong phạm vi của khối.

Đối với Belarus, EU sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên các sản phẩm nhập khẩu từ nước này - từ các loại nhiên liệu đến thuốc lá, gỗ, xi măng, sắt và thép.

Ủy ban châu Âu dự kiến sử dụng 450 triệu euro (khoảng 507 triệu USD) trong các quỹ của EU để tài trợ chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Ngoài ra, một khoản hỗ trợ 50 triệu euro bổ sung sẽ được dùng để mua các mặt hàng khác, chằng hạn như vật tư y tế, dành cho Ukraine.

IAEA đề nghị triệu tập cuộc họp bất thường về tình hình Ukraine

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết đang đề nghị triệu tập một cuộc họp bất thường của hội đồng thống đốc của cơ quan này vào tuần tới để thảo luận tình hình hiện nay ở Ukraine.

Trong một tuyên bố ngày 27/2, IAEA cho biết, cuộc họp dự kiến sẽ bắt đầu vào lúc 10h00 (giờ GMT, tức 17h00 theo giờ Việt Nam) ngày 2/3 tại trụ sở chính của cơ quan này ở Vienna, Áo.

Hiện, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi "đang tích cực liên hệ với tất cả các bên liên quan đảm bảo an toàn và an ninh của các cơ sở và nguyên liệu hạt nhân tại Ukraine”.

Trước đó, ông cũng kêu gọi tất cả các bên kiềm chế mọi hành động có thể đe dọa đến sự an toàn và an ninh của các cơ sở hạt nhân.

Ukraine có 4 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, cũng như các kho chứa chất thải hạt nhân, trong đó có 1 kho ở Chernobyl. Nhà máy này là nơi xảy ra sự cố hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử vào năm 1986.

Ngoại trưởng ASEAN ra tuyên bố vấn đề Ukraine

Ngày 27/2, Ngoại trưởng 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ra tuyên bố kêu gọi tiến hành đối thoại giữa các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

ukraine.jpg
Dòng người từ Ukraine vượt qua biên giới để vào Romania. Ảnh: The Independent

Tuyên bố của các ngoại trưởng ASEAN nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện kiềm chế tối đa và nỗ lực hết sức để theo đuổi đối thoại thông qua tất cả các kênh, bao gồm cả các biện pháp ngoại giao, nhằm kiềm chế tình hình. Chúng tôi tin rằng vẫn còn nhiều khả năng cho một cuộc đối thoại hòa bình để ngăn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát".

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh sức nóng ở Ukraine ngày càng tăng nhiệt kể từ sau khi Nga công nhận độc lập của Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và Cộng hòa nhân dân Luhansk tự xưng (LPR), đồng thời mở chiến lược quân sự đặc biệt ở vùng Donbass thuộc miền Đông Ukraine.

Nhiều nước đã công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào các thực thể và cá nhân của Nga, đồng thời loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu (SWIFT). Trong khi đó, Nga cũng có những động thái đáp trả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại hội đồng LHQ sẽ họp khẩn về tình hình Ukraine, EU siết chặt trừng phạt Nga