Tiêu điểm

Đánh giá thực trạng và đề xuất khuyến nghị trong xét xử các vụ án tham nhũng tại Việt Nam

Mai Đỉnh 11/03/20 18:28

Ngày 11/3, tại Hà Nội, TANDTC phối hợp với Cục Phòng chống ma túy và Thực thi pháp luật quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội thảo góp ý dự thảo “Báo cáo đánh giá thực trạng xét xử các vụ án tham nhũng tại Việt Nam và đề xuất khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác xét xử”.

Tham dự và đồng chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Văn Dũng, Thẩm phán TANDTC và ông Trần Văn Thư, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC. Hội thảo có sự tham gia của PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Chánh án TAQS Trung ương, Phó Chánh án TANDTC; các chuyên gia quốc tế, chuyên gia từ các bộ, ban ngành Trung ương; các Thẩm phán, cán bộ TAND, TAQS các cấp khu vực phía Bắc.

Phát biểu khai mạc hội thảo, thay mặt cơ quan TANDTC, Thẩm phán TANDTC Nguyễn Văn Dũng trân trọng cảm ơn Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và UNDP Việt Nam đã và đang hỗ trợ TANDTC trong tiến trình cải cách tư pháp, cùng các chuyên gia và đại biểu đã đến tham dự hội thảo ngày hôm nay.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực thực thi Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng tại Việt Nam” do Cục Phòng chống ma tuý và Thực thi pháp luật quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ và dưới sự điều phối của Chương trình phát triển Liên hợp quốc.

hoi-thao-bao-cao-xx-cac-vu-an-tham-nhung-3-.jpg
Thẩm phán TANDTC Nguyễn Văn Dũng phát biểu khai mạc hội thảo.

Thẩm phán TANDTC Nguyễn Văn Dũng cho biết, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 31/10/2003 với 8 chương và 71 điều. Việt Nam là một trong số 95 quốc gia đầu tiên tham gia ký tại Lễ ký Công ước tại Mexico từ ngày 9 đến ngày 11/12/2003.

Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng kể từ ngày 19/8/2009 sau khi Chủ tịch nước ký Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN về việc phê chuẩn UNCAC.

Để thực hiện nghĩa vụ thành viên sau khi phê chuẩn Công ước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2010 (Kế hoạch số 445). Theo đó, TANDTC được phân công phối hợp triển khai các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

hoi-thao-bao-cao-xx-cac-vu-an-tham-nhung-6-.jpg
Ông Samuel Juett, Điều phối viên Chương trình thực thi pháp luật và tư pháp, Cục Phòng chống ma túy và Thực thi pháp luật quốc tế thuộc Bộ Ngoại gia Hoa Kỳ phát biểu tại hội thảo.

Thẩm phán Nguyễn Văn Dũng thông tin, từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập, công tác đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo số liệu thống kê, khi tổng kết 10 năm hoạt động kể từ khi thành lập (2012-2022), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án hình sự - là những vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Các Tòa án đã đưa ra xét xử 120 vụ án với 1.083 bị cáo. Các Tòa án đã áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn của Nhà nước; khoan hồng với những người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

Theo Thẩm phán Nguyễn Văn Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xét xử các vụ án tham nhũng vẫn còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc về các quy định của pháp luật cũng như trong quá trình tổ chức, thực hiện.

"Với mục đích góp phần đưa ra những đánh giá toàn diện hơn về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và nêu ra các kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác xét xử các vụ án tham nhũng, TANDTC đã phối hợp với nhà tài trợ xây dựng Báo cáo đánh giá thực trạng xét xử các vụ án tham nhũng tại Việt Nam và đề xuất khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác xét xử", Thẩm phán Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.

Thẩm phán Nguyễn Văn Dũng đề nghị các vị đại biểu tích cực tham gia góp ý, thảo luận về dự thảo Báo cáo để các chuyên gia soạn thảo và Ban tổ chức tham khảo, tiếp thu nhằm hoàn thiện nội dung Báo cáo, đảm bảo chất lượng một cách tốt nhất.

hoi-thao-bao-cao-xx-cac-vu-an-tham-nhung-1-.jpg
Quang cảnh hội thảo.

Đồng phát biểu khai mạc hội thảo, ông Samuel Juett, Điều phối viên Chương trình thực thi pháp luật và tư pháp, Cục Phòng chống ma túy và Thực thi pháp luật quốc tế thuộc Bộ Ngoại gia Hoa Kỳ cho hay: Việt Nam đang tham gia với chúng ta trong trong tất cả cuộc chiến chống tham nhũng. Việt Nam và Hoa Kỳ có một mục tiêu chung trong tăng cường các hoạt động phòng, chống tham nhũng và hội thảo này đã mang thêm một cơ hội hợp tác nữa trong lĩnh vực này.

Ông Samuel Juett khẳng định, tham nhũng được ví như một căn bệnh ung thư trong cơ thể của các xã hội - một căn bệnh gây xói mòn lòng tin của công chúng và làm giảm khả năng của các Chính phủ trong việc cung cấp các dịch vụ cho người dân của họ. Tác động của tham nhũng không chỉ làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và phân cực về xã hội, chính trị, kinh tế mà còn cản trở khả năng mà các quốc gia phải ứng phó với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, cũng như giáo dục có chất lượng, làm suy thoái môi trường kinh doanh kinh tế…

hoi-thao-bao-cao-xx-cac-vu-an-tham-nhung-2-.jpg
PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Chánh án TAQS Trung ương, Phó Chánh án TANDTC cho rằng, Báo cáo là cần thiết trong bối cảnh tình hình tham nhũng đang khá nghiêm trọng ở Việt Nam.

Đánh giá về sự cần thiết của Báo cáo đánh giá, PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Chánh án TAQS Trung ương, Phó Chánh án TANDTC cho rằng, Báo cáo là cần thiết trong bối cảnh tình hình tham nhũng đang khá nghiêm trọng ở Việt Nam; Đảng và Nhà nước ta đang tập trung nội lực, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là hệ thống tư pháp vào công cuộc chống tham nhũng.

Đồng thời, trong điều tra, truy tố, nhất là xét xử các vụ án tham nhũng ở nước ta thời gian qua tuy nhìn chung là tốt, nhưng vẫn còn không ít những vướng mắc về những nội dung cụ thể; những khó khăn, vướng mắc và cũng có những nhận thức thiếu thống nhất trong xử lý cụ thể loại tội phạm này.

Ngoài ra, Báo cáo cũng thể hiện sự đồng thuận của Nhà nước Việt Nam trong thực hiện Công ước chống tham nhũng; tìm ra những bài học trong pháp luật một số quốc gia trong giải quyết các vấn đề khác nhau liên quan đến phòng, chống tham nhũng.

hoi-thao-bao-cao-xx-cac-vu-an-tham-nhung-4-.jpg
Các đại biểu tham gia hội thảo.

Một số đại biểu cho rằng, Báo cáo được xây dựng với cơ cấu nhìn chung hợp lý, bảo đảm tính gắn kết tốt giữa các nội dung và phù hợp với tên Báo cáo. Báo cáo đã khái quát được về công tác xét xử các vụ án tham nhũng ở Việt Nam từ năm 2005 đến nay, cung cấp nhiều thông tin và đưa ra nhiều đề xuất có giá trị tham khảo tốt.

Bên cạnh những ưu điểm, các đại biểu cũng đưa ra những điểm cần lưu ý nhằm có được chất lượng tốt hơn, có ý nghĩa thực tiễn cao hơn như, Báo cáo có thể phân tích các đặc điểm hình sự của các tội phạm về tham nhũng từ góc độ pháp luật để từ đó có những giải pháp, đề xuất mang tính nghiệp vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả xét xử các vụ án: Chủ thể các tội phạm tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn; chức vụ người phạm tội tham nhũng càng cao thì tội phạm càng nghiêm trọng. Chủ thể tội tham nhũng là người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực. Có mối quan hệ xã hội rộng rãi...; Quy trình xử lý tội phạm tham nhũng thường phức tạp, kéo dài, bao gồm các hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán... Chứng cứ vụ án rất dễ bị hủy bỏ, làm sai lệch, tạo chứng cứ giả; việc kê biên, thu hồi tải sản tham nhũng khó khăn, khó kịp thời...

Báo cáo cũng đưa ra các kiến nghị, giải pháp như tội phạm hóa hành vi làm giàu bất chính, bổ sung quy định về thu hồi tài sản không thông qua kết án, bổ sung một số thủ tục đặc biệt trong giải quyết các vụ án tham nhũng... là hợp lý. Tuy nhiên, để các kiến nghị, giải pháp đưa ra có cơ sở khoa học, thuyết phục và mang tính khả thi hơn, các kiến nghị, giải pháp đó cần được phân tích, đánh giá trong nội dung Báo cáo...

hoi-thao-bao-cao-xx-cac-vu-an-tham-nhung-5-.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

Hội nghị cũng được chuyên gia quốc tế chia sẻ những thực hành tốt nhất về xét xử các vụ án tham nhũng tại Anh, Ý và Bosnia-Herzegovina và kiến nghị cho Việt Nam.

Sau phần trình bày tham luận của các chuyên gia quốc tế và chuyên gia của Việt Nam, các đại biểu tham gia đã đặt ra nhiều câu hỏi, góp ý đối với các nội dung của dự thảo Báo cáo, đồng thời được các bên trả lời, giải đáp cũng như làm rõ đối với mỗi tình huống của vụ án tham nhũng.

Nội dung của dự thảo Báo cáo gồm 5 phần chính, bao gồm: (1) Sơ lược về chống tham nhũng và Cơ quan xét xử các vụ án tham nhũng ở Việt Nam; (2) Quan điểm chỉ đạo về chống tham nhũng và các quy định pháp luật hiện hành về tội phạm tham nhũng; (3) Quá trình tố tụng tại Tòa án và kết quả xét xử các tội phạm tham nhũng; (4) Những khó khăn, vướng mắc; (5) Một số kiến nghị, đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá thực trạng v đề xuất khuyến nghị trong xét xử các vụ án tham nhũng tại Việt Nam