Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có Công văn số 1211/QLD-KD gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ; các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc; Hội dược học Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, Tổng công ty Dược Việt Nam về việc đảm bảo cung ứng thuốc phòng, chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Theo đó, để bảo đảm đáp ứng đầy đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đặc biệt vào thời điểm đầu hè với thời tiết nắng nóng, khí hậu nóng ẩm mưa nhiều là thời điểm thuận lợi cho các virus và vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển, có nguy cơ làm gia tăng các ca bệnh hoặc chuyển thành dịch đối với một số bệnh ở cả người lớn và trẻ em như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, các bệnh đường tiêu hóa...
Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh, trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế trên địa bàn thường xuyên rà soát, bổ sung kế hoạch và triển khai mua sắm thuốc để đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, đảm bảo chất lượng, chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu;
Thuốc phòng chống dịch bệnh và thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa hè như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy do virus Rota, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến vào dịp nghỉ lễ kéo dài và khi bùng phát dịch bệnh.
Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng phục vụ cho nhu cầu cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức bán thuốc ban đêm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên.
Đồng thời, chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định chuyên môn về dược và các quy định về sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn; Chú trọng công tác phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành; các hành vi găm hàng, tăng giá…và xử lý nghiêm các trường hợp được phát hiện.
Chỉ đạo việc tổ chức việc bán thuốc /h và công bố thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời đáp ứng nhu cầu thuốc của người bệnh, không được đầu cơ, tăng giá thuốc trong dịp lễ.
Phân công cán bộ chuyên trách trực /h trong các ngày nghỉ lễ để theo dõi, nắm bắt tình hình và đảm bảo cung ứng thuốc trên địa bàn, để tăng cường công tác phối hợp.
Cục Quản lý Dược đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ chủ động liên hệ với các cơ sở cung ứng thuốc để đặt hàng, theo dõi tiến độ giao hàng, khẩn trương thực hiện mua sắm bổ sung trong trường hợp có nguy cơ thiếu thuốc, đảm bảo sẵn sàng cung ứng thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Các Cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc tăng cường nguồn cung, xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh, không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá thuốc...
Trường hợp có khó khăn, vướng mắc về nguồn cung, các đơn vị phản ánh về Cục Quản lý Dược (Phòng Quản lý Kinh doanh Dược, SĐT: 03.84625) để được hướng dẫn, xử lý.