Ngày 20/10, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ trì buổi làm việc trực tuyến với tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Hà Tĩnh về tình hình sản xuất - kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cho biết: Nhờ sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; sự đoàn kết, nỗ lực của tỉnh, Thái Nguyên đã đạt nhiều kết quả rất quan trọng trên các lĩnh vực. 9 tháng năm 2023, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 4,35% (cả nước là 4,%); ngành Công nghiệp tăng trưởng 4,36% so với cùng kỳ năm 2022. Trong thu hút đầu tư, toàn tỉnh cấp mới và điều chỉnh tăng vốn 39 dự án FDI, với tổng số vốn hơn 220 triệu USD; chấp thuận và điều chỉnh tăng vốn cho 20 dự án trong nước ngoài ngân sách, với tổng số vốn 9.345 tỷ đồng...
Đối với 23 đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh Thái Nguyên gửi các bộ, ngành Trung ương, đến nay đã được trả lời, giải quyết 17 kiến nghị. Tại buổi làm việc, đồng chí Trịnh Việt Hùng trình bày bổ sung 5 đề xuất, kiến nghị cụ thể, đó là: Giải quyết vướng mắc liên quan đến việc sử dụng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư đối với 3 dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT trên địa bàn tỉnh; đề nghị Bộ Tài chính quan tâm, sớm phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất của một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn để tỉnh Thái Nguyên có cơ sở triển khai Dự án Khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm TP. Thái Nguyên; giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện Dự án mở rộng giai đoạn 2 Công ty CP Gang thép Thái Nguyên; bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương để triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng mang tính liên kết vùng trên địa bàn tỉnh; đầu tư thêm trạm biến áp 220 kV để đáp ứng yêu cầu phát triển và thu hút đầu tư.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng cho ý kiến cụ thể về một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh Thái Nguyên, đề nghị Văn phòng Chính phủ và đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương tiếp thu đầy đủ những nội dung kiến nghị, đề xuất của tỉnh để tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, khơi thông các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho Thái Nguyên trong phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư..
Tại tỉnh Hà Tĩnh, trong 9 tháng, có gần 900 doanh nghiệp thành lập mới. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 36.400 tỷ đồng. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 65,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Các vấn đề tồn đọng về đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư... được tỉnh tập trung giải quyết.
Về tình hình giải quyết các kiến nghị, trên cơ sở báo cáo của đoàn công tác do đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn (sau buổi làm việc với tỉnh Hà Tĩnh ngày 10/5/2023), Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 542/TTg-QHĐP ngày 14/6/2023 về việc xử lý kiến nghị của các địa phương; trong đó, chỉ đạo các bộ liên quan xử lý 9 kiến nghị của tỉnh Hà Tĩnh. Đến nay, 8 kiến nghị đã được giải quyết, và 1 kiến nghị các bộ đang xem xét, xử lý.
Ngoài 9 kiến nghị trên, Hà Tĩnh đề xuất các bộ, ban, ngành quan tâm hướng dẫn bố trí kinh phí thường xuyên cho công tác lập quy hoạch; nghiên cứu, bổ sung, quy định, hướng dẫn rõ hơn các quy định liên quan đến quy hoạch.
Tại hội nghị, các đại biểu bộ, ngành Trung ương đã thông tin kết quả giải quyết các kiến nghị của 2 địa phương và đưa ra các định hướng, gợi mở để các tỉnh nghiên cứu, triển khai vận dụng vào tình hình thực tế của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và giải quyết các tồn đọng, vướng mắc.
Kết luận buổi làm việc, Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị 2 tỉnh tập trung để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, hoạt động xuất nhập khẩu... Đồng thời, chủ động giải quyết, xử lý các vấn đề còn vướng mắc, tồn đọng của địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN trên địa bàn.